Chôn người chết vì COVID-19 ở một nghĩa trang New Delhi - Ảnh: Reuters
Bác sĩ Jalil Parkar - chuyên gia bệnh đường hô hấp hàng đầu của Ấn Độ, không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt. Năm ngoái, ông bị nhiễm COIVID-19, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt và chiến đấu với nhiều biến chứng khác nhau.
Vượt qua lằn ranh sinh tử, ông thừa nhận bản thân cảm thấy mất bình tĩnh khi chứng kiến thực tế khốc liệt diễn ra từng ngày, từng giờ.
"Hệ thống y tế của chúng tôi đã sụp đổ. Chúng tôi đã phụ lòng người dân. Bác sĩ có thể làm được gì khi hạ tầng không cho phép bệnh nhân nhập viện, khi không có giường hoặc oxy y tế?" - ông than thở.
Thất bại ngay từ đầu
Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Nếu tính quy mô dân số thì nước này sẽ sớm vượt mặt Mỹ nếu tình hình chống dịch không có chuyển biến. Mỗi ngày, thống kê chính thức ghi nhận hơn 2.000 người chết vì COVID-19 ở Ấn Độ nhưng chỉ là phần nổi.
Tiết lộ trên Tạp chí Time, nhà báo người Ấn Rana Ayyub cho biết 3 nguồn tin ẩn danh từ ngành y tế tin rằng số người chết thật sự ở Ấn Độ đã vượt quá 10.000 mỗi ngày.
"Không ai thoát được. Chỉ trong tuần vừa rồi tôi mất 4 người quen vì COVID-19, gồm một người họ hàng xa, một người hàng xóm và hai người bạn thân chỉ mới trong độ tuổi 30" - bà Rana kể.
Người chết ở Ấn Độ giờ nhiều đến mức đi đâu cũng thấy. Hôm 23-4, Bệnh viện Gangaram hàng đầu New Delhi phát tín hiệu SOS vì oxy chỉ còn đủ xài trong 2 tiếng, lúc đó 25 bệnh nhân đã thiệt mạng. Tình hình bi đát đến mức người ta tranh nhau cướp bình oxy để cứu người thân.
Mặc cho cảnh kinh hoàng đó, có một phần của Ấn Độ cứ như sống trong thực tế khác. Mỗi ngày, hàng chục ngàn tín đồ Hindu vẫn vô tư xuống sông Hằng nhúng nước nhân lễ hội hành hương Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand.
Tính ra đã có hàng triệu tín đồ như thế tụ tập từ ngày 11-3 đến nay, bất chấp việc hàng ngàn người xét nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi tham dự. Chỉ trong vài ngày giữa tháng 4, hơn 1.600 ca nhiễm đã được xác nhận trong số họ.
Hồi tháng 3, khi đợt dịch chết chóc đã nhen nhóm, nhiều lãnh đạo bang thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) lên báo trấn an người hành hương rằng mọi thứ đều "an toàn" và "sạch sẽ". "Không ai sẽ bị ngăn cản nhân danh COVID-19, vì chúng ta tin chắc niềm tin vào Chúa sẽ vượt qua nỗi sợ virus" - thủ hiến bang Uttarakhand tuyên bố như thế ngày 20-3.
Mãi cho đến cách đây vài ngày, tức giữa tháng 4, Thủ tướng Narendra Modi mới chịu lên tiếng kêu gọi người dân tham gia hành hương một cách "tượng trưng" thôi để ngăn dịch. Đã quá trễ.
Bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện ở New Delhi - Ảnh: Reuters
Chính quyền bất động
Nhà báo Rana kể một câu chuyện đau lòng: "Khi đến thăm bệnh viện Navi Mumbai, tôi nhìn thấy một y tá ngồi ở bậc thang gục đầu vào hai tay. Cô ấy nói đang vật lộn với cảm giác buồn nôn. Bệnh viện hiện không còn ai lau dọn, công nhân bỏ chạy hết vì chỉ có một toilet cho khoảng 20 bệnh nhân COVID-19.
Cô y tá mới mắc bệnh còn chưa khỏe hẳn. Cô đã 3 lần xin được nghỉ phép nhưng đều bị từ chối. Cô ước có thể nghỉ việc nhưng gia đình 6 người phụ thuộc vào cô. 'Chị nói xem, đây có phải là địa ngục không?' - cô y tá hỏi tôi".
Đợt dịch lần này ở Ấn Độ chết chóc hơn một phần do bệnh viện thiếu oxy nghiêm trọng. Điều tra của tờ báo Ấn Scroll.in phát hiện chính phủ nước này đã chờ đến tận tháng 10-2020, tức 8 tháng sau ngày bùng dịch, mới chịu mời thầu lắp đặt hệ thống tạo oxy trị giá 27 triệu USD cho các bệnh viện.
6 tháng sau, hầu hết hệ thống oxy còn chưa lắp xong. Các bang Haryana, Maharashtra và Gujarat liên tục phát đi cầu cứu vì nguồn cung oxy cạn kiệt. Mới đây, một bộ trưởng bang Haryana tố chính quyền thành phố Delhi cướp một xe tải chở oxy cho họ, đến mức ông này phải kêu cảnh sát hộ tống những xe khác đề phòng.
Bà Priyanka Gandhi - thành viên đảng Quốc đại đối lập, tố chính quyền các bang che giấu sự thật về thương vong do COVID-19. Ở bang Gujarat - quê nhà của Thủ tướng Modi, tòa án tối cao phải ra lệnh cho chính quyền công bố thống kê chính xác sau khi họ từ chối xác nhận con số tử vong rất cao.
Một ví dụ khác, kênh truyền hình Ấn Times Now đưa tin ở bang Madhya Pradesh, 94 thi thể được hỏa táng mỗi ngày nhưng dữ liệu của chính quyền chỉ công bố có 3. Tuy nhiên khi thi thể bắt đầu chất đống trong nhà xác, họ không thể che giấu được sự thật nữa.
Một khu hỏa táng tập thể ở New Delhi ngày 22-4 - Ảnh: Reuters
Trách nhiệm của người đứng đầu
Tuần này, khi toàn thế giới sốc trước số liệu COVID-19 ở Ấn Độ, đảng cầm quyền Bharatiya Janata lại lên Twitter đăng video Thủ tướng Modi đi... vận động bầu cử, bên cạnh ông là Bộ trưởng nội vụ Amit Shah. Dư luận đặt câu hỏi tại sao họ không ở thủ đô điều phối chống dịch?
Chỉ sau khi làn sóng chỉ trích dâng cao, Thủ tướng Modi ngày 22-4 mới thông báo hủy cuộc vận động bầu cử ở Tây Bengal để họp khẩn với các bộ trưởng.
Từ tháng 1-2021, ông Modi liên tục tổ chức các sự kiện vận động chính trị ở nhiều bang và cho phép các lễ hội tôn giáo như Kumbh Mela diễn ra. Đất nước xuất khẩu vắc xin đi khắp nơi nhưng ông không thèm tiếng trấn an người dân hay khuyến khích họ đi tiêm phòng.
Ở vùng nông thôn Ấn Độ, nơi có 65% dân số sinh sống, rất nhiều người e dè vắc xin sau khi đọc tin đồn trên mạng xã hội.
Ở bang Tây Bengal, một lãnh đạo Đảng BJP ở đây còn vận động người dân uống nước tiểu bò để trị COVID-19. Ông này lên báo viết hẳn một bài chỉ trích các chuyên gia là "chống Modi", nói người dân không nên chối bỏ "y học dân tộc" như uống nước tiểu bò hay nghệ để tăng cường miễn dịch.
Chương trình tiêm chủng của Ấn Độ diễn ra rất chậm. Thậm chí sau khi nhiều tâm dịch như Maharashtra phải đóng cửa trạm tiêm chủng vì thiếu vắc xin, chính quyền trung ương vẫn chậm chạp không can thiệp. Mãi đến tuần thứ hai của tháng 4 ông Modi mới chịu thông qua khẩn cấp vắcxin Sputnik V của Nga theo lời khuyên của chuyên gia.
Sau bài phát biểu trước toàn dân ngày 20-4, ông Modi vẫn chưa có động thái gì giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt ngoài vài lời kêu gọi. Trên Twitter, dân mạng chia sẻ hashtag #WeCannotBreathe (chúng tôi không thở được) và chỉ trích sự lãnh đạo yếu kém của người đứng đầu.
Nói như nhà báo Rana: "Vào một thời điểm nguy cấp trong lịch sử, người Ấn bị bỏ rơi và phải tự lo thân".
Xem thêm: mth.48321627152401202-od-na-o-hcik-maht-ned-nad-naol-noh-hcid-gnohc/nv.ertiout