Còn ba tỉnh ở ĐBSCL chưa thể xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2
Trung Chánh
(KTSG Online) - Toàn bộ phía Nam hiện còn ba tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp chưa có khả năng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trung Chánh |
Tại buổi làm việc “Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế làm việc với tỉnh Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch Covid-19” diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 27-4, ông Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Viện đã hỗ trợ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tỉnh Tiền Giang 6.632 mẫu, trong đó, có 6 mẫu dương tính đều là các ca nhập cảnh.
Bộ Y tế đã quyết định điều chuyển gấp 15.000 liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam bộ từ nguồn vaccine phân bổ cho tỉnh Hải Dương trước đó. Trong số này, 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng mỗi tỉnh nhận 2.000 liều vaccine và 5 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau mỗi tỉnh nhận 1.800 liều. |
Theo ông Cường, Viện Pasteur TPHCM đã cử đoàn công tác hỗ trợ cho tỉnh Tiền Giang, mà cụ thể là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Tiền Giang) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh kỹ thuật xét nghiệm vào tháng 2-2021. “Nhưng đến thời điểm hiện tại, Tiền Giang cũng chưa triển khai được kỹ thuật xét nghiệm này”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, toàn bộ khu vực miền Nam vẫn còn 3 tỉnh chưa thể xét nghiệm khẳng định được là Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Trong thời gian tới, đánh giá chung cho thấy, nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn ở mức rất cao, bởi người nhập cảnh trái phép (nhất là ở Campuchia nhập cảnh trái phép vào một số tỉnh biên giới ĐBSCL) có thể về bất cứ lúc nào. “Vì vậy, việc chủ động xét nghiệm là vấn đề cấp thiết, cho nên, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ tối đa cho CDC Tiền Giang và Bệnh viện Đa khoa tỉnh có máy xét nghiệm càng sớm càng tốt”, ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, việc trang bị máy xét nghiệm là không khó nên cần chuẩn bị sẵn sàng để chủ động ứng phó. “Lấy kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương, trong thời gian dài không triển khai xét nghiệm, nhưng đến lúc có ca nhiễm trong cộng đồng từ TPHCM, thì trong vòng một ngày sau đã có hệ thống xét nghiệm”, ông dẫn chứng và nói rằng, điều này chứng tỏ khâu xét nghiệm cũng không phải quá khó khăn để đáp ứng.
Vị Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, tỉnh Tiền Giang cần có ít nhất hai cơ sở xét nghiệm khẳng định nhằm đảm bảo đúng 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ) như chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Còn đối với cơ sở cách ly, theo ông Cường, một số địa phương cũng đã triển khai xét nghiệm kháng nguyên để sàng lọc đối tượng cách ly. “Nếu chúng ta sàng lọc bằng kháng nguyên dương tính, thì có thể chia khu cách ly làm hai khu vực, gồm khu vực nguy cơ cao và khu vực nguy cơ thấp”, ông cho biết và nói rằng, dù sau sàng lọc kháng nguyên vẫn phải gửi mẫu làm xét nghiệm khẳng định, nhưng cần có nhận định ban đầu để cơ sở cách ly có phương án phân loại đối tượng nhằm đảm bảo tốt cho cách ly những người không bị nhiễm.
Ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương có 6 ca dương tính SARS- CoV-2 và đã được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện dã chiến của địa phương. Các trường hợp này là công dân ở nước ngoài về cách ly tập trung.
Về tình hình theo dõi, cách ly, ông Thảo cho biết, từ ngày 4-2 đến nay, có 50 người cách ly tại cơ sở y tế, trong đó, đã hoàn thành cách ly 48 người; cách ly tại khách sạn đến ngày 24-4 là 83 người, trong đó, có 65 người hoàn thành; cách ly tại nhà, tính đến ngày 24-4, có 1.778 người và tất cả đã hoàn thành .
Còn theo dõi, cách ly y tế tập trung tại tiểu đoàn Ấp Bắc, thì qua 15 đợt, có tổng cộng 3.558 công dân từ nước ngoài về, sức khoẻ tất cả đã ổn định và về địa phương.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu tỉnh Tiền Giang tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là ở khu vực biên giới các tỉnh ĐBSCL. “Dù Tiền Giang không có đường biên giới giáp Campuchia, nhưng nằm gần các địa phương tiếp giáp như: Long An, Đồng Tháp nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao, nhất là người nhập cảnh trái phép”, ông cho biết.
Trước đó, tại buổi làm việc với TP Cần Thơ hôm 26-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu lập bệnh viện dã chiến cấp vùng tại TP Cần Thơ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Campuchia- quốc gia có đường biên giới tiếp giáp nhiều địa phương ở ĐBSCL.
Xem thêm: lmth.2-voc-sras-hnid-gnahk-meihgn-tex-eht-auhc-lcsbd-o-hnit-ab-noc/087513/nv.semitnogiaseht.www