Chiều 26-4, sau bốn ngày làm việc, phiên tòa của TAND TP Hà Nội xét xử vụ án liên quan đến sai phạm tại khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) kết thúc phần tranh luận. Tòa cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi vào nghị án và tuyên án vào chiều 29-4 tới.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng giữ vai trò chính
Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định mình không phải chủ mưu, không trực tiếp phụ trách Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cũng không tham gia hay chỉ đạo việc chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl… “Tôi xin nhận trách nhiệm là người đứng đầu, mong HĐXX khách quan, công bằng, xem xét toàn diện, đúng người, đúng tội” - ông Hoàng nói.
Tương tự, nhiều bị cáo cũng cho rằng hành vi của mình không vì động cơ hay mục đích vụ lợi, mong HĐXX cân nhắc để ra bản án thấu tình đạt lý.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng bị đề nghị 10-11 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NAM ANH
Trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định ông Hoàng giữ vai trò chính trong vụ án. Bởi lẽ với vai trò bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về vốn nhà nước tại Sabeco với vai trò bộ trưởng; bị cáo cho rằng không trực tiếp phụ trách nên không có trách nhiệm quản lý là không đúng.
Năm 2012, cũng với tư cách là bộ trưởng, thành viên Chính phủ, ông Hoàng tham gia xây dựng nghị quyết về cấm đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính. “Bị cáo là người tham gia xây dựng ra văn bản pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật” - kiểm sát viên nói.
Tiếp đó, khi Sabeco đang lựa chọn lại nhà đầu tư mới (sau khi lần đầu thất bại), ông Hoàng chỉ đạo Sabeco “phải báo cáo để Bộ Công Thương quyết định”. Điều này thể hiện sự chỉ đạo trực tiếp mang tính quyết định, ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình dù đúng hay sai.
Chưa hết, đại diện VKS còn cho rằng cựu bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá cổ phần của Sabeco Pearl thấp hơn giá thực tế. Sau khi thực hiện thủ tục xong, bị cáo lại yêu cầu thoái vốn. Đây chính là hành vi trực tiếp, mấu chốt phát sinh thiệt hại.
“Không biết có đủ thời gian chấp hành án hay không”
Trước đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng cùng luật sư đưa ra khá nhiều căn cứ để phản bác lại quan điểm luận tội của đại diện VKS. Hơn một lần, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là chính đáng, cần thiết và tạo uy tín cho công ty.
Cũng theo bị cáo, Sabeco do Vụ Công nghiệp nhẹ là đầu mối quản lý và cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đã bỏ trốn) phụ trách. Thời điểm về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương, ông chỉ là người tiếp tục thực hiện nguyện vọng chính đáng của Sabeco, không hề có đề xuất nào đối với dự án.
Hơn thế, lúc này Sabeco đang triển khai khâu chuẩn bị đầu tư chứ không phải dự án mới. Do đó, VKS cáo buộc ông chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư bất động sản - không phải ngành kinh doanh chính trái với chỉ đạo của Chính phủ là không đúng.
Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương còn bác bỏ cáo buộc của cơ quan công tố về việc tham gia vào quá trình chuyển nhượng khu đất từ Sabeco sang cho tư nhân. Bị cáo nói việc thoái vốn tại Sabeco Pearl được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và đề xuất của Sabeco chứ không phải ý kiến của bộ, không có chuyện áp đặt. Cùng với đó, thời điểm Sabeco thoái vốn thì bị cáo đã không còn giữ chức bộ trưởng.
“Nếu tôi có mắc khuyết điểm thì đó là do quá quan tâm, nhiệt tình, lo lắng, chia sẻ khó khăn với Sabeco, mong muốn công ty sớm tháo gỡ, xử lý khó khăn này” - bị cáo biện hộ.
Đáng chú ý, bày tỏ quan điểm về mức án mà đại diện VKS đề nghị đối với mình, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng như vậy là “quá nặng”, không phù hợp với điều kiện thực tế.
“VKS đề nghị tuyên phạt 10-11 năm tù, với tình trạng sức khỏe như hiện nay thì tôi không biết có đủ thời gian chấp hành quyết định này hay không” - bị cáo nói.
Xây dựng văn bản pháp luật nhưng ra tòa nói “không biết gì” Đối với nhóm bị cáo là các cựu lãnh đạo, cán bộ một số ban, ngành thuộc UBND TP.HCM, đại diện VKS cho rằng đã truy tố đúng người, đúng tội. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Tín có vai trò chính. Sai phạm của ông Tín là đồng ý cho Sabeco Pearl - không phải doanh nghiệp nhà nước được thuê khu đất trong thời hạn 50 năm và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Lẽ ra nếu Sabeco không đủ năng lực thực hiện dự án, UBND TP.HCM hoàn toàn có quyền thu hồi khu đất để đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, các bị cáo đã làm trái quy định. Đáng chú ý, đại diện VKS nhắc lại lời khai của một số bị cáo về việc bị ông Tín chỉ đạo, gây sức ép nên buộc phải làm theo. Phản bác điều này, kiểm sát viên nói các bị cáo là những người có chức vụ nhất định, hưởng lương nhà nước nên phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, chỉ đạo của cấp trên chỉ là hình thức, còn thực tế vẫn phải làm đúng theo pháp luật. “Các bị cáo còn tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về đất đai, giảng dạy về đất đai. Vậy mà ra tòa lại nói là không biết gì là vô căn cứ, ngụy biện” - kiểm sát viên nhấn mạnh. |