- Sáu người có đơn xin rút ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
- Cử tri tín nhiệm giới thiệu Thứ trưởng Lê Tấn Tới ứng cử đại biểu Quốc hội
- Bộ trưởng Bộ Công an được 100% cử tri nơi cư trú tín nhiệm giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
- Thông qua danh sách 205 đại biểu ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội
- Văn phòng TW Đảng giới thiệu 5 đồng chí ứng cử đại biểu Quốc hội
- Bộ Công an giới thiệu Bộ trưởng Tô Lâm và 3 đồng chí ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV
205 người là ĐBQH khóa XIV tái cử
Tại họp báo Tổng Thư ký Quốc hội đã công bố Nghị quyết số 559 của Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, trong số 868 người ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử để bầu 500 ĐBQH khóa XV, số người ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu là 203 người, địa phương có 665 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo. |
Về cơ cấu, 393 người ứng cử là phụ nữ (45,28%), 185 người dân tộc thiểu số (21,31%), 74 người ngoài Đảng (8,53%). Về trình độ chuyên môn, 564 người ứng cử trình độ trên đại học (64,98%), 294 người trình độ đại học (33,87%), 10 người trình độ dưới đại học (1,15%). Về trình độ lý luận chính trị: 55 người cử nhân (6,34%), 587 người cao cấp (67,63%), 111 người trung cấp (12,79%), 35 người sơ cấp (4,03%), 80 người không có chứng chỉ về trình độ lý luận chính trị (9,22%). Về trình độ ngoại ngữ, tin học: Hầu hết người ứng cử ĐBQH khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.
Có 205 người ứng cử là ĐBQH khóa XIV tái cử (23,62%), tăng 4,31% so với khóa trước. 224 người là người trẻ, dưới 40 tuổi (25,81%). Về độ tuổi bình quân (tính trong 868 người ứng cử) là 46 tuổi. Người cao tuổi nhất, 77 tuổi là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hai người trẻ tuổi nhất, 24 tuổi là Lý Thị An và Quàng Thị Nguyệt, đều ở tỉnh Điện Biên.
Trong số 203 người ứng cử ĐBQH khóa XV ở Trung ương, có 11 người ở các cơ quan Đảng (5,42%); 5 người ở cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp (2,46%); 129 người ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (63,55%); 15 người thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (7,39%, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an). Về người ứng cử thuộc lực lượng vũ trang, có 12 người thuộc Quân đội (5,91%, gồm cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu), 2 người thuộc Công an (0,99%). Có 1 người thuộc Kiểm toán Nhà nước (0,49%), 28 người thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (13,79%).
Tổng Thư ký Quốc hội trả lời tại họp báo. |
Về cơ cấu kết hợp: Phụ nữ 45 người (22,17%), Dân tộc thiểu số 22 người (10,84%), Tôn giáo 4 người (1,97%), Người ngoài Đảng 4 người (1,97%); Trình độ học vấn (trên Đại học: 186 người, 82,76%; Đại học: 35 người, 17,24%; dưới Đại học: 0); Tái cử: 99 người (48,77%); Trẻ tuổi: 5 người (2,46%).
Có 9 người tự ứng cử, gồm 3 người ở TP Hà Nội: ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, ông Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam; 2 người ở TP Hồ Chí Minh: bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Ban Nghiên cứu và Đào tạo, Hội Luật gia Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh; 1 người TP Cần Thơ: ông Nguyễn Thiện Thức, Giám đốc điều hành Trung tâm dạy nghề Thành Phúc; 1 người tỉnh Bắc Kạn: ông Nguyễn Kim Hùng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam; 1 người tỉnh Nam Định: bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Namsung Việt Nam; 1 người ở Sóc Trăng: ông Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII. |
Công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm quy định
Tại họp báo, các phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự, về số lượng người ứng cử tại Trung ương đã giảm đi sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, về nguyên tắc phân bổ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao về ứng cử tại các địa phương, về công tác rà soát, đảm bảo tiêu chuẩn của ĐBQH để không lọt người có 2 Quốc tịch...
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Nhân sự cho biết, trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, Tiểu ban Nhân sự đã bám sát và tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của pháp luật hiện hành. Bảo đảm các quy trình, các bước tuân thủ Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. |
Về nguyên tắc phân bổ, các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng do Bộ Chính trị phân công, trên cơ sở vùng miền, phù hợp các vị trí quan trọng. Tổng Bí thư ứng cử tại TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội ứng cử tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ ứng cử tại Cần Thơ, Chủ tịch nước ứng cử tại TP Hồ Chí Minh, đồng chí Thường trực Ban Bí thư ứng cử tại TP Đà Nẵng. Có một quy định rõ ràng là các đồng chí phải ứng cử ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các vùng miền cho hợp lý.
Các đồng chí thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư khác cũng được bố trí ứng cử ở các địa bàn có tính chất lan tỏa của vùng, có yêu cầu về chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp chuyên môn, chức năng nhiệm vụ, vị trí mà các đồng chí đang phụ trách, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tham gia Quốc hội nhưng cũng đại diện cho vùng miền để phản ánh nguyện vọng của cử tri cả nước trước Quốc hội. Đối với các đại biểu khác đã có Nghị quyết số 158 để phân bổ nguyên tắc cụ thể. Ví dụ nguyên tắc đối với đại biểu tái cử, nguyên tắc ứng cử viên đăng ký, nguyên tắc điều hòa cho phù hợp...
"Sau vòng hiệp thương lần thứ 3 có hai trường hợp ứng cử ĐBQH giảm đi. Thứ nhất là đồng chí Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh được giới thiệu cơ cấu Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng đồng chí bị đột quỵ rất nặng, chúng tôi có xin ý kiến Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương và báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia thấy rằng, với tình trạng sức khỏe của đồng chí khó có thể thực hiện được nhiệm vụ ứng cử viên ĐBQH, trước mắt là tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử trong thời gian tới..."- Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh lý giải.
Toàn cảnh họp báo. |
Bà cũng cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thống nhất thôi không ứng cử đối với đồng chí Võ Trọng Việt. Hiện đồng chí không có khả năng thể hiện được chính kiến của mình trong việc xin rút hay xin thôi (không có đơn), hoàn toàn phụ thuộc theo quyết định chuyên môn của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Để đảm bảo đủ số lượng ĐBQH để bầu cử 500 người, Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định chuyển cơ cấu của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam của đồng chí Võ Trọng Việt về cho Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, vì thời điểm đó TP Hồ Chí Minh chưa hiệp thương vòng 3.
"Trường hợp thứ hai là ứng cử viên Phạm Thị Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại của Văn phòng Quốc hội. Ứng cử viên này sau hiệp thương vòng 3 có đơn gửi Hội đồng bầu cử quốc gia xin rút vì lý do gia đình không tạo điều kiện và không thuận lợi cho việc tham gia ứng cử ĐBQH", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin.
Có kịch bản ứng phó với dịch bệnh COVID-19
Về ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông qua thông tin từ các cơ quan báo chí, Tiểu ban Nhân sự đã chủ động có văn bản gửi Bộ Công an tìm hiểu thông tin chính thức. "Sau đó chúng tôi nhận được Văn bản số 1123 của Bộ Công an gửi Tiểu ban Nhân sự. Đến thời điểm này, Bộ Công an đang trong quá trình điều tra vụ việc, có khẳng định ông Tuấn có ký một số văn bản có liên quan, còn có vi phạm pháp luật hay không thì đang trong quá trình điều tra", bà nêu rõ. Trưởng Ban Công tác đại biểu khẳng định, quá trình chuẩn bị công tác nhân sự rất chu đáo, kỹ lưỡng qua các vòng hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú... tuy nhiên đây cũng là những lý do bất khả kháng, không thể lường trước được.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Liên quan đến vấn đề phòng chống dịch COVID-19, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền cho biết, hiện dịch bệnh đang hết sức phức tạp, không chỉ ở các nước trên thế giới mà các nước láng giềng với chúng ta. Do đó, ngoài các giải pháp chung của Chính phủ để đẩy mạnh kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng thì ngày 13-4-2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành Hướng dẫn số 234 để kịp thời hướng dẫn địa phương có giải pháp ứng phó trong trường hợp phát sinh COVID-19, từ nay đến ngày bỏ phiếu. Trước hết, đảm bảo quyền bầu cử của cử tri, ngay cả cử tri là người nhiễm COVID-19, dù cách ly ở đâu vẫn đảm bảo được ghi tên và danh sách cử tri, thưc hiện quyền bầu cử.
Về thực hiện bỏ phiếu trong bối cảnh COVID-19 cũng có hướng dẫn cụ thể, nêu rõ trách nhiệm của các tổ bầu cử trong việc mang hòm phiếu phụ dến tận nhà, khu cách ly để người cách ly được bỏ phiếu, đảm bảo khử khuẩn đầy đủ. Ngay các phòng bỏ phiếu cũng bố trí tạo thông thoáng, bảo đảm giãn cách, hạn chế tiếp xúc để phòng ngừa lây nhiễm. Trong ngày bầu cử nếu có bùng phát COVID-19, đặc biệt ở những địa phương có nguy cơ cao cũng được yêu cầu xây dựng phương án để ứng phó cụ thể, báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định...
Sẵn sàng các phương án bảo đảm ANTT cho cuộc bầu cử Tại họp báo, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy viên Tiểu ban An ninh trật tự (ANTT) và Y tế cũng đã thông tin về phương án đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ ngày bầu cử. Theo đó, ngay từ khi Tiểu an ANTT-Y tế được thành lập, Tiểu ban đã phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng 1 kế hoạch rõ ràng, cụ thể, chi tiết, phối hợp các địa phương chỉ đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia các địa phương bảo đảm phương án tốt nhất, an toàn cho cuộc bầu cử.
Theo ông, ngay từ đầu tháng 3, yêu cầu các Hội đồng, Tiểu ban ANTT-Y tế các địa phương báo cáo hàng tuần về tình hình ANTT, dịch tễ, những vấn đề có thể ảnh hưởng đến an toàn quá trình bầu cử. Sang tháng 4 là báo cáo ngày, có những sự chỉ đạo gắn liền với đặc thù từng địa phương. "Cho đến nay, qua 2 đợt kiểm tra của Tiểu ban Nhân sự và thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, về cơ bản có thể khẳng định, tất cả địa phương đang chuẩn bị rất tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quá trình chuẩn bị bầu cử. Có một số địa phương có thể bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như có người lao động ở nước ngoài trở về thì cũng đã có phương án xử lý. Những địa bàn phức tạp về ANTT, lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp Quân đội, các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết đảm bảo an ninh, an toàn" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức thông tin. Ông cũng cho biết, hầu hết các tỉnh đã mở những cao điểm về phòng chống tội phạm, giải quyết các điểm nóng về ANTT, xây dựng 5-7 tình huống giải quyết trong thời điểm diễn ra bầu cử: tình huống khiếu kiện đông người, phòng cháy chữa cháy, ùn tắc giao thông, gây rối trật tự tại địa điểm đặt các hòm phiếu... Kể cả nếu xảy ra tình huống sự xuất hiện người nhiễm COVID-19 mà chưa được cách ly thì cũng có phương án. Đến giờ phút này, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, sự tư vấn của Tiểu ban ANTT- Ytế, thì các địa phương đang làm rất tốt phương án bảo đảm ANTT bảo vệ cuộc bầu cử... Về việc rà soát để đảm bảo không lọt ĐBQH 2 Quốc tịch, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Tiểu ban Nhân sự đã có kinh nghiệm vì trong Quốc hội khóa XIV từng có những trường hợp ĐBQH 2 Quốc tịch. "Khóa XV chúng tôi yêu cầu rất rõ việc khai lý lịch về Quốc tịch, quy định rõ ĐBQH Việt Nam chỉ có 1 Quốc tịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong rà soát hồ sơ, lý lịch để đảm bảo loại trừ những người kê khai chưa trung thực, chưa chính xác", bà nhấn mạnh. |