Thu hàng nghìn tỷ đồng
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank (VCB) cho hay, năm trước, VCB đã ký kết hợp đồng độc quyền với hãng bảo hiểm nhân thọ FWD và đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là giao dịch bảo hiểm nhân thọ lớn nhất. Quý I/2021, doanh thu hoa hồng bảo hiểm của VCB đã tăng lên 390 tỷ đồng, cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái.
Theo kế hoạch, ngoài 1.700 tỷ đồng phí upfront, VCB còn có kế hoạch thu về 1.110 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm trong năm 2021. Nếu đạt được kế hoạch đã cam kết, tổng số tiền mang về là 2.800 tỷ đồng trong năm nay từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền với FWD.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021, nhiều cổ đông thắc mắc lý do nhà băng này đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 thận trọng khi chỉ tăng trưởng 11% so với năm trước. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch VCB cho rằng, trải qua giai đoạn tích tụ trong hai năm 2020 và 2021 với khoản dự phòng đạt kỷ lục trên 19.000 tỷ đồng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức kỷ lục 370%, lợi nhuận Ngân hàng sẽ bứt phá mạnh trong các năm tới.
Dự kiến đến 2025, lợi nhuận VCB sẽ đạt mức 2 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2020. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của VCB đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Tại nhiều ngân hàng, doanh thu từ Bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới.
Điển hình như tại Vietinbank, với giả định trong năm 2021, Ngân hàng sẽ bắt đầu ghi nhận 1/5 phí trả trước từ các hợp đồng bảo hiểm độc quyền được ký kết với Manulife trong năm 2020, con số thu về sẽ ở mức khoảng 1.600 tỷ đồng.
Theo đó, thu nhập phí ròng từ bancassurance của ngân hàng này sẽ tăng trưởng khoảng 50% so với năm 2020.
Thông tin từ Chủ tịch HĐQT VietinBank - ông Lê Đức Thọ cho biết, lợi nhuận quý I năm nay ước tính khoảng từ 7.000 đến 8.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có doanh thu, lợi nhuận cao nhất của ngân hàng này từ trước đến nay.
Chưa hết, chủ tịch VietinBank còn cho biết thêm, con số lợi nhuận nói trên chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa bao gồm các đóng góp từ thương vụ bancassurance (độc quyền bán bảo hiểm) với Manulife. Nếu gộp chung cả con số này lợi nhuận còn “khủng” hơn con số đã nêu.
Tổng giám đốc Sacombank bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm nguồn thu từ Bancassurance đạt hơn 400 tỷ đồng. Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền dài hạn 20 năm.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Sacombank, do hợp đồng đã ký với đối tác từ năm 2017 nên Ngân hàng cũng đang xem xét lại để đẩy mạnh nguồn thu từ Bancassurance.
Kết thúc quý I/2021, tăng trưởng huy động vốn của Sacombank đạt 3,5%, cho vay đạt 5,8%. Thu từ dịch vụ đạt 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch đề ra trong năm 2021 (4.000 tỷ đồng trước thuế).
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho hay, trong thời gian qua mảng Bancassurance đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho Ngân hàng.
Mục tiêu đưa ra của HDBank trong năm nay, nguồn thu về phí dịch vụ Bancassurance sẽ đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận 7.281 tỷ đồng của Ngân hàng đưa ra cho cả năm 2021.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận trước thuế HDBank đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 68% so với quý I/2020. Thu nhập dịch vụ tăng trưởng trên 98%, là quý thứ 3 liên tiếp thu dịch vụ tăng mạnh.
Tiềm năng tăng trưởng lớn
Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank đánh giá, Bancassurance còn nhiều dư địa phát triển thời gian tới, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã mời hợp tác và HDBank đang cân nhắc để mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông nên Ngân hàng chưa vội ký bởi cơ hội tăng giá trị hợp đồng còn rất lớn.
Nguyên nhân là tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn khiêm tốn, trong khi tầng lớp trung lưu tại thị trường Việt Nam tăng nhanh.
Tham gia Bancassurance giúp ngân hàng có thêm doanh thu bán bảo hiểm, bên cạnh việc nhận một khoản phí trả trước (có thể lựa chọn thanh toán một lần hoặc trải đều suốt thời gian hợp tác) từ công ty bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẵn sàng trả mức phí rất lớn để ký với ngân hàng hợp đồng độc quyền phân phối. Nếu như khoảng 3 - 4 năm trước, giá trị hợp đồng bancassurance dao động 100 triệu USD cho 15 năm hợp tác, thì đến nay đã tăng mạnh. Điển hình như FWD đầu năm ngoái chốt thương vụ với Vietcombank khoảng 400 triệu USD, hay ACB cũng có hợp đồng với SunLife khoảng 370 triệu USD.
Mảng thu phí bảo hiểm của ngân hàng rất lớn, song theo bà Thảo, do HDBank ký hợp tác kinh doanh bảo hiểm với đối tác trước đây rất lâu nên chưa có nhiều kinh nghiệm và cả hai bên nhìn nhận cần xem xét lại để tăng tốc trong thời gian tới.
Trong khi đó, ACB đã dành tháng 12/2020 để thực hiện chuẩn bị triển khai bán bảo hiểm và đã chính thức bán bảo hiểm theo mô hình nhân viên ngân hàng trực tiếp tư vấn với khách hàng.
Nhờ đó, ngân hàng đã giành được vị trí số 1 toàn hệ thống trong tháng 1/2021 với doanh thu phí 137 tỷ đồng (tính theo APE - Phí phải đóng tương đương cho cả năm).
ACB vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.104 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.483 tỷ đồng, tăng trưởng 51,5% so với một năm trước. Trong khi, dự phòng rủi ro phải trích gấp 6,5 lần so cùng kỳ.
Trích dự phòng nợ xấu tăng mạnh, ACB vẫn báo lãi hơn 3.104 tỷ đồng quý I/2021
Theo đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối lần lượt tăng 68,7% và 37,3%, đem về 625 tỷ đồng và 196 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, theo ước tính của SSI, trong năm 2021, ngoài khoản phí trả trước (trải đều cho 15 năm) do Sunlife thanh toán, hoa hồng bảo hiểm của ACB sẽ tăng 35% do hoạt động kinh doanh của mảng này trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 và việc chấm dứt các hợp đồng trước đây với AIA và Manulife, khiến cho ngân hàng không có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ trong tháng 12/2020.
SSI nhận định, hai hợp đồng bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB với SunLife Việt Nam và VietinBank với Manulife sẽ tạo ra nhiều thay đổi về thị phần bảo hiểm vào năm 2021 trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Trong mảng Bancassurance, LienVietPostBank cũng nằm trong top các NHTM có doanh số bảo hiểm cao nhất thị trường.
Cùng với những nỗ lực trong việc kinh doanh và phát triển hoạt động dịch vụ, tính đến hết quý I/2021, thu thuần dịch vụ của LienVietPostBank đạt 162 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.112 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và là quý có lãi cao nhất trong lịch sử nhà băng này. Thậm chí kết quả kinh doanh quý I còn cao hơn lợi nhuận cả năm của những năm trước.
Thực tế cho thấy, việc bán chéo bảo hiểm đã mang về nguồn thu khổng lồ cho nhiều ngân hàng trong các năm qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Điển hình như Ngân hàng MB đã thu về gần 5.850 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong năm 2020, tăng trưởng 39% so với năm 2019. Theo đó, khoản thu này chiếm tới hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MBBank.
Tương tự, hoạt động này đã mang về cho VPBank khoản thu hơn 2.575 tỷ đồng, Techcombank thu 827 tỷ đồng...
Tại VIB, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm trong năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với 2019. Việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015 đã giúp thu nhập bancassurance của VIB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong 4 năm qua.
Ngân hàng OCB cũng ghi nhận trên 616 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm 67% tổng thu nhập từ phí năm 2020 của ngân hàng.
Do tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam rất lớn, OCB đang tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu nhập này với mục tiêu tăng trưởng 25%/năm.
Xem thêm: lmth.72130000042210202-meih-oab-gnam-ut-neit-nob-meik-gnah-nagn/nv.semitaer