Từ chân máy khâu rỉ sét đến hiệu may trị giá 400 cây vàng
Lâu nay, phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn nổi tiếng với những hiệu may có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Rất nhiều thợ may áo dài của làng Trạch Xá (làng nghề truyền thống may áo dài của miền Bắc) đã đến đây lập nghiệp nên cửa hiệu nào cũng có một chữ "Trạch".
Hiệu may Vinh Trạch, nằm ở căn nhà số 23 Lương Văn Can của gia đình bà Lê Thị Quyến (81 tuổi) được biết đến là nơi cuối cùng lưu giữ nghề may áo dài truyền thống ở phố Cổ Hà Nội. Hơn 70 năm qua, dù tuổi cao sức yếu, bà Quyến vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu để giữ nghề.
Hiệu may của vợ chồng bà Quyến là một trong những hiệu đầu tiên được mở trên phố Lương Văn Can
Bà Quyến kể, bà là hậu duệ đời thứ 4 của một gia đình có nghề may áo dài truyền thống ở Hà Nội. Sinh thời, cha mẹ bà là những thợ phó có tiếng của làng may Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ).
Những năm Pháp thuộc, cuộc đời đưa đẩy ông cụ thân sinh của bà cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống. Đầu những năm 50, bà bắt đầu được cha cho phụ việc. 12 tuổi, khoác trên vai một chiếc bồ đà, bà theo cha đi khắp những phố phường để may đo cho gia chủ.
"Cha tôi vốn là người nghiêm khắc. Có lần chỉ ngồi sai tư thế khi đạp máy khâu tôi bị ông cụ đánh đòn đau nhớ đời. Từ đó, tôi học được tính cẩn thận và tỉ mỉ, không được sai sót dù chỉ một chi tiết nhỏ", bà nhớ lại.
Bà Lương Thị Quyến
Áo dài qua tay bà phải được làm toàn bộ bằng tay từ đo đạc, cắt xẻ đến may khâu
Năm 17 tuổi, bà Quyến lập gia đình, chồng bà được biết đến là người thợ kỹ thuật cắt may áo dài, áo bông, áo kép giỏi giang trong khu phố cổ Hoàn Kiếm. Sau khi hai người lấy nhau, ông Vinh nghỉ việc ra làm riêng, mở hiệu áo dài lấy tên là Vinh Trạch.
Bà Lê Thị Quyến sau khi nghỉ làm nhà nước cũng về cùng chung tay với ông trông nom cửa hàng, phụ giúp những công việc phụ vốn rất lắt nhắt của nghề may. Từ khi ông nhà đổ bệnh ốm, gần chục năm trước, bà trở thành thợ chính, làm đủ các công việc của nghề may áo dài. Nào đo, cắt, may, đính khuy, viền tà....
Trải qua bao khó khăn, bao lần cải cách từ một chiếc chân máy khâu thô sơ, rỉ sét…, vợ chồng bà Quyến đã gây dựng nên một thương hiệu nhà may "đình đám" khắp phố Lương Văn Can và khắp cả Hà Nội.
Hiệu may trước đây được chồng bà Quyến mua bằng 400 cây vàng
"Thời điểm đông nhất nhà tôi có một cái sập bé tý mà 8 người thợ phải cùng ngồi làm mới đáp ứng được nhu cầu của khách", bà Quyến kể.
Kinh tế khá giả, vợ chồng bà Quyến tiếp tục mua đất ở phố Cổ để mở thêm cửa hàng. "Hiện gia đình tôi còn vài miếng đất trên phố Cổ này. Cái tiệm may nhỏ này chưa đầy 20m2 đâu nhưng mấy chục năm trước, tôi phải mất 400 cây vàng để mua lại.
Bây giờ là nơi làm việc cũng như chỗ ở của gia đình. Còn cửa hàng bên cạnh để cho con trai trước đây tôi cũng mất vài trăm cây vàng mới mua được".
Hơn 80 tuổi vẫn tinh mắt xỏ kim, khâu áo
Bây giờ tuy đã có tuổi, nhưng ngày ngày bà Quyến vẫn đứng cắt may, khâu từng đường kim, mũi chỉ cho khách. Bên cạnh đó, bà cũng không ngừng học hỏi. "Ngày ngày tôi vẫn đọc thông tin trên internet để tìm hiểu nhu cầu khách hàng ngày nay".
Dù đã hơn 80 nhưng từng đường kim, mũi chỉ của bà Quyến vẫn tinh tế và chuẩn xác vô cùng
Theo bà Quyến, nghề của bà giống như làm dâu trăm họ, những người khó tính nhất hay chọn cửa hàng của bà là nơi để đặt hàng. Tuy nhiên, bằng sự tận tâm nên trong gần 65 năm làm nghề, bà chưa một lần làm phật lòng khách. Bà cũng chia sẻ, không ít lần bà còn nhận được những món quà ý nghĩa từ khách đến may áo dài.
Khách của hiệu may đều là những người khó tính, tỉ mỉ. Hiện nay, giá một bộ áo dài được may tại cửa tiệm của bà Quyến dao động từ 700.000 - 1.500.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kiểu dáng khác nhau
"Tôi nhớ nhất là có một cặp vợ chồng già là khách quen gần chục năm của cửa hàng tôi. Cứ mỗi dịp sinh nhật hay kỷ niệm, họ đều chở nhau bằng xe đạp đến đây may áo dài", bà Quyến nói.
Bà Quyến sinh được 7 người con, 1 nam, 6 nữ. 7 người con của ông bà, mặc dù có công việc riêng nhưng vẫn nối nghiệp bố mẹ như một nghề tay trái.
"Cả đời tôi gắn bó với chiếc áo dài để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông. Tôi chỉ mong, nhiều năm sau, các con, các cháu vẫn giữ được cốt cách của người làm nghề, luôn dành tình yêu cho mỗi chiếc áo dài như vợ chồng tôi từng làm", bà Quyến nói thêm.