Anh Manoj Gupta, quản lý của Nhà máy Ispat Rimjhim ở Khu công nghiệp Sumerpur của Hamirpur, Uttar Pradesh-Ấn Độ đang nổi lên như một người anh hùng của đất nước với quyết định để nhà máy sản xuất oxy hóa lỏng vốn dùng trong sản xuất thép không gỉ của mình chuyển sang cung ứng cho bệnh viện và người dân.
Trên thực tế nhà máy của anh Manoj đã phải đóng cửa theo lệnh cách ly của chính quyền bang nhưng đứng trước thực trạng đau lòng của người dân, nhà quản lý này đã dũng cảm mở lại xưởng sản xuất để giải cơn khát oxy cho những người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi.
"Nhà máy chúng tôi sản xuất oxy lỏng cho thép không gỉ nên chúng tôi có đủ thiết bị...Thế nhưng chứng kiến thảm kịch Covid đang diễn ra trước mắt mình, tôi và các lãnh đạo nhà máy đã quyết định cung ứng oxy cho người dân với giá 1 Rupee", anh Manoj nhấn mạnh.
Hành động này của anh Manoj được nhiều người ca ngợi là anh hùng khi ngoài chợ đen, giá một bình oxy lên tới 30.000 Rupee. Mọi người và các bệnh viện từ Aligarh, Noida, Lucknow, Banaras và nhiều nơi khác đang đến nhà máy của anh để nạp đầy ôxy. Họ chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận y tế là được tặng không mất tiền.
"Chúng tôi thu phí 1 Rupee là để thanh toán chi phí sản xuất, còn lại chủ yếu nhà máy cung ứng miễn phí oxy cho người dân", anh Manoj cho biết.
Mỗi ngày, nhà máy của anh Manoj có thể bơm cho khoảng 1.500 bình khí oxy bởi mỗi bình tốn khoảng 1 giờ để nạp đầy, đó là chưa kể đến thời gian thông bình và các quy trình an toàn khác.
Hiện anh Manoj đang kêu gọi các bệnh viện đến nhà máy của anh để lấy thêm oxy cứu chữa cho bệnh nhân.
Nguyên nhân chính khiến anh Manoj làm điều này ngoài việc chứng kiến thảm cảnh của người dân, chính bản thân anh cùng từng là một bệnh nhân nhiễm Sars nCov2 vào năm 2020. Bản thân anh đã phải chịu cảnh đau đớn và phải mất 6-7 tháng mới hồi phục hoàn toàn, do đó anh quyết định phải làm gì đó cho xã hội.
Anh Manoj cho biết oxy hiện trở thành phao cứu sinh cho nhiều người và anh cảm thấy vui mừng khi giúp đỡ được mọi người.
"Tôi hiểu được nỗi đau mà bệnh nhân cũng như người nhà của họ đang trải qua hiện nay bởi chính tôi cũng từng bị như vậy vào năm ngoái. Đây là điều tối thiểu tôi có thể làm để cảm tạ Chúa khi cho tôi được sống qua dịch bệnh", anh Manoj nhấn mạnh.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị