Từ 1-7 tới, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực. Nhiều quy định mới trong Luật Cư trú 2020 được một bộ phận không nhỏ người thuê nhà (thuê trọ), ở nhờ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…quan tâm vì liên quan đến vấn đề tạm trú, thường trú ở nơi thuê.
Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, sẽ đưa ra những điểm mới trong Luật Cư trú 2020 mà người ở thuê, ở nhờ nên biết.
8 trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú
Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 yêu cầu công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Điều 29 luật này cũng quy định người thuê, ở nhờ đã đăng ký tạm trú vẫn có thể bị xóa đăng ký khi thuộc một trong tám trường hợp sau:
- Chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố đã chết.
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định.
- Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ sáu tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác.
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
- Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú.
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác.
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó.
- Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Hiện, Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 không quy định về xóa đăng ký tạm trú.
Tạm trú dưới một năm vẫn được đăng ký thường trú
Khoản 3 Điều 20 của luật này quy định, người ở thuê, ở nhờ được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi thỏa hai điều kiện sau đây:
Thứ nhất, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó.
Thứ hai, nơi ở thuê, ở nhờ bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định và không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Trước đây, theo Luật Cư trú năm 2006, công dân được đăng ký thường trú vào nhà thuê, nơi ở nhờ tại thành phố trực thuộc trung ương nếu được chủ nhà đồng ý, đã tạm trú liên tục từ một đến hai năm trở lên và bảo đảm diện tích nhà thuê theo quy định của địa phương.
Như vậy, Luật Cư trú 2020 đã bỏ quy định tạm trú liên tục từ một đến hai năm trở lên trong điều kiện để người ở thuê, ở nhờ được đăng ký thường trú tại nơi ở thuê, ở nhờ.
Vậy, từ 1-7 công dân tạm trú dưới một năm vẫn có thể được xem xét đăng ký thường trú tại nơi ở thuê, ở nhờ nếu đáp ứng đủ một số điều kiện khác.
Xóa thường trú khi chấm dứt hợp đồng thuê
Luật Cư trú 2020 cho phép người ở thuê, ở nhờ được đăng ký thường trú tại nơi ở thuê, ở nhờ. Tuy nhiên, Điều 24 luật này cũng quy định, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ sẽ bị xóa đăng ký thường trú khi đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú.