Ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công thương) trong lời nói sau cùng mong toà xem xét khách quan, toàn diện vai trò của bản thân trong vụ án Sabeco mất đất vàng.
Chiều 26.4, sau 4 ngày thẩm vấn, tranh luận, TAND TP Hà Nội đã cho các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Công thương nói lời sau cùng.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng nói lời sau cùng trước khi toà nghỉ nghị án
Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được ngồi, nói trong khoảng 16 phút, trình bày những tâm tư nguyện vọng trước khi Hội đồng xét xử nghỉ nghị án, ra phán quyết vào chiều 29.4 tới.
Ông Vũ Huy Hoàng nói: "Tôi khẳng định, không có vai trò chủ mưu. Như Viện Kiểm sát nói, mỗi người thực hiện chức trách của mình, vậy chủ mưu của tôi là gì. Viện Kiểm sát nói tôi lấn sân không phải lĩnh vục tôi phụ trách. Như tôi nói, tôi phụ trách chung, có những lĩnh vực nội chính, chiến lược, khi thứ trưởng yêu cầu thì tôi phải có ý kiến. Thưa Hội đồng xét xử, việc thay thế nhà đầu tư xuất phát đầu tiên từ Sabeco, không phải từ Bộ. Khi họ (Sabeco) đề xuất, Vụ Công nghiệp Nhẹ, Thứ trưởng có hỏi ý kiến tôi. Tôi đã chỉ có tham gia rằng, lựa chọn nhà đầu tư thì báo cáo với bộ. Ngoài ra, Viện Kiểm sát nói công văn ngày 1.4.2016, Thứ trưởng ký quyết định giá đấu giá, không biết Viện Kiểm sát lấy căn cứ nào để nói tôi ký nháy vào công văn đó. Chỉ đến khi cơ quan điều tra cho xem tôi mới biết công văn này. Thứ ba, vì sao tôi chủ trì cuộc họp 29.3.2016, mà cuộc họp này không chỉ bàn về thoái vốn mà còn nhiều vấn đề khác. Điều đó muốn nói rằng tôi không có can thiệp, lấn sân. Vấn đề xuyên suốt như tôi đã báo cáo, ở khâu chuyển việc đứng tên quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl, tôi không tham gia, không được hỏi ý kiến, không có ai báo cáo. Để mà nói rằng tôi xuyên suốt quá trình thoái vốn, xuất phát từ chủ trương của Chính phủ. Nhưng tôi cũng chỉ dừng ở khâu chủ trương, định hướng. Tôi không có tham gia thực hiện chủ trương này. Tôi xin lỗi đại diện Viện Kiểm sát, có lấy ví dụ về tiểu thuyết để minh chứng việc chúng tôi phạm tội để lại dấu vết. Sở dĩ tôi sức khoẻ như này vẫn phải đến toà, không phải vì trách nhiệm, nhiệm vụ mà còn muốn trình bày những vấn đề, bảo vệ quan điểm, danh dự. 40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị, tôi đã cố gắng hết sức làm tốt nhiệm vụ được giao..., vụ án này xảy ra là bài học quá đắt giá với tôi. Tôi đã nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Tôi mong nguyên tắc khách quan, công bằng; xem xét khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội. Cuối cùng, tôi xin đề nghị, những gì đã khai trong quá trình điều tra, xét xử, mong Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc để có những phán quyết giúp tôi nhận ra sai phạm, vừa giúp tôi tạo điều kiện thời gian còn lại cố gắng sống tốt hơn, xứng đáng với tư cách 1 công dân" .
Nhiều bị cáo mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt
Nói lời sau cùng, bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ, Bộ Công thương) cho hay đã nhận thức được các sai phạm. Trong vụ án, bị cáo đã trình một số tờ trình để lãnh đạo bộ phê duyệt.
Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, đó là thống nhất của các cơ quan ngang bộ hoặc là ý kiến chung của lãnh đạo. Hành vi của bị cáo không có vụ lợi, không cố ý. Bị cáo tin tưởng vào sự công minh của Hội đồng xét xử.
Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) trình bày ngắn gọn khẩn cầu sự công minh của pháp luật, mong một bản án nhẹ nhất để trở về xã hội.
Một số bị cáo thuộc sở, ngành của TPHCM mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, ngày 24.4, Viện KSND TP Hà Nội đề nghị tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng mức án 10-11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; Phan Chí Dũng (63 tuổi, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương) 7-8 năm tù cùng tội danh với ông Vũ Huy Hoàng.
Ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM) bị đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". 7 bị can còn lại là đồng phạm của ông Tín, gồm các cựu lãnh đạo và cán bộ thuộc UBND TPHCM, bị đề nghị mức án 2-5 năm tù.
Theo Viện Kiểm sát, ông Hoàng đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ, quyết định cho Sabeco chuyển nhượng tài sản để đầu tư dự án xây khu tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Cuối cùng khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng đã rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.
Xem thêm: odl.655209-aot-iat-gnuc-uas-iol-ion-gnaoh-yuh-uv-gnourt-ob-uuc/taul-pahp/nv.gnodoal