Giám đốc Bkav mở diễn đàn cho người hâm mộ điện thoại Bphone đặt câu hỏi. Trong đó, một người hỏi ông Quảng nghĩ gì về việc tự thiết kế và sản xuất smartphone trong khi rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam làm.
Một dây chuyền sản xuất smartphone của Vinsmart.
Ông Quảng trả lời, smartphone là tinh hoa công nghệ. Làm chủ các công nghệ lõi khi nghiên cứu, thiết kế và sản xuất smartphone là đã nắm được hầu hết các lĩnh vực công nghệ khó nhất, mới nhất của thế giới.
Xu hướng thế giới đang đưa mọi thứ vào điện thoại, do đó các công nghệ mới nhất của nhân loại vẫn sẽ xoay quanh chiếc smartphone. Các doanh nghiệp sản xuất smartphone cũng sẽ làm được nhiều loại sản phẩm khác dẫn xuất từ công nghệ này.
“Quốc gia nào muốn là con rồng tiếp theo thì phải nắm được tất cả các công nghệ này”, ông Quảng trả lời.
Điện thoại thương hiệu Việt xuất hiện tại Việt Nam từ khá sớm, tuy nhiên Bkav là một trong số hiếm hoi công ty sở hữu nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam. Công ty đã sản xuất nhiều thế hệ Bphone cho thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, công ty chưa công bố thị phần smartphone của họ tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp Việt khác mới tham gia thị trường điện thoại thông minh nhưng đã sở hữu công nghệ lõi là Vinsmart. Công ty đã mua cổ phần chi phối tại BQ, một doanh nghiệp công nghệ tại Tây Ban Nha, làm nền tảng để xây dựng nhà máy Vsmart trong nước.
Mới đây, để đón đầu 5G, công ty đã bỏ hàng chục triệu USD xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển, đồng thời sở hữu bằng sáng chế của Qualcomm nhằm sản xuất thiết bị trong hệ sinh thái 5G.
Vinsmart đã bán ra thị trường chiếc Aris sở hữu kết nối 5G, và đưa nhiều sản phẩm ra thị trường Myanmar, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha. Công ty cũng tung ra thị trường chiếc smartphone có camera ẩn dưới màn hình hiếm hoi trên thế giới.
Việc sở hữu công nghệ lõi và các bằng sáng chế được nhiều doanh nghiệp công nghệ và các quốc gia rất coi trọng.
Tại Việt Nam, chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 nhằm phát triển và củng cố hệ sinh thái sở hữu trí tuệ của đất nước. Chiến lược bao gồm các kế hoạch phát triển tập trung dành cho các ngành công nghiệp thâm dụng sở hữu trí tuệ.
Điểm sở hữu trí tuệ của Việt Nam trên bảng xếp hạng Global Innovation Policy Center’s (GIPC) International IP Index tăng mạnh nhất trong số các nền kinh tế châu Á trong năm 2020.
Bằng sáng chế nói riêng, cũng như sở hữu trí tuệ nói chung là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhiều nền kinh tế. Ví dụ: các ngành công nghiệp thuộc nhóm thâm dụng sở hữu trí tuệ (IP-intensive) chiếm hơn 38,2% tổng GDP của Hoa Kỳ và 45% GDP của EU.
“Các công ty công nghệ lớn sở hữu nhiều bằng sáng chế vì các bằng sáng chế này là trọng tâm của những đổi mới mà họ tạo ra. Bằng sáng chế cũng là một cách để phân biệt các công ty và sản phẩm của họ với các đối thủ cạnh tranh”, ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia - trả lời ICTnews về tầm quan trọng của sở hữu bằng sáng chế.
Theo Hải Đăng
ICT News