Chủ tịch Bolat Duisenov ‘thuyết trình’ về tương lai đa ngành của Coteccons
Dũng Nguyễn
(KTSG Online) – Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Coteccons dành nhiều thời gian cho việc công bố với các nhà đầu tư về hoạt động tái cấu trúc toàn diện và kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch cùng các lãnh đạo Coteccons chia sẻ về định hướng trong thời gian tới. Ảnh: V.D. |
Đặt tham vọng doanh thu 3 tỉ đô la
Sáng 26-4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Coteccons đã diễn ra tốt đẹp, sau lần thay đổi ở cấp thượng tầng vào đại hội năm ngoái, khi các thành viên Hội đồng quản trị cũ rời đi và thay thế bằng một số người nước ngoài.
Thế nhưng, buổi họp đại hội cổ đông thường niên lần này gần như trở thành buổi giới thiệu về cơ hội đầu tư cổ phiếu, nội dung làm rõ tình hình về hiện trạng và hướng đi của tập đoàn xây dựng dẫn đầu thị phần ở Việt Nam, kể từ sau những lùm xùm tranh cãi của các nhóm cổ đông lớn trong nhiều năm qua.
Đại hội mở đầu bằng bài trình bày dài gần 25 phút của ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT, cũng là đại diện cho nhóm nhà đầu tư Kusto, chia sẻ về câu chuyện tái cấu trúc của Coteccons trong hơn chín tháng qua. Theo sau đó là ba thành viên của ban điều hành nói về ba chủ đề quan trọng gồm: nhân sự, hoạt động kinh doanh và mở rộng đa ngành.
Theo ông Bolat, năm 2020 Coteccons gặp nhiều khó khăn, thử thách không chỉ trên thị trường xây dựng, từ pháp lý dự án bị đóng băng, nhiều dự án tạm dừng, mà còn đến từ nội bộ công ty có nhiều thay đổi về ban điều hành, lãnh đạo kỳ cựu rời đi,…
Tuy nhiên, chủ tịch Coteccons lại đặt tham vọng lớn khi đặt mục tiêu đạt doanh thu 3 tỉ đô la vào năm 2025 (doanh thu năm 2020 là 14.558 tỉ đồng). Ông Bolat cũng cho rằng chỉ khi đặt mục tiêu lớn thì mới có thể kết nối mọi thành viên công ty với nhau, cùng đoàn kết hướng đến.
Ảnh chụp màn hình. |
Cũng có cổ đông đặt câu hỏi về vấn đề chảy máu chất xám. Ông Phạm Quân Lực, Phó giám đốc Coteccons, cho biết công ty đang trong quá trình tái cấu trúc nên cũng có trường hợp những nhân sự không phù hợp sẽ chọn ra đi, nhưng hiện cũng là cơ hội để thu hút nhân tài.
“Nhân sự ra đi ảnh hưởng đến dự án chắc chắn là có, nhưng chúng tôi đã kiện toàn bộ máy tương đối đầy đủ, đủ sức vận hành khoảng 50-60 dự án cùng một lúc, tức đã quay lại đúng nhịp tiến độ các dự án mà chúng tôi phụ trách như trước đây”, ông Lực trả lời.
Về vấn đề nhân sự cấp cao, gần đây Coteccons đã bổ sung bốn Phó tổng giám đốc, bao gồm ông Chris Senekki, ông Phan Hữu Duy Quốc, ông Võ Hoàng Lâm và ông Nguyễn Ngọc Lân. Trong đó đáng chú ý là ông Chris Senekki, nguyên Tổng giám đốc Công ty xây dựng Turner Việt Nam, có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Còn ông Phan Hữu Duy Quốc là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng với 19 năm kinh nghiệm tại Nhật Bản, nguyên phó đại diện của Shimizu Việt Nam.
Cũng tại đại hội kỳ này, cổ đông đã thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 từ bảy lên tám thành viên, bầu mới ba thành viên HĐQT. Các ứng viên gồm ông Tống Văn Nga, ông Trịnh Ngọc Hiến và bà Trịnh Quỳnh Giao. Trong đó, ông Nga được đề cử bởi cổ đông Kustocem đại diện cho hơn 18,72% vốn tại Coteccons. Còn ông Hiến, bà Giao đều được đề cử bởi nhóm cổ đông The 8th đại diện cho hơn 11,11% vốn. Bà Giao đã đảm nhận vị trí Giám đốc Đầu tư của Coteccons từ tháng 11-2020 đến nay.
Nguồn: BCTN 2020 của Coteccons |
Lấn sân vào các mảng “phi truyền thống”
Tham vọng 3 tỉ đô doanh thu của Coteccons được khởi động bằng việc công bố chiến lược mới, là sẽ trở thành tập đoàn đa ngành, bước đầu sẽ đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng kể từ năm 2021.
Theo đó, lĩnh vực chính của coteccons vẫn là xây dựng, nhưng thay vì hoạt động trong phân khúc nhà ở và thương mại như trước đây (được gọi là truyền thống) thì sẽ bắt đầu tiến vào lĩnh vực “phi truyền thống”, bao gồm phân khúc hạ tầng và công nghiệp.
Hiện tại, 99% công việc của Coteccons liên quan xây dựng nhà ở, còn nhiều việc khác chưa làm như hạ tầng, tổng thầu EPC (năng lượng, nhà máy, tàu điện ngầm), dịch vụ tài chính, quản lý tài sản.
Lý giải về việc chuyển hướng cần thiết của Coteccons, ông Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng giám đốc, cho biết sự cạnh tranh ngành xây dựng ngày càng trở nên khốc liệt, lợi nhuận của các dự án ngày càng đi xuống trong khi cơ hội tại các phân khúc khác là còn rất lớn.
Hơn nữa, theo quan sát từ các công ty xây dựng hàng đầu trên thế giới, khả năng tập trung đầy đủ phân khúc trong ngành sẽ là chìa khóa cho bài toán tăng trưởng trong dài hạn, lãnh đạo Coteccons bình luận và lấy ví dụ từ tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) hay Bouygues (Pháp).
“Trong năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện chiến lược đa dạng hóa, Coteccons sẽ ký hợp tác chiến lược với hai tổ chức tư vấn, hai nhà thầu; ký hợp đồng ít nhất một dự án năng lượng, một dự án hạ tầng; hỗ trợ vốn ít nhất hai dự án bất động sản; nghiên cứu ít nhất năm công ty cho mục tiêu M&A ngành hạ tầng”, lãnh đạo Coteccons chia sẻ.
Coteccons cũng bắt đầu huy động vốn cho cuộc chơi hạ tầng. Bà Trịnh Quỳnh Giao, Giám đốc Đầu tư, cho biết khi mở rộng sang lĩnh vực hạ tầng, EPC sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư nhiều. Lý giải cho việc tăng kế hoạch huy động trái phiếu từ 500 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng mới đây, bà Giao cho biết nhiều đơn vị tư vấn đánh giá thị trường đón nhân trái phiếu Coteccons khả quan nên đề xuất tăng hạn mức phát hành. “Tuy nhiên việc phát hành 500 hay 1000 tỉ đồng sẽ tùy vào tình hình hoạt động và nhu cầu vốn tại công ty tại thời điểm đó, hiện tại HĐQT xin trước để có sự linh hoạt”, bà Giao trình bày.
Ông Trần Trí Gia Nguyễn (Michael Trần), Phó tổng giám đốc Coteccons, cho biết từ đầu năm đến nay Coteccons Group trúng thầu 10 dự án (trong đó Unicons là ba dự án). Còn trong năm nay, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 17.413 tỉ đồng (trong đó 8.800 tỉ đồng backlog). Để đạt được, hợp đồng ký mới là 21.500 – 25.000 tỉ đồng và dự kiến, Coteccons phải đấu thầu 107.500 - 125.000 tỉ đồng. Đây là một con số rất tham vọng.
Trong khi đó doanh thu kỳ vọng tăng 20% thì lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến tăng 2%, đạt 340 tỉ đồng. “Coteccons đang đầu tư nhiều vào hệ thống và con người, nên về ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng lâu dài sẽ tạo hiệu quả lớn và cải thiện dần trong những năm sau”, bà Cao Thị Mai Lê, Kế toán trưởng nói.