Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing không phản đối việc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cử phái đoàn đến hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tại đất nước này, hãng tin Reuters cho hay.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết đây là kết quả sau cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước ASEAN về vấn đề Myanmar được tổ chức tại Jakarta (Indonesia) hôm 24-4.
Theo đó, ông Min Aung Hlaing - Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời là người đứng đầu chính quyền quân sự mang tên Hội đồng Hành chính nhà nước - "không phản đối việc ASEAN thể hiện vai trò mang tính xây dựng, chuyến thăm của một phái đoàn ASEAN hay các hỗ trợ nhân đạo".
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing (góc gần, bên phải) trong cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN hôm 24-4 tại Jakarta (Indonesia). Ảnh: AFP
Ông Lý còn cho biết lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar nhấn mạnh họ "đã lắng nghe" ASEAN và "tiếp thu những điểm mà họ cho là hữu ích". Ông Min Aung Hlaing được cho là còn cam kết sẽ "thúc đẩy tiến bộ và tương tác với ASEAN một cách xây dựng".
Tướng Min Aung Hlaing chưa có bình luận về thông tin này.
Các lãnh đạo ASEAN đánh giá cao kết quả cuộc họp tại Jakarta
Theo tuyên bố của nước chủ tịch ASEAN là Brunei, các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp đã nhất trí năm điểm về Myanmar, bao gồm việc chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên, lập phái đoàn ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, chấp nhận viện trợ nhân đạo và cho phép phái đoàn trên tới Myanmar.
Tuyên bố của Brunei không đề cập vấn đề các lãnh đạo dân sự Myanmar đang bị quân đội bắt giam. Tuy nhiên, trả lời báo giới sau cuộc họp, Thủ tướng Singapore đã đặc biệt nhắc tới vấn đề này.
Ông Lý còn cho biết Tướng Min Aung Hlaing đã thông báo sơ lược về tình hình Myanmar, bao gồm những gì đã xảy ra từ đầu tháng 2, diễn biến các cuộc biểu tình và hệ quả kéo theo, cũng như định hướng của chính quyền quân sự tại Naypyidaw.
"Sau đó, tất cả chúng tôi - với tư cách là các lãnh đạo còn lại (trong khối ASEAN) - đã từng người một phát biểu. Và có sự thống nhất khá cao trong quan điểm giữa các nhà lãnh đạo khác nhau" - ông Lý kể lại.
Theo nhà lãnh đạo Singapore, kết quả đạt được là quan trọng khi điều này tạo điều kiện để Myanmar và toàn khối ASEAN tiến tới "chặng đường dài phía trước" để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia thành viên này.
Do đó, ông Lý cho rằng cuộc họp thượng đỉnh ở Jakarta đã "hiệu quả" khi "chỉ ra những bước tiến tiếp theo" cho toàn khối.
"Nếu ASEAN không họp, hoặc không thể đưa ra kết luận về vấn đề này, thì điều đó sẽ rất tồi tệ" - ông Lý nhận xét thêm.
Còn Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thì nhận xét rằng các kết quả cuộc họp là "nằm ngoài mong đợi".
Theo ông Muhyiddin, lãnh đạo các quốc gia còn lại trong ASEAN đã cố gắng không buộc tội chính quyền quân sự Myanmar quá nhiều mà "chỉ nhấn mạnh rằng bạo lực phải chấm dứt" và Tướng Min Aung Hlaing tán thành quan điểm này.
Trong khi đó, tại Myanmar, bản tin đêm của kênh Myawaddy TV (do quân độ quản lý) đã nhắc tới việc ông Min Aung Hlaing họp với các lãnh đạo ASEAN, đồng thời cho biết Myanmar sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm "quá trình chuyển đổi chính trị ở Myanmar và tiến trình sẽ được thực hiện trong tương lai".
Chính quyền dân sự "đối lập" mang tên Chính phủ Đoàn kết quốc gia (NUG) hoan nghênh sự đồng thuận mà các lãnh đạo ASEAN đã đạt được nhưng nhấn mạnh quân đội Myanmar phải tuân thủ các cam kết của mình, đồng thời kêu gọi ASEAN "có các hành động kiên quyết" để thực hiện các điểm đã thống nhất.
Vẫn còn nhiều việc phải làm để ổn định tình hình Myanmar sau các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự và kêu gọi thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của nữ chính khách này.
Lực lượng an ninh Myanmar đã nhiều lần sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình. Theo một thống kê độc lập, 745 người đã chết liên quan tới các cuộc biểu tình kể từ sau chính biến ở Myanmar.