vĐồng tin tức tài chính 365

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh

2021-04-27 11:47

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm so với cuối năm ngoái. Các NH thương mại được yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…, dồn vốn cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Tín dụng tăng cao

Số liệu của NHNN cho thấy đến ngày 16-4, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm ngoái. Con số này thể hiện nhu cầu vốn đang tăng mạnh mẽ gần đây. Bởi trước đó, thống kê trong quý I/2020, tín dụng của nền kinh tế mới tăng ở mức 1,47%, huy động vốn cũng tăng yếu hơn ở mức 0,54%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN phụ trách Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận huy động vốn trên địa bàn TP trong quý đầu năm chỉ tăng 0,7% trong khi dư nợ tín dụng tăng tới 3,5% so với cuối năm ngoái.

Lãnh đạo nhiều NH thương mại cho biết nhu cầu vốn từ các doanh nghiệp (DN) và thị trường đang tăng trở lại khi nền kinh tế hồi phục sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Phó tổng giám đốc một công ty nhựa cho hay DN đang được vay vốn lưu động với lãi suất gần như thấp nhất ngành, khoảng 5,4%/năm. Nhu cầu vốn lưu động của DN này mỗi năm khoảng 700 tỉ đồng nên thường xuyên có quan hệ với khoảng 2-3 NH thương mại.

"Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái nên nhu cầu vốn của công ty là khá lớn. DN chúng tôi cũng được xếp vào dạng tín nhiệm cao nên được NH ưu tiên cho vay" - vị phó tổng giám đốc DN này nói.

Nhiều DN khác cũng tấp nập liên hệ tới các chi nhánh, phòng giao dịch của NH thương mại hỏi vay vốn. Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 mới đây, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết đến giữa tháng 4-2021, huy động vốn của NH chỉ tăng trên 3,5% trong khi cho vay tăng tới 5,8%.

Trước đó, tổng giám đốc Sacombank cũng cho rằng rất nhiều khách hàng cá nhân và DN liên hệ đến các chi nhánh của NH vay vốn. Nhưng do chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH năm nay chỉ khoảng 9% nên ban lãnh đạo phải tính toán lại chỉ tiêu cho từng đơn vị để cân đối phù hợp. Dòng vốn cũng được Sacombank xác định tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hạn chế chảy vào bất động sản để kinh doanh, lướt sóng…

Dựa trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN và diễn biến tình hình kinh doanh trong năm 2021, HĐQT Sacombank sẽ điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp.

Tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT, cho biết đến hết quý I/2021, dư nợ tín dụng của NH tăng 3,7% trong khi toàn hệ thống tăng 2,93%. Vietcombank đã giữ vị trí số 1 về tăng trưởng quy mô tín dụng trong năm ngoái và tiếp tục có quy mô tăng trưởng theo con số tuyệt đối lớn nhất toàn hệ thống.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh - Ảnh 1.

Phần lớn doanh nghiệp đang có nhu cầu cao về vốn để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Ảnh: TẤN THẠNH

Cân nhắc bơm vốn vào lĩnh vực rủi ro

NHNN cho biết từ đầu năm đến nay đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong khi đó, lãi suất tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp cũng kích thích nhu cầu vay từ thị trường. Đặc biệt, huy động vốn không tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục và các NH chủ động giảm dòng tiền gửi vào khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không cao.

Tại đại hội cổ đông năm 2021 của nhiều NH thương mại khác, bài toán về tăng trưởng tín dụng trong năm nay ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh cũng được cổ đông quan tâm, trong bối cảnh NHNN siết hạn mức tín dụng.

Tại NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc, nhìn nhận định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay từ NHNN là 12%-14%. Nhưng HDBank xây dựng kế hoạch cao hơn, ở mức 20%, dựa trên cơ sở những năm trước NH đều có tăng trưởng cao hơn mức trung bình ngành, do đó thường được NHNN cấp ở mức cao hơn. Tín dụng tăng cao ngay từ đầu năm cũng là cơ hội để HDBank đề xuất tăng thêm hạn mức với cơ quan quản lý.

"Tín dụng năm nay không tăng trưởng về thu nhập mà nhấn mạnh về thu phí dịch vụ, trong đó có bán bảo hiểm qua kênh NH (bancassurance). Thu nhập ngoài lãi và dịch vụ có mức tăng trưởng gần 100% ngoài dịch vụ truyền thống như thanh toán, tài trợ, bảo lãnh..., chúng tôi cũng đặt chỉ tiêu thu phí bancassurance trở thành trụ cột cho bài toán lợi nhuận năm nay" - ông Phạm Quốc Thanh nói.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT NH TMCP Quốc tế (VIB), cũng giải thích với cổ đông rằng dù NHNN mới giao hạn mức tín dụng khoảng 8% nhưng VIB vẫn đặt mục tiêu trong năm nay khoảng 31%. Bởi dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12,3% trong năm nay nhưng NHNN khẳng định sẽ linh động và phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Đồng thời, từng NH thương mại sẽ được đánh giá về độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, sức khỏe tài chính… để được xem xét nới chỉ tiêu tín dụng. Trong 3-4 năm qua, VIB đều đang tăng trưởng trung bình khoảng 25%-30%, nên con số tăng trưởng tín dụng 31% không phải thiếu cơ sở.

Đều có kế hoạch xin thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay để có thêm nguồn vốn bơm ra thị trường nhưng lãnh đạo nhiều NH khẳng định sẽ kiểm soát chặt vốn vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán...

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn cho biết NH đang kiểm soát rất chặt dòng vốn vào bất động sản, đặc biệt ở những khu vực có sốt đất. Ngay với khách hàng cá nhân, nếu mua để ở sẽ được ưu đãi, trong khi nếu vay để "lướt sóng" hoặc đầu tư căn nhà thứ 2-3 để cho thuê, mua đi bán lại..., sẽ bị áp lãi suất cho vay cao hơn hoặc áp hệ số rủi ro cao hơn.

Ông Nghiêm Xuân Thành cũng cho hay với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5% được NHNN giao, huy động vốn khoảng 7%, Vietcombank sẽ có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11% trong năm nay. Dòng vốn tín dụng sẽ tiếp tục được kiểm soát rủi ro, thận trọng, mở rộng tín dụng vào lĩnh vực bán lẻ, giải ngân vốn vào các khu công nghiệp...

Tại cuộc họp thông tin kết quả ngành NH quý I/2021, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, thông tin trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Trong thời gian tới, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng vốn tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.

Yêu cầu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thống kê đến đầu tháng 4-2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỉ đồng...

Xem thêm: mth.57901810262401202-hnam-gnat-peihgn-hnaod-auc-nov-uac-uhn/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools