“Thực tế rất nhiều doanh nghiệp (DN) có sản phẩm, có thương hiệu nổi đình nổi đám, bán khắp các thị trường quốc tế nhưng họ vẫn chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường xuất khẩu trọng điểm”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết như trên.
Rất nhiều thương hiệu bị xâm hại
. Phóng viên: Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm câu chuyện gạo ST25 có nguy cơ bị chiếm đoạt quyền bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Mỹ. Ông đánh giá thế nào về sự việc này?
+ Ông Vũ Bá Phú: Câu chuyện của gạo ST25 không phải là mới mà đã diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Về bản chất, đây là một trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thị trường xuất khẩu (bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm ở Mỹ). Khi một sản phẩm có chất lượng, năng lực cạnh tranh tốt, thương hiệu có giá trị và uy tín thì luôn có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường.
Điều này rút ra bài học là các DN có thương hiệu sản phẩm tốt phải có ý thức cao để bảo vệ thương hiệu của mình bằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường.
. Ông đề cập chuyện không ít thương hiệu của Việt Nam (VN) bị các DN nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Cụ thể ra sao và hiện các thương hiệu đó như thế nào?
+ Từ trước đến nay có rất nhiều thương hiệu đã từng bị xâm hại. Đó có thể là thương hiệu của DN hoặc là những thương hiệu mang tính chất chỉ dẫn địa lý.
Ví dụ, trước đây cà phê Trung Nguyên, thương hiệu cà phê rất nổi tiếng của VN, đã bị một công ty của Mỹ là Rice Field nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Sau hai năm thương thảo, công ty này đã chấp thuận trả lại quyền bảo hộ và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm cà phê Trung Nguyên của VN tại Mỹ.
Hoặc trường hợp kẹo dừa Bến Tre cũng bị một công ty khác đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại thị trường Trung Quốc. Tháng 8-1998, khi chỉ còn ba tháng nữa thì công ty này được cấp bằng độc quyền nhãn hiệu thì bà Nguyễn Thị Tỏ, chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre, mới biết. Bà vội vàng thuê phiên dịch tức tốc đến cơ quan chức năng Trung Quốc khiếu nại. Đến năm 1999, bà thành công trong việc đòi lại tên cho sản phẩm đặc trưng của Bến Tre này.
Hoặc như thương hiệu thuốc lá hàng đầu của VN là Vinataba cũng đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký thương hiệu tại hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN vào năm 2002. Sau đó, Tổng công ty Thuốc lá VN đã phải tốn kém nhiều tỉ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài và được công nhận là đơn vị sở hữu thương hiệu Vinataba.
Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khác như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột... cũng đã từng bị đánh cắp thương hiệu. Sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài đã khiến nhiều DN suýt chút nữa đánh mất tên sản phẩm của chính mình.
Phải hợp tác, bắt tay nhau cùng làm
. Nhiều ý kiến đánh giá ý thức xây dựng thương hiệu của DN VN chưa cao thể hiện qua việc chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
+ Thời gian qua, các DN VN đã có sự cố gắng và ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn có một số DN còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của thương hiệu nên chưa xây dựng chiến lược marketing một cách bài bản, trong đó có việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và DN của mình.
. Thật ra cũng có nhiều DN nghĩ đến vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu nhưng vì đó là DN nhỏ, tiềm lực còn yếu?
+ Như vậy càng cần phải có sự liên kết giữa nhà sản xuất, nhà nghiên cứu; DN nhỏ liên kết với đơn vị phát triển thị trường, DN có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, đồng thời bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Thực tế việc theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ là rất tốn kém về thời gian, chi phí nên DN cần phải chủ động bảo vệ mình.
Nước mắm Phú Quốc đã được Liên minh châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ảnh: AH
Không thể làm thay doanh nghiệp
. Một số ý kiến cho rằng với các sản phẩm đặc biệt như gạo ST25 và nhiều sản phẩm nổi tiếng khác phải được coi là tài sản của quốc gia và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm hỗ trợ, được Nhà nước bảo vệ?
+ Chính phủ không thể làm thay DN được khi chúng ta có cả gần 800.000 DN, đa số là DN vừa và nhỏ với hàng trăm ngàn sản phẩm. Chính phủ chỉ có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo hộ thương hiệu trên thị trường, cảnh báo nguy cơ nhãn hiệu sản phẩm bị xâm hại… chứ không thể làm thay DN việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Thương hiệu là tài sản của DN thì DN phải có trách nhiệm chủ động bảo vệ tài sản của mình.
. Với góc độ là một trong những cơ quan hỗ trợ các DN phát triển thương hiệu, Bộ Công Thương đã và đang làm gì để giúp các DN bảo vệ cũng như đòi lại được những thương hiệu đã bị nước ngoài đăng ký?
+ Chúng tôi, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, có rất nhiều chương trình như tập huấn, cung cấp chuyên gia tư vấn hỗ trợ cho các DN. Trong hệ sinh thái của chúng tôi cũng giới thiệu các chuyên gia có năng lực liên quan đến việc đăng ký, bảo vệ, bảo hộ cho thương hiệu sản phẩm của DN.
Bên cạnh đó, với hệ thống tham tán thương mại rộng khắp trên thế giới, nếu xảy ra tranh chấp thì Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với các tham tán thương mại sẵn sàng hỗ trợ DN đòi lại quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
. Xin cám ơn ông.
Dù gạo ST25 rất nổi tiếng nhưng vẫn chưa được công nhận là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Ảnh: AH
ST25 chưa phải là thương hiệu quốc gia vì chưa đăng ký Một số DN cho biết giống gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nhiều năm liền đoạt giải nhất gạo ngon thế giới và đã được chính phủ công nhận là thương hiệu quốc gia, coi đây là tài sản quốc gia và được nhà nước bảo vệ. Ngược lại, gạo ST25 của VN đã được công nhận là gạo ngon nhất thế giới từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa phải là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thừa nhận gạo ST25 chưa được công nhận là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Bởi quy chế thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia quy định việc xét công nhận một sản phẩm nào đó là thương hiệu quốc gia thì phải tuân theo thủ tục hành chính. Tức là DN phải gửi hồ sơ tới Hội đồng Thương hiệu quốc gia, trải qua quá trình thẩm định theo quy định, sản phẩm đó sẽ được xem xét đạt hay chưa đạt các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia. “Thực tế có rất nhiều DN có sản phẩm, có thương hiệu tốt, đã xuất khẩu đi nhiều thị trường song chưa phải là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia là vì họ chưa đăng ký xét chọn sản phẩm của mình với Chương trình Thương hiệu quốc gia” - ông Phú cho hay. Mỗi sản phẩm có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), mỗi sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau. DN cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất, tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm, hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình. Địa chỉ tốt nhất để DN tìm kiếm thông tin về các quy định và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cơ quan sở hữu trí tuệ của nước đó. Đơn cử như tại Mỹ là Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (uspto.gov), Cơ quan Sở hữu trí tuệ của châu Âu là euipo.europa.eu... |