Sáng 24/4, ông Hoàng tự bào chữa tại TAND Hà Nội để tranh luận với cáo buộc của VKS về những sai phạm liên quan chuyển nhượng lô "đất vàng" hơn 6.000 m2 ở TP HCM cho tư nhân.
Trong hơn 30 phút trình bày, ông Hoàng chậm rãi nói "nếu có mắc khuyết điểm thì chỉ do quá nhiệt tình" và lo lắng Sabeco không có trụ sở làm việc. Thời đó, với vị thế và đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, Sabeco cần có trụ sở làm việc tương xứng. "Vậy tôi có phải là người cố ý làm sai nghị quyết hay không, đề nghị HĐXX xem xét trong bối cảnh thời bấy giờ", ông Hoàng giải thích.
Cựu bộ trưởng cho rằng VKS cáo buộc ông giữ vai trò chính, hành vi có tính quyết định đến sai phạm của các bị cáo khác là không đúng thực tế. "Chỉ đạo là áp đặt ý chí của mình cho cấp dưới thực hiện theo dù phù hợp hay không. Vai trò chính là người chủ trì công việc cụ thể, chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, tôi không làm vậy", ông nói.
Quá trình triển khai dự án xây dựng tòa cao ốc có ba giai đoạn và ông chỉ thực hiện nguyện vọng chính đáng của Sabeco, không có đề xuất gì với dự án này. Nhà đầu tư đầu tiên không đủ năng lực dẫn đến dự án đổ vỡ nên việc Sabeco thay thế bằng nhà đầu tư thứ hai không làm thay đổi bản chất vụ án.
Ông Hoàng cho biết thêm, Sabeco do Vụ Công nghiệp nhẹ là đầu mối quản lý và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) phụ trách. Năm 2012, Sabeco chủ động báo cáo Bộ Công Thương về những khó khăn trong triển khai dự án xây dựng tòa cao ốc, văn phòng làm việc và cho thuê. Bởi vậy, ông "rất thông cảm" với mong muốn đổi chủ đầu tư của Sabeco.
Sabeco lúc đó đang triển khai khâu chuẩn bị đầu tư chứ không phải dự án mới. Bởi vậy VKS cáo buộc ông chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản khi đây không phải ngành kinh doanh chính là không đúng. "Tôi khẳng định không chỉ đạo gì. Khi Sabeco đề xuất lên Bộ và thứ trưởng phụ trách hỏi ý kiến, tôi đóng góp. Đặc biệt, tôi chỉ thêm một câu là lựa chọn nhà đầu tư thì phải báo cáo Bộ xem xét bởi nhà đầu tư trước đã không thực hiện được", ông Hoàng nói.
Ông Hoàng cũng phản bác cáo buộc cho rằng tham gia vào quá trình chuyển nhượng lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng sang cho tư nhân. Việc thoái vốn được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và đề xuất của Sabeco chứ không phải ý kiến của Bộ. Khi Sabeco thoái vốn, ông không còn giữ cương vị bộ trưởng.
Bào chữa cho ông Hoàng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng quyết định cho thuê đất không nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương nên không thể quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ. Việc cho thuê đất là quyền của cơ quan quản lý đất đai. "Đề nghị HĐXX quan tâm đến bối cảnh phạm tội bởi lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết về sai phạm", ông Thiệp nói.
Theo cáo buộc, Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng yêu cầu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cùng Vụ trưởng Phan Chí Dũng chỉ đạo Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không giao Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt. Ngược lại, ông chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để chuyển quyền sử dụng khu đất là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, ông Hoàng bị VKS đề nghị 10-11 năm tù, Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) 7-8 năm. 8 cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị VKS đề nghị thấp nhất 2-3 năm tù đến cao nhất là 5-6 năm cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Chiều nay, phiên toà tiếp tục phần tranh tụng.
Xem thêm: lmth.1277624-hnit-teihn-auq-od-al-iot-auc-meid-teyuhk-gnaoh-yuh-uv-gno/ten.sserpxenv