vĐồng tin tức tài chính 365

Bà Vũ Kim Hạnh nhận định chuyện gạo ST25 từ ngon Nhất năm 2019 thành ngon Nhì thế giới năm 2020: "Tại sao đang là Hoa hậ

2021-04-26 12:06

Chưa hình thành ý thức bảo vệ thương hiệu quốc gia

Tại talkshow Nguy – Cơ, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người được mệnh danh là "nữ tướng giữ chủ quyền hàng Việt" đặt vấn đề, dù là một quốc gia lấy nông nghiệp làm thế mạnh, nhưng nước ta hiện không có thương hiệu nông sản nào được thế giới công nhận hạng nhất.

Năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới, vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia…. tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức. Thế nhưng, danh hiệu này đã không được bảo vệ. Đến năm 2020, ST25 tiếp tục tham gia cuộc thi và chỉ đạt hạng Nhì.

Bà Hạnh phân tích: "Tôi không hiểu tại sao đang là hoa hậu lại đi thi nữa để thành á hậu. Hà Kiều Anh có phải đi thi với Đỗ Thị Hà không mà tại sao mình lại làm vậy? Không thể cứ thi mãi rồi nhất mãi. Có người giải thích rằng làm thế để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, của thế giới với gạo của mình; dù sao thì vẫn ở top đầu… Nhưng họ không hiểu cái giá của vị trí thứ nhất. Thương hiệu này không còn của riêng của ông Hồ Quang Cua nữa, không phải của riêng những người tiêu dùng mỗi lần mua vài kg nữa, mà là của quốc gia. Ai cho phép họ mang gạo đi thi để tụt về hạng Nhì?"

Theo bà Hạnh, đây là một thất bại và thiếu sót nghiêm trọng. Đáng lẽ, thương hiệu này phải được bảo vệ danh tiếng bằng những hoạt động truyền thông, bảo vệ giá trị cốt lõi, chất lượng, kiểm soát hàng giả…

"Chủ sở hữu thương hiệu này thất bại đau đớn, tuy nhiên, thiệt thòi của anh ấy không lớn bằng thiệt thòi của một thương hiệu hàng đầu Việt Nam", nữ chủ tịch kết luận.

Bà Hạnh ví von, "cơm với cá như má với con" nên gạo và nước mắm là vấn đề rất cần được quan tâm. Vị nữ tướng gọi nước mắm Việt là "câu chuyện dài – chuyện của những người yếu thế trong môi trường cạnh tranh chưa hoàn hảo".

Bà cho biết, có tiên đoán cho rằng, những doanh nghiệp sản xuất nước mắm nhỏ lẻ sẽ "tuyệt chủng" trong khoảng 5 năm nữa. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên cường đấu tranh với một thái độ ôn tồn, "biết điều", biết mình còn yếu, thị trường còn khó khăn nên xoay xở bằng nhiều cách.

"Nhân dịp này chúng ta cần ngồi lại, nói về câu chuyện xử lý thương hiệu quốc gia một cách nghiêm túc. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu quốc gia hay thương hiệu sản phẩm được mang tên quốc gia đó là vấn đề nặng về kiến thức, kỹ thuật, công nghệ...; bao hàm nhiều yếu tố trong đó", vị "nữ tướng" kết luận.

Bà Vũ Kim Hạnh nhận định chuyện gạo ST25 từ ngon Nhất năm 2019 thành ngon Nhì thế giới năm 2020: Tại sao đang là Hoa hậu lại đi thi nữa để thành Á hậu? - Ảnh 1.

"Doanh nghiệp yếu đi là đất nước cũng yếu đi"

Bà Hạnh tâm sự, bản thân mình thấm thía câu "Doanh nghiệp là cột trụ của nền kinh tế", đặc biệt khi quan sát nền kinh tế của những nước phát triển. Họ thực sự quan niệm rằng, hễ doanh nghiệp tổn thương hay yếu đi là đất nước đó cũng yếu đi, nên dù đại dịch có gây nhiều khó khăn, họ vẫn nỗ lực "đổ" tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp đứng vững.

"Điều này nước ta vẫn chưa làm được. Đến khi nào chúng ta còn nghĩ rằng doanh nghiệp là đối tượng chỉ cần tặng nhiều danh hiệu, tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng để biểu dương…; còn hàng ngày nó sống thế nào là chuyện riêng của nó thì việc phát triển nền kinh tế vẫn là chuyện đáng lo ngại", bà Hạnh nói.

Bà cho biết thêm, đối với các nước châu Á, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chiếm tới 80 – 90% tổng số doanh nghiệp. Do vậy, họ rất cần được tạo điều kiện thông qua những chính sách hỗ trợ.

"Nếu nước nào chăm lo giỏi, SMEs sẽ trở thành lực lượng mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nước nào chăm lo không có thực chất thì SMEs sẽ trở thành gánh nặng", bà Hạnh nhận định.

Trong thời gian dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt đã phải tự ứng biến rất nhiều để vượt qua khó khăn; bằng cách chuyển ngành, gọt vốn, giảm nhân sự… Tuy nhiên với bà Hạnh, khoảng lùi này cũng là một điều may mắn khi các doanh nghiệp sẽ có cơ hội ngồi xuống và suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh, thị trường, sản phẩm của mình…

"Khi bị dồn sát chân tường, họ sẽ có thời gian suy nghĩ lại, chứ mỗi ngày đều đuổi theo doanh số, xu hướng thị trường sẽ không có ý thức tự kiểm điểm. Khi thu hẹp lại, bớt mộng tưởng, các doanh nghiệp sẽ thực tế hơn và có những thành công nho nhỏ. Không cần hoành tráng nhưng sẽ là những mở đầu rất tốt", bà Hạnh nói.

Bà Vũ Kim Hạnh nhận định chuyện gạo ST25 từ ngon Nhất năm 2019 thành ngon Nhì thế giới năm 2020: Tại sao đang là Hoa hậu lại đi thi nữa để thành Á hậu? - Ảnh 2.

Người yếu phải biết liên kết

Giống như câu chuyện bó đũa, theo bà Hạnh, những đơn vị còn yếu phải biết liên kết với nhau, càng tản mát thì sẽ càng yếu. Đây là nguyên lý đơn giản với mọi nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt khi có lực phá tác động từ bên ngoài như Covid-19.

Bà chia sẻ: "Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp yêu cầu tôi đứng ra liên kết họ thành chuỗi, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh của nhau. Chứ ít có doanh nghiệp nào nói tôi cố gắng làm sao để tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ. Điều đó cho thấy ý thức tự lực của họ rất cao. Điều này rất tốt cho sự trưởng thành của doanh nghiệp".

Theo bà Hạnh, đây là điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc làm rất tốt. Dù có là đối thủ của nhau, họ vẫn luôn có ý thức chia sẻ thị trường, không phá giá mà cùng hợp tác và phát huy thế mạnh. Trên góc nhìn quốc tế, việc liên kết không phải là chủ trương ngoại giao mà mang ý nghĩa thực tiễn đối với cả nền kinh tế.

"Người ta có câu ‘Cho vàng chứ không ai chỉ đàng đi buôn’. Tuy nhiên với nền kinh tế mở, chúng ta nên tư duy khác. Nếu mình không thực hiện được một hợp đồng nào đó thì không nên giữ khư khư, mà nên kết nối, tạo điều kiện cho đơn vị khác làm", cựu nhà báo chia sẻ.

Trong công cuộc kết nối quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần sự trợ lực từ những nhà chuyên nghiệp về năng lực quản trị, thông tin thị trường, đối tác... phù hợp với trình độ và khả năng của mình.


Chưa phải "tay chơi đáng giá" trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản

Bà Hạnh cho biết, đối với nền nông nghiệp mũi nhọn của nước ta, điều bức xúc nhất hiện nay nằm ở khâu tiêu thụ. Người nông dân chưa thể tiếp cận trực tiếp với nhưng người có nhu cầu mua hàng, mà cần phải thông qua đầu mối; cộng với những trở ngại như giá cả luôn cao, sản lượng không đủ, mẫu mã kém hấp dẫn…

"Tất cả những điều đó khiến cho Việt nam vẫn chưa phải là một tay chơi đáng giá trong giới xuất khẩu nông sản cho châu Âu, chưa có tiếng tăm gì. Dù chúng ta có tự ca tụng, giấu đi những điểm yếu thì người mua cũng vẫn là họ", bà Hạnh nhận định.

Để khắc phục những khó khăn này cần phải cố gắng từng bước. Bà Hạnh nghĩ rằng, các nhà phân phối nên bắt đầu từ việc đưa sản phẩm của mình vào những siêu thị Việt hoặc châu Á ở những nước phát triển, sau đó mở công ty phân phối. Sau một thời gian xây dựng uy tín và tạo cầu từ người bản xứ, các siêu thị nước ngoài lớn khác sẽ sẵn sàng mua hàng của mình để đáp ứng khách hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh nhắn nhủ: "Đó là cả một quá trình dài, chúng ta không được mất kiên nhẫn. Ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay, mỗi ngày phải học được bài học mới để luôn đi đúng hướng."

Hoàng Anh

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Xem thêm: nhc.37935521162401202-uah-a-hnaht-ed-aun-iht-id-ial-uah-aoh-al-gnad-oas-iat-0202-man-ioig-eht-ihn-nogn-hnaht-9102-man-tahn-nogn-ut-52ts-oag-neyuhc-hnid-nahn-hnah-mik-uv-ab/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bà Vũ Kim Hạnh nhận định chuyện gạo ST25 từ ngon Nhất năm 2019 thành ngon Nhì thế giới năm 2020: "Tại sao đang là Hoa hậ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools