Trong văn bản dự thảo kiến nghị một số vấn đề lên Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 50% vốn ngân sách Trung ương (khoảng 3.000 tỉ đồng) để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đi qua địa bàn thành phố.
Theo UBND TP.HCM, tháng 10-2019, Thủ tướng giao TP làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Tiếp đó, tháng 11-2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư có văn bản đề nghị UBND TP nghiên cứu xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án theo hai phương án.
Thứ nhất, quyết định đầu tư trước thời điểm luật PPP có hiệu lực (1-1-2021). Với phương án này, TP nghiên cứu thực hiện theo ý kiến của Chính phủ về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Thứ hai, TP quyết định chủ trương đầu tư sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực. Nếu theo phương án này thì thực hiện dự án theo Luật PPP và các nghị định hướng dẫn.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm tải cho quốc lộ 22 bị quá tải nhiều năm nay. Ảnh: ĐÀO TRANG
Như vậy, hiện nay Luật PPP có hiệu lực, nên thủ tục báo cáo Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án sẽ phải nghiên cứu theo Luật PPP và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài nằm trên địa bàn quản lý của hai địa phương, nên UBND TP.HCM và Tây Ninh phải báo cáo HĐND hai địa phương đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND TP.HCM thống nhất với UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Bộ GTVT về việc giao UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng quyết định các vấn đề liên quan.
Cạnh đó, việc TP đề nghị bổ sung thêm kinh phí để giải phóng mặt bằng dự án (vì chi phí này tăng theo thời gian) cần thiết phải cập nhật lại.
Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài hơn 53 km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3, điểm cuối tại Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Tuyến đường có bốn làn xe (17 m, giai đoạn 1), dự kiến năm 2025 đưa vào hoạt động. Dự án phải thu hồi tổng diện tích 432 ha, riêng TP.HCM khoảng 209 ha, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh.
Tổng số tiền đầu tư dự án vào khoảng 13.600 tỉ đồng. Được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng sau khi dự án đưa vào khai thác.
Tuyến cao tốc này từng được Bộ GTVT triển khai nghiên cứu đầu tư, tuy nhiên vì một số lý do nên chuyển cho TP.HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án.
Hiện đường xuyên Á (quốc lộ 22) là tuyến đường bộ duy nhất nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài hiện đã quá tải nhiều năm.
Dự án này hoàn thành sẽ kết nối từ Khu đô thị Mộc Bài với các đường vành đai 4, vành đai 3 của TP.HCM để tạo thành một mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào TP.HCM.
Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN.
Đề xuất làm đường vành đai 3 bằng vốn trung hạn Trong dự thảo đang lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ, TP.HCM cũng cho biết để khai thác hiệu quả cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư khép kín đường vành đai 3 (đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025. |