Đài RT đưa tin nước Anh đã bảo vệ quyết định cử một nhóm tấn công, bao gồm cả tàu sân bay mới, đến Đông Á để thăm các đồng minh và tham gia các cuộc tập trận, đồng thời khẳng định mình không "khiêu khích" Trung Quốc.
Phát biểu hôm 26-4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố việc nước này triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á là nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao chứ không phải kích động xung đột.
"Khi nhóm tấn công tàu sân bay của chúng tôi ra khơi vào tháng tới, chúng tôi sẽ thể hiện tầm ảnh hưởng, sức mạnh của mình, tăng cường sự tương tác với đồng minh của chúng tôi và tái khẳng định cam kết của nước Anh trong việc giải quyết các thách thức an ninh trong tương lai gần" - ông Wallace nói.
Khi được hỏi về việc liệu có khôn ngoan khi đưa tàu tới gần Trung Quốc vào thời điểm này hay không, ông Wallace cho biết việc triển khai HMS Queen Elizabeth vào tháng 5 không phải là hành động "khiêu khích", nhưng cho thấy Anh sẵn sàng "đóng một vai trò tích cực trong việc định hình hệ thống quốc tế trong thế kỷ 21”.
Trực thăng bay phía trên chiếc hàng không mẫu hạm mới HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh khi nó đến Portsmouth, Anh. Ảnh: REUTERS
Chiếc tàu sân bay trị giá 3 tỷ bảng Anh sẽ được sáu tàu Hải quân Hoàng gia Anh tháp tùng trong 28 tuần triển khai, cùng với một tàu ngầm trang bị tên lửa diệt hạm Tomahawk, 14 trực thăng và một đại đội thuộc Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh.
HMS Queen Elizabeth sẽ ra khơi cùng tám máy bay chiến đấu RAF F-35B đậu trên con tàu khi nó đi qua hơn 40 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, theo RT.
Truyền thông Nhật cũng đưa tin rằng cả hai nước đã đồng ý tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung một khi HMS Queen Elizabeth đến vùng biển của nước này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang sôi sục ở khu vực Đông Á, đặc biệt xung quanh Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý đối với một số đảo trong khi Mỹ tăng cường hậu thuẫn cho Đài Loan.