Bệnh nhân COVID-19 trợ thở bằng bình oxy ngay trên xe ở Ghaziabad, Ấn Độ - Ảnh: AFP
"Tôi cho rằng mọi thứ sẽ tốt hơn trong tuần tới. Và một hay hai tháng nữa, tôi nghĩ tình hình sẽ trở lại bình thường" - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Madan Mohan Sethi trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo ở TP.HCM ngày 26-4.
Lạc quan trong tâm bão
Đó có thể xem là một phát biểu lạc quan của ông Sethi trong bối cảnh Ấn Độ đang là điểm nóng của COVID-19.
Hôm 26-4 là ngày thứ 5 liên tục quốc gia 1,3 tỉ dân này đón nhận số ca mắc và tử vong kỷ lục. Số liệu chính thức cho thấy trong 24 giờ từ ngày 25 tới 26-4, Ấn Độ có thêm 352.991 trường hợp mắc COVID-19, với 2.812 người nữa qua đời vì dịch bệnh.
Tổng số trường hợp xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 tại Ấn Độ tính đến thời điểm hôm qua là 17,31 triệu người và 195.123 người đã chết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng lãnh sự Sethi thừa nhận làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Ấn Độ là khá bất ngờ và tình hình hiện rất tệ. Điều này buộc người dân Ấn Độ nỗ lực tối đa để vượt qua sóng gió.
"Chính phủ đã có hàng loạt động thái đẩy mạnh công tác hỗ trợ tuyến đầu như cung cấp thiết bị, nhu yếu phẩm, dưỡng khí dành cho bệnh nhân cũng như lập thêm các bệnh viện... các tổ chức phi chính phủ và công ty ở Ấn Độ cũng trợ lực cho chính quyền trong các nỗ lực này" - ông nói.
Lý giải về số ca nhiễm gia tăng hiện nay, ông Sethi cho rằng khó khăn bắt nguồn từ việc Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đông người và nhiều người dân đã vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
"Việt Nam trong khi đó lại là nước đặc biệt và rất khác biệt, khi người dân tôn trọng luật pháp, tuân thủ luật lệ và quy định. Hơn nữa tác động kinh tế của một số biện pháp phòng dịch lên Ấn Độ lại khá lớn" - ông Sethi phân tích.
Ông Sethi, người tốt nghiệp y khoa và từng làm việc tại 4 bệnh viện khác nhau của tiểu bang Odisha (Ấn Độ) trước khi làm ngoại giao, lạc quan rằng làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ rồi cũng lắng xuống như làn sóng đầu tiên.
Thêm vào đó, lúc này song song với tâm lý hoảng loạn là sự hình thành ý thức phòng chống dịch cao hơn của người dân. Điều này cùng với những nỗ lực của chính quyền hiện nay cũng như sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế sẽ đưa Ấn Độ sớm vượt qua khó khăn.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở TP.HCM, ông Sethi cho rằng do đại dịch, các doanh nghiệp Ấn Độ chưa thể tới Việt Nam để hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên lúc này đã có ít nhất 40-50 doanh nghiệp Ấn Độ thể hiện ý định đầu tư tại Việt Nam thông qua các sự kiện kết nối của sứ quán, và khi các chuyến bay thương mại mở lại, đó là thời điểm để kết nối.
Biểu đồ dịch bệnh ở Ấn Độ Nguồn: WorldOMeters - Đồ họa: N.KH.
Oxy, thuốc men giúp Ấn Độ
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ, Pakistan ngày 24-4 đã đề nghị hỗ trợ y tế cho nước láng giềng của họ.
Theo Hãng tin Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đã kích hoạt Cơ chế bảo hộ dân sự của Liên minh châu Âu (EU) và đang tìm cách gửi oxy và thuốc men cho Ấn Độ sau khi nhận được yêu cầu từ New Delhi.
Số ca COVID-19 tại nước này đã tăng lên nhanh chóng trong những ngày gần đây. Các bệnh viện tại New Delhi và nhiều nơi khác ở Ấn Độ đã rơi vào tình trạng quá tải cũng như thiếu giường bệnh và thuốc men.
"Vì tình hình dịch bệnh báo động tại Ấn Độ, chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ" - Chủ tịch EC Ursula von der Leyen viết trên Twitter ngày 25-4. Sau khi chủ tịch EC lên tiếng, điều phối viên ứng phó khẩn cấp châu Âu, ông Janez Lenarcic cũng thông báo trên Twitter rằng: "Cơ quan điều hành EU đang hợp tác cùng các nước EU để chuẩn bị nguồn oxy và thuốc men cần thiết một cách nhanh chóng".
Trong khi đó, các nước Anh, Pháp, Đức cũng đã cam kết giúp Ấn Độ đẩy lùi COVID-19 và lo ngại trước sự phát tán của biến thể đôi B.1.617 xuất hiện ở nước này. Anh đã gửi 600 thiết bị gồm máy thở, máy tạo oxy đến New Delhi sau khi nhận được yêu cầu từ Ấn Độ. Lô hàng được gửi ngày 25 và sẽ đến Ấn Độ vào ngày 27-4 theo đường hàng không.
Theo Đài CNBC, về phía Mỹ, bà Emily Horne - người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - cho biết nhà chức trách sẽ khẩn trương triển khai các nguồn cung sẵn có như bộ xét nghiệm, máy thở và nguyên liệu sản xuất vắcxin để hỗ trợ Ấn Độ.
"Giống như Ấn Độ từng hỗ trợ Mỹ khi các bệnh viện của chúng tôi căng thẳng trong giai đoạn đầu của đại dịch, chúng tôi cam kết giúp Ấn Độ trong thời điểm này" - bà Horne tuyên bố. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã xác nhận Mỹ sẽ hỗ trợ Ấn Độ với những nguồn cung cần thiết, đồng thời dẫn lại tuyên bố của bà Horne trên Twitter.
100
Đó là số công dân Việt Nam còn ở lại Ấn Độ.
Trong tuyên bố phát tối 26-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm, theo dõi tình hình, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ chính phủ và người dân Ấn Độ trong lúc khó khăn này. "Chúng tôi tin tưởng rằng với nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ, tình hình sẽ sớm được kiểm soát và ổn định" - bà Hằng nêu.
Người phát ngôn cho biết liên quan đến tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ấn Độ, thời gian qua Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại, các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay đưa gần 1.000 công dân Việt Nam về nước an toàn.
Theo bà Hằng, hiện còn khoảng 100 công dân Việt Nam đang ở lại Ấn Độ. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và Ấn Độ theo dõi sát tình hình dịch bệnh, duy trì kênh liên lạc với công dân Việt Nam và sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
TTO - Mỹ, Pháp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết sẽ hỗ trợ cuộc khủng hoảng COVID-19 "đau lòng" ở Ấn Độ, được dự báo sẽ có thể đạt đỉnh trong 2 tuần tới với 13.000 ca tử vong/ngày, gấp 4 lần hiện giờ.
Xem thêm: mth.53715108072401202-od-na-puig-yat-gnuhc-ioig-eht/nv.ertiout