Cho tới nay, Tổng thống Joe Biden là một trong những người bạn tốt nhất mà chứng khoán Mỹ từng có.
Trên thực tế, ông Biden là vị tổng thống tuyệt vời nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong 68 năm trở lại đây. 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden đã chứng kiến đà tăng trưởng chóng mặt ở Phố Wall.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Biden và Phố Wall sẽ còn nồng ấm đến bao giờ là một câu hỏi sắp được trả lời, trong bối cảnh nhà đầu tư phải đón nhận một loạt trở ngại tiềm ẩn từ chính sách thuế, các quy định gắn liền với chương trình chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng và nguy cơ kinh tế tăng trưởng quá nóng.
Nhưng cho tới nay, nhà đầu tư không có chút do dự nào khi đặt cược lớn vào doanh nghiệp Mỹ.
Chuyên gia John Normand của JPMorgan Chase viết trong lưu ý: "100 ngày tại nhiệm đầu tiên của Biden đã tạo ra tỷ suất lợi nhuận chứng khoán giai đoạn hậu bầu cử cao nhất trong 75 năm trở lại đây nhờ kích thích tài khóa kỷ lục, bất chấp việc ông ấy tung ra hàng loạt sắc lệnh hành pháp".
"Kết quả này không hề tồi so với người bị Trump gắn mắc là 'Joe ngủ gật' trong chiến dịch tranh cử".
Thật vậy, kết quả của ông Biden cho đến nay rất đáng kinh ngạc. Kể từ Ngày bầu cử 3/11/2020, chỉ số S&P 500 đã tăng 24,1%, con số dễ dàng đánh bại bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông Biden, CNBC cho biết.
Tổng thống Mỹ duy nhất từ sau năm 1953 có thành tích thị trường chứng khoán sánh được với ông Biden là ông John F. Kennedy. Chứng khoán Mỹ đi lên 18,5% trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Kennedy.
Ông Trump thường xuyên khoe khoang rằng chứng khoán Mỹ đã hoạt động rất tốt dưới sự chèo lái của ông. Tuy nhiên trong 100 ngày đầu tại vị của ông Trump, thị trường chỉ đi lên 11,4%.
Dĩ nhiên đánh giá kết quả trong giai đoạn sớm đến vậy trong một nhiệm kỳ tổng thống là việc rất khó khăn. Đặc biệt với trường hợp của ông Biden, rất khó để xác định được thị trường phản ứng với hành động của ông hay chỉ đơn giản là tiếp nối đà tăng thần tốc bắt đầu từ tháng 3/2020.
Ông Art Hogan, Giám đốc đầu tư tại công ty chứng khoán National Securites cho biết: "Bất cứ ai làm tổng thống Mỹ trong năm 2021 đều có lợi thế rất lớn. Ông Biden chỉ cần không phá hỏng mọi chuyện và hy vọng sẽ cải thiện được những việc mình phải hoàn thành".
Không một tổng thống Mỹ nào có điều kiện thuận lợi to lớn như ông Biden vào thời điểm nhậm chức hồi tháng 1.
Trước khi Nhà Trắng đón chủ nhân mới, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn hơn 3.000 tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế, còn Cục dự trữ liên bang (Fed) đã nới lỏng chính sách tiền tệ tới mức chưa từng có trong lịch sử.
Cho tới nay, tổng cộng hơn 5.300 tỷ USD đã được chi cho các nỗ lực cứu trợ liên quan tới COVID-19, Fed mua trái phiếu nhiều tới mức quy mô bảng cân đối của cơ quan này tăng gần gấp đôi đến sát 8.000 tỷ USD.
Với viễn cảnh sẽ có thêm hàng nghìn tỷ USD nữa được chi cho cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư lại càng có thêm động lực để đổ tiền vào thị trường.
Thêm nữa, Mỹ vẫn đang tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho ba triệu người mỗi ngày, tiếp thêm hy vọng rằng đà tăng của thị trường sẽ tiếp diễn nhờ nền kinh tế ngày càng phục hồi.
Giám đốc đầu tư Hogan chia sẻ: "Sẽ rất thú vị khi theo dõi xem 100 ngày tới sẽ như thế nào. Quá trình mở cửa đang có nhiều thuận lợi, vắc xin sắp giành chiến thắng trước virus".
Rủi ro phía trước
Sẽ có rất nhiều điều cần phải chú ý trong những ngày tới, đơn cử như đà tăng quá mạnh của thị trường.
Chỉ số S&P 500 đã đi lên khoảng 48% so với một năm trước và chưa từng có đợt giá thoái lui đáng kể nào trong hơn 6 tháng. Từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, nhà đầu tư rót nhiều tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu hơn số tiền họ bỏ ra trong 12 năm trước đó, theo Bank of America.
"Dĩ nhiên tôi sẽ lo lắng vì thị trường lên quá cao quá nhanh", Giám đốc đầu tư Hogan nói. "Rồi sẽ đến lúc điều gì đó xuất hiện và cản bước tiến của thị trường".
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lên cao ngay cả khi ông Biden định tăng thuế đáng kể đối với doanh nghiệp và những nhà đầu tư giàu có nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn có những lo ngại về sai lầm chính sách ở những lĩnh vực khác.
Các biện pháp kích thích khổng lồ đã dẫn đến ngân sách thâm hụt 1.700 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm tài khóa 2021, làm dấy lên lo ngại về khả năng tài trợ thâm hụt trong tương lai.
Đồng thời, Fed tuyên bố sẽ không thắt chặt tiền tệ cho đến khi lạm phát vượt quá 2% trong một khoảng thời gian đáng kể.
Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Allianz, nói rằng cách tiếp cận "dựa trên kết quả" để hoạch định chính sách tiền tệ là một sai lầm, đặc biệt là khi lạm phát đang gia tăng.
Ông El-Erian nói với CNBC rằng "thanh khoản khổng lồ và sự phục hồi đáng kể của nền kinh tế" đang thúc đẩy chứng khoán Mỹ và sẽ tiếp tục làm vậy trừ khi "xảy ra sai lầm chính sách hay trục trặc nào đó".
Do vậy, ông tin rằng Fed không còn cần phải mạnh tay hỗ trợ thị trường như trước và nên dần dần thắt chặt chính sách kinh tế.
Ông nói: "Tôi rất lo ngại rằng những gì mà Fed cho là lạm phát nhất thời sẽ trở thành lạm phát dai dẳng. Nếu kinh tế rơi vào lạm phát dai dẳng, Fed sẽ phải hãm phanh đột ngột. Khi đó phản ứng của thị trường sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với việc Fed giảm một chút hỗ trợ ngay từ bây giờ".