vĐồng tin tức tài chính 365

"Sóng thần" đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọ

2021-04-25 10:02

Hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu khác trên khắp Ấn Độ đang trên bờ vực sụp đổ khi một làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công quốc gia này từ giữa tháng 3, tràn qua đất nước với tốc độ kinh hoàng, CNN đưa tin hôm 21.4.

Các nghĩa trang không còn chỗ trống, các bệnh viện đang quay lưng với bệnh nhân, và các gia đình đang tuyệt vọng cầu xin sự giúp đỡ trên mạng xã hội để tìm giường bệnh và thuốc men.

Ấn Độ đã ghi nhận 295.041 ca mắc Covid-19 mới và 2.023 ca tử vong hôm 21/4, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ.

Jalil Parkar, chuyên gia về các vấn đề về phổi tại Bệnh viện Lilavati ở Mumbai, cho biết: "Mức độ ảnh hưởng rất lớn. Nó giống như một cơn sóng thần".

Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách Bệnh dịch ở New Delhi, cho biết: "Mọi thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát".

Ông Laxminarayan nói thêm: "Không có oxy. Giường bệnh rất khó tìm. Không thể đi xét nghiệm được. Bạn phải đợi hơn một tuần. Và hầu hết mọi hệ thống trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đã trở nên suy sụp".

Thực vậy, ít nhất 22 bệnh nhân Covid-19 đang dùng máy thở đã tử vong hôm 21/4 khi chờ oxy (oxy dự kiến được mang đến cho họ đã bị thất lạc trong một vụ tai nạn), một quan chức cấp cao của quận Nashik ở bang Maharashtra, Ấn Độ, cho biết.

Sóng thần đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọng - Ảnh 1.

Hàng dài người dân Ấn Độ xếp hàng bên ngoài một bệnh viện của nước này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước toàn quốc hôm 20/4 rằng đất nước của ông đang có một "trận chiến rất lớn" chống lại Covid-19.

Ông kêu gọi các tiểu bang "sử dụng phong tỏa làm phương án cuối cùng", ngay cả khi thủ đô New Delhi bước vào ngày đầu tiên của 1 tuần phong tỏa.

Hôm 19/4, Thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal, cảnh báo rằng việc không ngăn chặn sự di chuyển của người dân trong thành phố có thể dẫn đến "thảm kịch".

Kejriwal nói: "Chúng tôi không muốn nhìn thấy bệnh nhân ở Delhi phải nằm trong hành lang bệnh viện và người bệnh tử vong trên đường".

Hôm 20/4, ông Kejriwal cảnh báo rằng một số bệnh viện ở Delhi "chỉ còn đủ oxy cho vài giờ". Cùng lúc, các nhà chức trách nỗ lực chuyển đổi các khu liên hợp thể thao, phòng tiệc, khách sạn và trường học thành các trung tâm điều trị, với mục tiêu bổ sung thêm 6.000 giường bệnh.

Kejriwal nói: "Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi đã đạt đến giới hạn. Nó đang ở trong tình trạng tồi tệ. Nó vẫn chưa sụp đổ nhưng nó đang gặp rất nhiều khó khăn. Mọi hệ thống chăm sóc sức khỏe đều có giới hạn của nó. Không có hệ thống nào có thể chứa số lượng bệnh nhân vô hạn".

Sóng thần đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọng - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trong trung tâm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 Shehnai Banquet Hall vào ngày 15 tháng 4 ở New Delhi.

Cầu cứu trên mạng

Với ít lựa chọn, các gia đình Ấn Độ đang chuyển sang mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ.

Cư dân Mumbai, anh Anil Tiwari, 34 tuổi, mất cha vì Covid-19 vào tháng 11 năm ngoái. Tuần trước, mẹ anh, 58 tuổi, có kết quả dương tính. Bà đã được đưa vào bệnh viện nhưng cần nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

"Tôi vừa khóc vừa chạy đi tìm giường ICU cho mẹ", Tiwari viết trên Twitter hôm 19/4. "Làm ơn hãy giúp đỡ để cứu mẹ tôi. Tôi yêu bà hơn bất cứ điều gì".

Sau nhiều ngày nỗ lực, Tiwari cuối cùng tìm được cho mẹ một chiếc giường ICU, Tiwari cho biết hôm 20/4. Nhưng bây giờ, cô cần oxy cho mẹ, thứ mà bệnh viện đang thiếu hụt.

"Bà vẫn có thể đi lại, nhưng cảm thấy khó thở", Tiwari nói.

Nhu cầu đối với thuốc Remdesivir đã tăng vọt trong làn sóng Covid-19 thứ 2, khiến chính phủ Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu loại thuốc này để tăng nguồn cung trên thị trường nội địa.

Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt loại thuốc này để sử dụng khẩn cấp trong bệnh viện, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa có bằng chứng đầy đủ cho thấy loại thuốc này làm giảm nguy cơ tử vong do Covid-19 hoặc nguy cơ cần thở máy.

Abhijeet Kumar, một sinh viên đại học 20 tuổi, đã lên Twitter để quyên tiền mua thuốc tiêm Remdesivir cho người chú 51 tuổi của mình.

Kumar cho biết chú của anh đã nhập viện ở Raipur, thuộc bang Chhattisgarh, miền trung Ấn Độ, từ ngày 9/4 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Sóng thần đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọng - Ảnh 3.

Các nhân viên y tế nghỉ ngơi giữa lễ hỏa táng nạn nhân Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 19/4.

Kumar nói: "Các mũi tiêm rất đắt. Họ nói rằng nó có giá từ 12.000 đến 15.000 rupee (khoảng 3,7 - 4,6 triệu đồng). Chú tôi đã tiêm hai liều nhưng ông ấy cần tiêm mũi thứ ba và chúng tôi không đủ khả năng chi trả... Chú tôi làm nghề sửa ống nước".

Parkar, chuyên gia về phổi ở Mumbai, cho biết ngay cả bác sĩ và y tá cũng đang vật lộn tìm kiếm giường bệnh và các phương án điều trị cho người thân của họ.

"Mọi người đều đổ bệnh", Parkar nói. "Chúng tôi thậm chí còn không có giường bệnh cho đồng nghiệp, cho cha mẹ hay cho gia đình mình".

Sự chủ quan và các sự kiện đông người

Laxminarayan, đến từ Trung tâm Động lực học, Kinh tế và Chính sách Dịch bệnh, cho biết: Làn sóng Covid-19 thứ hai, từ lâu đã vượt qua làn sóng đầu tiên về cả số ca mắc mới và tỷ lệ lây nhiễm, là "một tình huống được tạo ra bởi sự chủ quan".

Sau khi làn sóng đầu tiên kết thúc vào mùa đông, chính phủ và công chúng đã quá chủ quan, chuyên gia nhận định.

Sóng thần đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọng - Ảnh 4.

Tín đồ đạo Hindu tham gia nghi lễ tắm trên sông Hằng ở Haridwar, Ấn Độ, vào ngày 12/4.

Vào đầu tháng 3, vài tuần trước khi các ca bệnh bắt đầu tăng trở lại, các quan chức y tế Ấn Độ tuyên bố rằng nước này đang ở "giai đoạn cuối" của đại dịch.

Các chuyên gia nhận định kiểu tuyên bố này khiến người dân nới lỏng hành vi phòng chống dịch, chẳng hạn như giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang. Và bất chấp những cảnh báo về rủi ro của Covid-19, các sự kiện đông người vẫn tiếp tục diễn ra - trận đấu thể thao, đám cưới công phu và các rạp chiếu phim mở cửa trở lại.

Sự kiện đông người nhất cho đến nay là Kumbh Mela, một lễ hội quan trọng của người Hindu và là một trong những cuộc hành hương lớn nhất trên Trái đất. Hàng triệu người Ấn Độ đang di chuyển từ khắp đất nước đến Haridwar, một thành phố cổ ở bang Uttarakhand, để tham dự các nghi lễ, cầu nguyện và tắm trên sông Hằng.

Lễ hội chính thức bắt đầu vào ngày 1/4 và kết thúc vào cuối tháng này. Có các hướng dẫn về phòng chống Covid-19 - du khách phải đăng ký trực tuyến và cung cấp giấy tờ xét nghiệm Covid-19 âm tính để được tắm trên sông Hằng, và hàng nghìn cảnh sát đang tiến hành giám sát - nhưng các chuyên gia lo rằng những điều này không đủ để ngăn chặn rủi ro. Dự kiến sẽ có vài triệu người đến Haridwar vào những ngày cao điểm của lễ hội.

Laxminarayan nói: "Kumbh Mela có thể trở thành một trong những sự kiện siêu lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay, đơn giản là vì quy mô số người xuất hiện ở đó để tham gia nghi lễ tắm trên sông Hằng".

Trong nhiều tuần, ông Modi đã hạn chế bình luận về Kumbh Mela và những rủi ro của nó đối với Covid-19. Nhưng vào đầu tuần này, cuối cùng ông cũng kêu gọi những người hành hương tránh tụ tập ở Haridwar.

"Bây giờ Kumbh nên được thực hiện một cách tượng trưng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra", ông Modi đăng trên Twitter thứ 7 tuần trước.

Trong khi đó, Kumbh Mela vẫn đang tiếp diễn, và không có bất kỳ quy tắc mới nào được áp dụng. Bang Uttarakhand đã ban hành một loạt hạn chế mới bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm và giới hạn các cuộc tụ tập công cộng - nhưng lễ hội được miễn.

Sóng thần đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọng - Ảnh 5.

Tín đồ đạo Hindu tắm ở sông Hằng ở Haridwar, Ấn Độ, ngày 11/3.

Haridwar đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc, với hơn 6.500 ca mắc mới được báo cáo kể từ khi Kumbh Mela bắt đầu.

Một số nhóm tôn giáo nhỏ đã yêu cầu những tín đồ của họ trở về nhà nếu chưa đến bang Uttarakhand và tuân theo các hướng dẫn. Một số bang và thành phố đang yêu cầu những người trở lại từ lễ hội phải được xét nghiệm và cách ly.

Nhưng các nhân viên y tế lo sợ đã quá muộn.

Laxminarayan nói: "Lễ hội đã diễn ra trong vài tuần rồi. Tất nhiên, bây giờ họ đã giải tán nhưng có thể lúc này họ đã mang virus về nhà rồi".

(Nguồn: CNN)

Xem thêm: nhc.52860838052401202-gnov-teyut-nad-iougn-nahn-hneb-iov-gnul-yauq-neiv-hneb-ohc-teh-gnart-aihgn-od-pus-cuv-ob-ned-od-na-et-y-yad-naht-gnos/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“"Sóng thần" đẩy y tế Ấn Độ đến bờ vực sụp đổ: Nghĩa trang hết chỗ, bệnh viện quay lưng với bệnh nhân, người dân tuyệt vọ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools