Tình trạng hiện tại của những người trẻ muốn lập gia đình trên các thành phố lớn của Trung Quốc có thể miêu tả ngắn gọn là: Nữ giới tích cực, nam giới xa lánh. So với phái nam, phụ nữ tỏ ra gấp gáp hơn đối với các mối quan hệ cần sự ổn định.
Trình độ học vấn cao cùng với khả năng tự lập có thể cho phép họ sống tự do hơn, nhưng để bước vào cuộc sống hôn nhân ở thành phố lớn thì lại là 1 câu chuyện khác. Để tìm được đối tượng phù hợp, đôi khi họ chấp nhận chối bỏ nhu cầu thực sự của bản thân, kết hôn 1 cách mù quáng, hoặc biết rõ hôn nhân lý tưởng chỉ có trong "tiểu thuyết" nhưng vẫn dấn thân vào.
Mò kim đáy bể
Kate, 26 tuổi, đang theo học ngành nghệ thuật, dáng người thanh thoát, tóc xoăn nhẹ và có giọng nói thu hút. Cô gái du học ở nước ngoài và vừa trở về nước trong năm nay.
"Gia đình tôi thúc giục kết hôn, lại thêm bạn bè ngày ngày 'tẩy não' nói rằng ở 1 mình rất cô đơn, kết hôn rồi sẽ có người chăm sóc, khiến tôi quyết định đi xem mắt." - Kate nói.
Buổi xem mắt tập thể tấp nập như trẩy hội
1 thời gian sau, bạn thân đã giới thiệu cho cô 1 chương trình "hẹn hò cao cấp" dưới hình thức xem mắt tập thể và những người tham gia đều có học vấn cao. Đây là lần đầu tiên Kate gặp nhiều người lạ cùng lúc như vậy nên có phần ngại ngùng.
"Lần đi xem mắt bao gồm cả tôi là có 4 người 1 phòng, trong đó có 1 người đàn ông tôi ít giao lưu nên cuối buổi tỏ ý phàn nàn trên WeChat và chủ động từ chối tiếp tục trò chuyện."
Bà mối Nhiên Nhiên trong chương trình nói:
"Đối với những phụ nữ độc thân sẵn sàng kết hôn, thị trường hẹn hò lại không bình đẳng. Tuổi tác không gây áp lực cho đàn ông, nhưng đối với phụ nữ lại là 1 vấn đề lớn."
Trong buổi xem mắt cùng ngày với Kate có 2 chàng trai tỏ ý "nghiêm túc". Trong đó có 1 anh chàng sinh năm 1990 cho biết mình muốn lập gia đình vì "hầu hết bạn bè đều đã có tổ ấm". Chàng trai 30 tuổi khác muốn kết hôn vì lý do thực dụng hơn - "muốn mua nhà sớm". Tuy nhiên, cả 2 người đàn ông đó lại thể hiện sự "nghiêm túc" bằng cách đến muộn hơn giờ hẹn 30 phút.
"Tôi chưa muốn kết hôn, nhưng thực sự sợ lời ra tiếng vào từ hàng xóm và người thân. Khi còn ở nước ngoài thì không sao, trở về Trung Quốc mọi thứ đều thay đổi." - Kate tâm sự.
Ghép đôi là 1 trong những trò chơi phổ biến của chương trình để tìm "cảm giác rung động"
Kate mới bắt đầu sự nghiệp của mình và còn đang bận rộn khắc phục hàng loạt thay đổi. Cô từ Anh trở về Thượng Hải và đang trong thời gian thử việc cho công việc mới nên chưa muốn quen ai chứ chưa nói đến kết hôn. Sau lần tham gia buổi xem mắt tập thể, cô gái đã từ bỏ ý định tiếp tục vì quá mệt mỏi.
"Trước mắt, tôi sẽ không tham gia thêm những hoạt động hẹn hò như vậy, chẳng khác nào mò kim đáy bể." - Cô thở dài nói.
Hạ dần tiêu chuẩn
Trái ngược với cô gái kể trên, Daisy, sinh năm 1989, đến từ Thượng Hải và làm việc trong 1 công ty nước ngoài danh tiếng đã có kinh nghiệm 3 lần xem mắt tập thể.
"Tôi không còn dễ 'cảm nắng' ai như hồi còn trẻ nữa, giờ đây càng đi xem mắt càng cảm thấy giả tạo."
"Mấy người đàn ông đó nói chuyện cứ như kiểu bản thân sẽ không hề già đi vậy, hay chỉ đơn giản là họ nghĩ rằng mình có nhiều thanh xuân hơn phụ nữ." - Daisy ngán ngẩm nói, cô cho rằng hầu hết những chàng trai tham gia xem mắt đều chưa trưởng thành, không hề nghiêm túc.
Sau khi trải qua những ngày tháng mù mịt, thất vọng khi xem mắt không kết quả, tiêu chí tìm bạn đời của Daisy cũng thay đổi. Từ cao 1,8m (cô cao 1,7m), tốt nghiệp đại học trở lên, kết hôn xong mua nhà ở riêng xuống còn "chỉ cần cao hơn tôi" là được.
Thoát kiếp FA trong "khuôn khổ"
Ảnh minh họa
Các cô gái độc thân tập trung ở thành phố vì có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. Họ có thể tự nuôi bản thân thông qua công việc và sống độc lập mà không bị phụ thuộc vào hôn nhân. Nhà văn Rebecca Traister (nữ nhà văn lớn ở New York và trang web The Cut, đồng thời là biên tập viên đóng góp tại tạp chí Elle) vẫn tin rằng điều đó rất có ý nghĩa đối với phụ nữ: "Hãy để họ có được 1 chút tự do, dù chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn".
Cô cho rằng chính sách 1 con đã gián tiếp giúp phụ nữ Trung Quốc có được sự ủng hộ đầy đủ của gia đình và cạnh tranh với nam giới trong học tập cũng như sự nghiệp. Cũng theo cô, người dân Trung Quốc nên khuyến khích phụ nữ tiếp tục tiến bộ, thay vì để họ trở lại với những vai trò truyền thống xưa cũ.
"Nếu hôn nhân không phải là sự lựa chọn duy nhất của người phụ nữ, họ vẫn có thể phát triển sự nghiệp và sống tốt, điều đó có nghĩa là xã hội đang tiến bộ." - Nữ nhà văn Rebecca Traister nói.
Trong những năm gần đây, khi phụ nữ trưởng thành và độc lập hơn, sự lựa chọn của họ vô hình chung cũng trở nên hạn hẹp. Thu nhập cao và trình độ học vấn tốt của những phụ nữ ưu tú sẽ không phải là lợi thế trong những cuộc hẹn hò và hôn nhân. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nó còn là gánh nặng.
Người tham gia vào chương trình xem mắt rất đông, nhưng để thực sự tìm được bạn đời ưng ý lại rất hiếm
Người mai mối Nha Nha trong chương trình cho rằng:
"Lý do cho việc đàn ông trở nên 'có giá' trong các buổi xem mắt tập thể, là bởi mong muốn kết hôn của họ rất ít, vả lại họ cũng không thích tìm người giỏi hơn mình."
Bản thân phụ nữ cũng khó mà không tuân theo quy luật "nam cao, nữ thấp". Kate và Daisy cũng bày tỏ rằng không muốn chồng tương lai thu nhập kém hơn mình.
Trong số những cô gái đi xem mắt, nếu phần tự giới thiệu bản thân có những nội dung như biết nấu ăn, hoặc đam mê nghiên cứu tâm lý học hay giáo dục trẻ em sẽ lấy được nhiều cảm tình hơn từ nam giới. Điều đó phần nào chứng tỏ được đàn ông Trung Quốc có xu hướng thích những phụ nữ biết chăm lo cho gia đình và không quá coi trọng đến chuyện gây dựng sự nghiệp.
Thực trạng phụ nữ có học vấn cao khó lấy chồng, hay nói cách khác là khó tìm được người tương xứng với bản thân ngày càng nhiều. Nếu có thể gặp được chàng trai phù hợp, thì đây hẳn là 1 phần thưởng trong cuộc sống, nhưng nếu chưa gặp được thì phụ nữ cần hiểu họ vẫn còn sự nghiệp của riêng của bản thân, và nhiều điều đáng quý trong cuộc sống. Và tất nhiên, không phải cuộc sống sẽ vô giá trị nếu không lấy chồng.
Nguồn: QQ
Nguyên Dũng TT
Tri thức trẻ