vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ đông Eximbank mong muốn sớm xử lý dứt điểm những “tiềm ẩn rủi ro”

2021-04-26 17:13

Trước đó, để đảm bảo hoạt động ổn định của EIB, ngày 26/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8912/VPCP-VI truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương Kết luận Thanh tra về EIB và có giải pháp để ngân hàng này phát triển...

Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo: “NHNN khẩn trương ban hành Kết luận Thanh tra tại EIB theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm các nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của Công ty cổ phần Thắng Phương, Tập đoàn SMBC nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của EIB; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 11/2020”.

Tới ngày 18/12/2020, NHNN đã ban hành Kết luận Thanh tra số 4661/KL-TTGSNH2 (KLTT), về việc, thanh tra pháp nhân EIB, từ ngày 1/1/2017 đến 30/9/2019.

Theo đó, EIB đã để xảy ra nhiều vi phạm, trong đó, ở nội dung hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ và tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), KLTT nêu: “Qua thanh tra cho thấy, tập thể HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo qui định của pháp luật, Điều lệ EIB và các qui định nội bộ có liên quan. Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao dẫn đến vi phạm tồn tại khi tiến hành các cuộc họp HĐQT, ban hành Nghị quyết.

Do thiếu phối hợp trong chỉ đạo điều hành, mất đoàn kết, chưa có Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật; EIB không tổ chức được ĐHĐCĐ, vì vậy đã ảnh hưởng tới tình hình hoạt động, hình ảnh của đơn vị niêm yết, suy giảm nghiêm trọng lòng tin của cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tới uy tín của NHNN, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho EIB”.

Theo KLTT, tại thời điểm thanh tra, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của EIB ghi nhận ông Lê Văn Quyết – Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Do hết hạn hợp đồng vào ngày 5/4/2019 và do EIB không gia hạn hợp đồng với ông Lê Văn Quyết nên ông Quyết “đương nhiên mất tư cách” Tổng giám đốc kể từ ngày 5/4/2019.

Tại thời điểm thanh tra, EIB chưa có chức danh Tổng giám đốc nên cũng không có người đại diện pháp luật. “Việc không có người đại diện theo pháp luật và Tổng giám đốc gây ra nhiều rủi ro về mặt pháp luật và không đảm bảo đủ cơ sở pháp lý trong việc đại diện quyền lợi cho EIB ký kết các hợp đồng giao dịch, xử lý các sự vụ liên quan đến vai trò của người đại diện”, KLTT nêu.

KLTT cũng yêu cầu: EIB phải nhanh chóng kiện toàn ổn định bộ máy gồm: vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Thời gian thực hiện chậm nhất trước ngày 28/2/2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này EIB vẫn chỉ có ông Nguyễn Cảnh Vinh là quyền Tổng giám đốc như thời điểm thanh tra. Trên Giấy đăng ký doanh nghiệp EIB vẫn ghi ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật (?).

Một nội dung gây rủi ro pháp lý khác được KLTT chỉ ra là: “EIB không tổ chức được ĐHĐCĐ”. KLTT yêu cầu: EIB khẩn trương tổ chức ĐHĐCĐ để bầu HĐQT, BKS và các chức danh theo thẩm quyền cho nhiệm kỳ mới theo qui định của pháp luật. Thời gian thực hiện chậm nhất trước ngày 30/4/2021. Mới đây, EIB thông báo, vào ngày 26, 27/4 sẽ tổ chức lần lượt ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Theo KLTT, năm 2019, EIB đã 2 lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, tuy nhiên, cả 2 lần đều không thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ (định hướng phát triển, kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, sửa đổi các qui chế…) có thể tác động và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của EIB cũng như quyền và lợi ích của cổ đông…Sau KLTT, trong năm 2020, EIB tiếp tục có tới 5 lần tổ chức không thành công ĐHĐCĐ. Vì chuyện này, SMBC đã có nhiều văn bản gửi NHNN để khiếu nại và yêu cầu “HĐQT ngân hàng tôn trọng quyền của cổ đông hợp pháp”...

Căn cứ nội dung KLTT và những gì diễn ra ở EIB, các cổ đông cho rằng việc mất đoàn kết được xem là “tiềm ẩn rủi ro” lớn nhất trước thời điểm cả 3 đại hội thường niên và bất thường sắp diễn ra vào các ngày 26, 27/4 và 14/5 tới.

Được biết, tại các đại hội này, nhiều vấn đề “nóng” sẽ được trình trước cổ đông như sửa đổi điều lệ EIB, kế hoạch trả cổ tức,...

Nhiều cổ đông cho rằng, để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại dai dẳng, lãnh đạo EIB cần thực hiện các yêu cầu của KLTT đã đặt ra như: Tiến hành rà soát các cuộc họp và ban hành các Nghị quyết để đánh giá và kiến nghị xử lý trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tuân thủ quy định nội bộ, quy định pháp luật của Chủ tịch và các thành viên HĐQT, trong đó lưu ý đối với các Nghị quyết được ban hành trên cơ sở tổ chức các cuộc họp HĐQT không đúng quy định cần hủy bỏ, thu hồi. Đây là việc cần làm ngay sau thanh tra để rõ ràng về mặt pháp lý, minh định về trách nhiệm, ngăn chặn những "tiềm ẩn rủi ro" có thể xảy ra.

Thiên Định

Xem thêm: lmth.240111_or-iur-na-meit-gnuhn-meid-tud-yl-ux-mos-noum-gnom-knabmixe-gnod-oc/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Cổ đông Eximbank mong muốn sớm xử lý dứt điểm những “tiềm ẩn rủi ro””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools