Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nghệ An, Đắk Nông, Đồng Nai, Hậu Giang, Cần Thơ là những nơi các đường dây buôn xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng cực lớn bị bắt giữ. Tình trạng này diễn ra không chỉ ở một vài tỉnh mà từ Bắc tới Nam, đặc biệt là trên biển và ở các địa phương ven biển.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp.
Chuyên gia sửa chữa ô tô khẳng định, một chiếc xe bị đổ nhiên liệu không đảm bảo chất lượng có thể cảm nhận được và sẽ có tác động lâu dài đến động cơ.
"Nếu chúng ta sử dụng nhiên liệu kém chất lượng, thành phần của nhiên liệu sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình chạy", PGS. Phạm Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Động cơ, Nhiên liệu, Khí thải, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết.
Lực lượng chức năng bắt quả tang một số điểm sản xuất xăng giả. (Ảnh: Dân trí)
Benzen, CO, carbon vốn là những chất rất độc trong khí thải xăng dầu. Xăng giả được đốt lên, khả năng gây hại cho con người sẽ càng nhanh hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, trong 5 loại bệnh phổ biến ở nước ta, bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất và cũng là nhóm đầu gây tử vong.
Mục đích của pha trộn xăng cuối cùng là để pha loãng xăng thật, tăng khối lượng, từ đó kiếm lời, tỷ lệ có thể giảm nhưng về cơ bản, công thức vẫn là: xăng nền, dung môi hóa chất, chất kích RON và chất tạo màu.
Công thức pha trộn có sẵn, lại gần như không thể phân biệt bằng mắt thường và nếu muốn dùng hay không thì người mua vẫn phải đổ xăng. Vì vậy, các đường dây pha trộn, mua bán xăng giả liên tiếp mở rộng, vụ sau lớn hơn vụ trước.
Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã khám xét và thu giữ lượng lớn tiền mặt trong nhà của một đối tượng cầm đầu đường dây mua bán 200 triệu lít xăng kém chất lượng tại Đồng Nai. Hơn 30 đối tượng bị bắt giữ.
Lực lượng công an tỉnh Đồng Nai lấy mẫu xăng, dầu tại một cây xăng. (Ảnh: Dân trí)
Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đưa ụ nổi ra giữa lòng sông Hậu, đoạn chảy qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu, vừa làm điểm tập kết khi các tàu chở xăng dầu lậu từ nước ngoài vào nội địa, vừa làm nơi để pha chế, sang mạn và hợp thức hóa xăng dầu lậu từ tàu lớn sang tàu nhỏ, vận chuyển tới các kho ở các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức lực lượng theo dõi ngược lại các cơ quan chức năng.
Một vụ bắt giữ xăng giả rúng động dư luận không kém là đường dây do Trịnh Sướng cầm đầu, bị Công an Đắk Nông triệt phá vào tháng 5/2019. Trịnh Sướng cùng nhóm đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên diện rộng, từ TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang, với khối lượng hơn 133 triệu lít, thu lợi bất chính trên 100 tỷ đồng.
Còn ở Nghệ An, 2 triệu lít xăng A92 giả bị phát hiện tại Công ty TNHH Thanh Ngũ, thời điểm bắt có 2 bể xăng, với hơn 7.000 lít xăng A92 kém chất lượng vừa pha trộn, trong đó chỉ một nửa là xăng nền, còn lại đều là dung môi.
Cứ 1 triệu lít xăng tương đương với lượng tiêu thụ của 7.300 chiếc xe ô tô đồng loạt chạy từ Hà Giang đến Cà Mau, hoặc khoảng 500.000 xe máy cùng lúc chạy quãng đường 100km, trong khi lượng xăng giả lên tới cả trăm triệu lít. Đáng nói, đây mới chỉ là con số từ vài đường dây bị phanh phui, nên với nhiều người, đổ xăng bây giờ không biết đâu mà lần. Nhiều khi thật giả cũng là chuyện may rủi.
Người tiêu dùng khó phân biệt được chất lượng xăng như thế nào, bởi xăng là một mặt hàng không thể nhận biết được chất lượng bằng mắt thường. Thế nhưng những đối tượng làm xăng dầu giả, kém chất lượng lại biết rất rõ cứ 1 lít bán ra thị trường thì họ thêm được bao nhiêu tiền vào túi.
Bị can Trịnh Sướng, một đại gia xăng dầu nằm trong đường dây làm xăng giả. (Ảnh: Dân trí)
Mức thuế phí hiện chiếm khoảng 49 - 51% giá bán 1 lít xăng dầu. Với việc kinh doanh xăng lậu, xăng giả, xăng kém chất lượng, đây là một khoản siêu lợi nhuận. Ví dụ 1 lít xăng RON95 có giá khoảng 19.000 đồng/lít, những cá nhân và tổ chức buôn lậu làm giả và pha thêm dung môi vào xăng có thể trốn thuế, phí lên đến 10.000 đồng/lít. Vì vậy, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để kiếm lời bất chính.
Những phần chìm của tảng băng xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng đã dần được hé lộ. Các đối tượng đã lợi dụng nhiều khe hở để trục lợi, từ việc buôn lậu trên biển, cấu kết, thậm chí là qua mặt các cơ quan chức năng để đưa xăng dầu lậu thẩm sâu vào trong nội địa, hay như nhiều vụ án pha trộn dung môi để sản xuất xăng dầu giả, xăng kém chất lượng.
Hiện nay vẫn còn sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là cấu kết của những người thực thi công vụ, nhưng chính những người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay một cách gián tiếp cho các đường dây sản xuất, tiêu thụ xăng dầu giả, kém chất lượng khi chúng ta không ý thức được việc lấy hóa đơn mỗi lần mua xăng dầu.
Lợi nhuận khủng là sức hút rất lớn để loại tội phạm nhập khẩu xăng dầu lậu, làm xăng giả và kém chất lượng khó từ bỏ được. Tuy nhiên, nếu loại hàng hóa này được siết chặt từng khâu một thì tình trạng nóng bỏng này chắc chắn sẽ giảm nhiệt.
Kinh doanh xăng dầu phải có điều kiện và chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Vậy xăng dầu hiện nay đang được quản lý như thế nào mà các đối tượng có thể sản xuất xăng giả, xăng kém chất lượng với số lượng lớn như vậy? Tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả và kém chất lượng lộng hành trong thời gian vừa qua, lỗ hổng ở đâu?
Những thắc mắc trên phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Tiêu điểm kinh tế phát sóng ngày 24/4.
Tiêu điểm kinh tế - 24/4/2021.
VTV.vn - Chiều 20/4, TAND tỉnh Đắk Nông đã trả hồ sơ, để điều tra bổ sung vụ án sản xuất, mua bán hàng giả liên quan đến bị cáo Trịnh Sướng và 38 đồng phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.38350200052401202-aig-gnax-taux-nas-hnaod-hnik-gnort-mihc-gnab-gnat-ol-eh/et-hnik/nv.vtv