Thống tướng Min Aung Hlaing - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-4, trong một tuyên bố được đăng lên trang web của Bộ Thông tin Myanmar, chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ sẽ "xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng của các lãnh đạo ASEAN khi tình hình ổn định trở lại ở Myanmar", theo Hãng tin Reuters.
Họ cho biết ưu tiên vào lúc này của Myanmar là "duy trì pháp luật và trật tự", "khôi phục yên bình và sự hòa bình trong cộng đồng".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, dự một cuộc gặp với lãnh đạo các nước ASEAN cuối tuần qua. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ chính biến hôm 1-2.
Lúc đó, các lãnh đạo ASEAN đã ra tuyên bố "đồng thuận 5 điểm", gồm kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" và cho phép đặc phái viên của khu vực tới thăm Myanmar.
Trao đổi với Hãng tin AFP, người phát ngôn Zaw Min Tun của chính quyền quân sự Myanmar nói rằng họ "hài lòng" với chuyến đi trên và cho biết họ đã có thể giải thích "tình hình thật sự" với lãnh đạo các nước ASEAN.
Chính quyền quân sự Myanmar nói rằng các đề xuất tại cuộc gặp trên sẽ được "xem xét tích cực" nếu chúng tạo điều kiện cho "lộ trình" của chính quyền quân sự Myanmar và "phục vụ lợi ích của quốc gia".
Theo Hãng tin Reuters, đây là những bình luận chính thức đầu tiên của chính quyền quân sự Myanmar về cuộc gặp trên. Họ không đề cập trực tiếp tới "sự đồng thuận 5 điểm".
Cũng trong ngày 27-4, một bài đăng khác trên trang web của Bộ Thông tin Myanmar nói rằng thống tướng Min Aung Hlaing và các thành viên khác trong "Hội đồng quản lý nhà nước" Myanmar đã thảo luận về việc gắn mác CRPH (nhóm các nghị sĩ chống chính quyền quân sự Myanmar hiện sống lưu vong hoặc đang lẩn trốn) là "tổ chức khủng bố căn cứ theo luật chống khủng bố".
Ngày 27-4, ông Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền ở Myanmar của Liên Hiệp Quốc, đã gửi thư kêu gọi thống tướng Min Aung Hlaing cam kết thực hiện kế hoạch của ASEAN.
TTO - Phe đối lập, chủ yếu gồm các cựu nghị sĩ thuộc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, hoạt động ngầm ở Myanmar, ca ngợi thỏa thuận của ASEAN về chấm dứt bạo lực ở Myanmar là "tin khích lệ".