Gần đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, combo du lịch, vé máy bay giá rẻ xuất hiện nhan nhản, tràn ngập trên các hội nhóm, diễn đàn. Bên cạnh những người mua được combo giá tốt, không ít "thượng đế" khóc dở mếu dở khi bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Chị P.H cho biết, gia đình chị dự kiến đi du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4. Theo thói quen, chị truy cập vào một nhóm chuyên cung cấp dịch vụ trọn gói. Thấy chị đăng thông tin, một người đã trực tiếp liên hệ với chị để quảng cáo gói combo du lịch giá rẻ.
"Lúc đầu, tôi thấy bạn ấy giới thiệu rất nhiệt tình, thậm chí là quảng cáo có nhiều combo hấp dẫn để khách tha hồ lựa chọn. Bạn ấy yêu cầu tôi phải cọc 100% tiền cho gói 2 ngày 1 đêm nhưng tôi không nghe chỉ chuyển cọc 40% số tiền trước. Theo hợp đồng, sau khi tôi chuyển tiền, bên đó mới gửi mã code (mã vé) và hợp đồng du lịch qua email" - chị kể.
Tuy nhiên, khi chị nhận được mã code và thử đăng nhập trên trang thì hãng thông báo mã sai. Chị gọi điện phản hồi lại thì người bán đổ lỗi cho email chị bị lỗi và yêu cầu chuyển tiền qua một số tài khoản khác để thử lại nhưng chị không đồng ý.
"Lúc đó, người bán yêu cầu tôi chuyển tiền qua một số tài khoản khác thêm lần nữa, tôi đã thấy nghi nghi vì email của tôi vẫn hoạt động bình thường. Tôi có phản ánh thì họ chặn hết số điện thoại, Zalo, Facebook của tôi lại, rồi biến mất" - chị nhớ lại.
Combo du lịch, vé máy bay giá rẻ xuất hiện nhan nhản, tràn ngập trên các hội nhóm, diễn đàn.
Rơi vào tình cảnh tương tự, chị T.K, cho biết, chị đã bị lừa mất 12 triệu đồng cho một combo du lịch ảo. Vẫn kịch bản cũ, sau khi chị chuyển tiền, người bán đã "mất tích" và chặn hết số liên lạc của chị .
"Tôi có đặt 2 vé máy bay là 1,6 triệu đồng/vé và 2 phòng nghỉ với giá 4,5 triệu đồng/phòng, tổng là 12,2 triệu đồng. Và người bán bảo tôi là sẽ bớt cho 200.000 đồng, nghĩa là còn 12 triệu đồng" - chị nói.
Để khiến chị an tâm, người bán còn gửi cho chị ảnh chụp căn cước công dân, số điện thoại để làm tin. Nhưng sau khi bị lừa, chị K mới phát hiện ra, căn cước kia là giả khi các thông số in trên đó không trùng khớp theo quy định.
"Sau khi chuyển 12 triệu đồng, tôi nhận về 1 mã code nhưng nhập thế nào, hệ thống vẫn báo sai. Tôi có hỏi người bán, thì họ nói rằng tôi không biết nhập. Nhưng thực tình, tôi đã sử dụng dạng mã này rất nhiều lần, chứ không phải lần đầu tiên. Tiếp đến, người đó đã chặn luôn số điện thoại của tôi. Tôi có lấy vài số khác để gọi nhưng vẫn không tài nào liên hệ được" - chị buồn rầu nói.
Ngoài ra, chị K còn cho biết, ngay sau chị đăng thông tin về sự việc trong nhóm du lịch, nhiều người cho biết đã từng bị đối tượng này lừa đảo.
"Lý do khiến tôi tin tưởng, chuyển tiền cho đối tượng dễ dàng như thế là bởi những lần trước, nhà tôi vẫn mua combo du lịch trên mạng. Nhưng qua bài học xương máu lần này, tôi chắc không dám mua bán kiểu này nữa" - chị nói.
Chỉ ham rẻ hơn 2 triệu đồng chị L.O (Ninh Bình) đã mất hơn 10 triệu đồng khi rước phải combo du lịch rởm. Chị cho biết, nhà chị định bay vào Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 29/4.
Ban đầu, chị định mua vé qua một đại lý gần nhà nhưng thấy trên mạng có combo hệt như vậy mà rẻ hơn 2 triệu đồng nên đã quyết định chọn mua ở đây.
"Combo đã bao gồm tiền vé máy bay, khách sạn với giá 3,5 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em. Người bán yêu cầu tôi phải chuyển khoản trước mới giữ combo. Họ sẽ gửi lại mã đặt xe, phòng qua email bởi họ cho rằng, số lượng combo này có hạn nên không nhận giữ suất" - chị cho hay.
Nhưng sau khi tiền đã chuyển vào tài khoản, sau 1 tiếng đồng hồ, chị O vẫn không nhận được mã đặt phòng như đã cam kết. "Tôi đợi 1 tiếng, rồi 2 tiếng, 3 tiếng mà không thấy mã code được gửi. Sau đó, tôi phải gọi đến chục cuộc đến thuê bao kia nhưng đều báo máy bận, lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.2813825072401202-5-1-4-03-el-ihgn-pid-er-aig-hcil-ud-obmoc-yab-pas/et-hnik/nv.vtv