vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp than khó khi tập đoàn Đèo Cả tăng phí qua hầm Hải Vân

2021-04-27 03:56

Doanh nghiệp than khó khi tập đoàn Đèo Cả tăng phí qua hầm Hải Vân

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Từ 1-5-2021, các phương tiện ô tô qua hầm đường bộ Hải Vân (nối liền Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ phải trả thêm từ 40.000 đến 70.000 đồng/lượt khi qua trạm thu phí phía Bắc Hải Vân (nằm tại Thừa Thiên Huế).

Hai hầm Hải Vân chạy song song nối liền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Cụ thể, các xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) có vé lượt 110.000 đồng/vé, vé tháng 3.300.000 đồng và vé quý 8.910.000 đồng. Tương ứng với nhóm 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) lần lượt là 160.000 đồng, 4.800.0000 đồng và 12.960.000 đồng (xem chi tiết tại đây).

Với mức giá này, các nhóm 1,3,4,5 tăng 40.000 đồng/vé, riêng nhóm 2 tăng 70.000 đồng/vé, thuộc nhóm có mức vé tăng cao nhất ở đợt điều chỉnh này và cũng khiến doanh nghiệp lữ hành và kinh doanh vận chuyển du lịch lo lắng nhất. Đây là mức tăng kịch trần trong theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện một số công ty lữ hành, hiện nay khách du lịch đến miền Trung đang tăng cao sau thời gian trầm lắng vì Covid-19 và mưa bão. Các công ty đang kỳ vọng sẽ có được nguồn thu tương đối từ khách nội địa.

Tuy nhiên, việc tăng phí này sẽ khiến cho phí vận hành của công ty phải tăng cao dành cho tour Đà Nẵng - Huế trong bối cảnh các công ty lữ hành cũng đang cạnh tranh nhau về giá và dịch vụ để phục vụ duy nhất khách nội địa. Họ phải tính toán có lợi nhuận ít hơn hoặc buộc phải tăng giá tour vì hiện nay, đa số xe du lịch thuộc nhóm 2 và nhóm 3 (từ 31 đến 45 chỗ).

Không chỉ những công ty du lịch mà ngay cả những cá nhân có xe ô tô cũng than thở về việc tăng phí này. Anh Nguyễn Cửu Thịnh chia sẻ trong những năm qua, anh thường chở nhóm khách trên xe ô tô 4 chỗ của mình đi du lịch và công tác miền Trung, trong đó có khá nhiều đơn đặt hàng cho chặng Đà Nẵng - Huế.

“Có những lần tôi chỉ chở khách đến Lăng Cô (vừa qua hầm Hải Vân) rồi quay về Đà Nẵng nhưng cũng phải trả phí 140.000 đồng cho 2 lượt đi và về (phí sử dụng chung 3 hầm Hải Vân, Phú Gia và Phước Tượng) cho dù tôi không đi qua 2 hầm kia”, anh Thịnh chia sẻ về việc thu phí lâu nay.

Anh không khỏi than khổ khi biết thông tin từ 1-5 này, phí sẽ tăng thêm 40.000 đồng. Điều này có nghĩa, anh phải trả 220.000 đồng cho chặng khứ hồi Đà Nẵng - Huế. “Đương nhiên là tiền này sẽ phải tính cho khách”, anh Thịnh cho biết. “Phương án đi đèo rất khó vì cũng xe tăng thêm chi phí xăng dầu và hao mòn động cơ”.

Trả lời KTSG Online chiều 26-4, đại diện của Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đầu tư các hầm trên, cho biết việc điều chỉnh tăng phí này đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.

Theo giải thích từ Đèo Cả, việc điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác. Việc điều chỉnh giá vé thực hiện theo lộ trình của hợp đồng dự án đã ký kết; giá vé tuân thủ theo Thông tư 60/2018/TT-BGTVT đối với công trình hầm đường bộ và người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ.

“Sau khi khánh thành, nhà đầu tư đã tạm gác lại những khó khăn về tài chính của dự án vẫn đang còn tồn tại, chủ động đề xuất cơ quan chức năng đưa hầm Hải Vân 2 vào hoạt động từ ngày 1-2-2021. Thời gian di chuyển nếu phương tiện đi qua đường đèo là 45 phút, di chuyển hai chiều qua hầm Hải Vân 1 trước đây là 15 phút. Nay với hai ống hầm Hải Vân được lưu thông mỗi ống hầm một chiều, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 6 phút, giảm tiếng ồn, giảm khói bụi do quẩn khí, giảm tiêu hao nhiên liệu của phương tiện, giảm thiểu triệt để tai nạn giao thông, chấm dứt tình trạng ùn tắc kéo dài”, theo nguyên văn giải thích từ Tập đoàn Đèo Cả.

Hiện nay, các phương tiện có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, hoặc qua hầm Hải Vân, hoặc đi đường đèo không mất phí hoặc di chuyển cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đi vào vận hành. Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trạm Bắc Hải Vân đã thực hiện miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện thuộc phạm vi miễn giảm theo quy định.

Hạng mục hầm đường bộ Hải Vân, thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng chiều dài toàn tuyến là 31,95km).

Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 26.154 tỉ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư. Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 để giải quyết tình trạng xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa, đã hoàn thành từ tháng 8-2017.

Giai đoạn 2, tổ chức thi công hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4 km, chiều dài hầm là 6,2km được thiết kế với chiều rộng 9,7m; bao gồm 2 làn xe rộng 7m; đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1m; dải an toàn 1,5m; đường dẫn phía Bắc dài khoảng 1,7km; đường dẫn phía Nam dài 4km.


 

Xem thêm: lmth.nav-iah-mah-auq-ihp-gnat-ac-oed-naod-pat-ihk-ohk-naht-peihgn-hnaod/357513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Doanh nghiệp than khó khi tập đoàn Đèo Cả tăng phí qua hầm Hải Vân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools