Lây lan Covid-19 theo cụm văn phòng
Theo dữ liệu của Cơ quan Nhân lực, Di cư và Năng lượng Jakarta, có 3.703 nhân viên từ 2.144 công ty mắc Covid-19 khiến các công ty này bị đóng cửa. Ngoài các công ty và văn phòng bị đình chỉ hoạt động do có nhân viên mắc Covid-19, chính quyền thành phố cũng đóng cửa hàng trăm văn phòng vi phạm giao thức y tế phòng chống đại dịch.
Dân văn phòng Indonesia đeo khẩu trang và tấm chắn để phòng Covid-19 (Ảnh: Bisnis)
Theo chính quyền thành phố Jakarta, trong giai đoạn nửa sau tháng 4/2020, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các cụm văn phòng liên tục tăng. Số ca mắc Covid-19 của nửa sau tháng 4 tăng gấp 3 lần sao với nửa đầu tháng.
Phó Thống đốc Jakarta, ông Jakarta Ahmad Riza Patria cho biết, chính quyền thành phố đang điều tra nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các cụm văn phòng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia cho rằng sự gia tăng các ca lây nhiễm tại các văn phòng là do sự chủ quan khi chính phủ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine. Người phát ngôn Bộ y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết, một số văn phòng ở thủ đô đã vi phạm quy định của pháp luật khi vượt quá 50% công suất văn phòng cho phép trong giai đoạn chính phủ áp dụng Hạn chế Hoạt động Cộng đồng tầm vi mô. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Indonesia cũng đưa ra một vài nguyên nhân khác như: văn hóa ăn trưa cùng nhau trong văn phòng, cũng như tiếp xúc vật lý như bắt tay và ôm. Đặc biệt trong tháng Ramadan, nhiều nhân viên văn phòng đã tổ chức ăn “xả chay” cùng nhau. Bên cạnh đó, sự di chuyển của các nhân viên văn phòng trên đường tới công ty cũng có thể trở thành nguồn lây lan virus. Với những điều này, Bộ Y tế Indonesia yêu cầu Lực lượng đặc biệt xử lý Covid-19 địa phương giám sát và đánh giá để báo cáo cho Lực lượng đặc nhiệm Covid-19 quốc gia về các cụm lây lan văn phòng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã tiêm chủng cho nhiều thành phần của xã hội, trong đó ưu tiên cả giới văn phòng và công chức. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các giao thức y tế trong thời gian đại dịch.
Philippines bên bờ quá tải
Trong lúc tình hình Indonesia như vậy thì ngày 26/4, Philippines đã vượt mốc 1 triệu ca mắc Covid-19 sau khi có thêm gần 9.000 ca mắc mới. Nước này đang nỗ lực nâng cao năng lực hệ thống y tế đang đứng trước nguy cơ quá tải để đối phó với đại dịch.
Bộ Y tế Philippines ngày hôm qua cho biết, nước này tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới tại khu vực thủ đô, tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất. Theo đó, tính đến hết ngày 26/4, Philippines đã có 1.006.428 ca mắc Covid-19 trên cả nước, trong đó có 16.853 trường hợp đã tử vong. Đây là quốc gia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao thứ hai của khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Nước này đang nỗ lực tăng cường khả năng chăm sóc sức khỏe để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện và nhân viên y tế do đại dịch kéo dài với làn sóng thứ hai. Tại khu vực thủ đô Manila và vùng đô thị gồm 16 thành phố, nơi có ít nhất 13 triệu dân, công suất của các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã đạt trên 70%, trong khi 57% giường cách ly và 64% giường của các bệnh nhân Covid-19 đã được sử dụng. Trong một nỗ lực để tiếp nhận thêm bệnh nhân, ông Harry Roque, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết chính phủ đã bổ sung thêm 289 giường ICU tại thủ đô. Trong khi đó, một số bệnh viện phải dựng thêm lán chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
Hội Chữ thập đỏ Philippines ngày 26/4 cũng đã dựng thêm bệnh viện dã chiến và chuyển đổi các phòng học và tòa nhà không sử dụng thành các cơ sở cách ly để chăm sóc bệnh nhân có các triệu chứng vừa và nhẹ.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 để ngăn chặn đại dịch. Chương trình tiêm chủng bắt đầu từ tháng 3, cho đến nay, 1,5 triệu người dân đã được tiêm mũi đầu tiên, trong đó 231.000 người đã tiêm đủ hai mũi.
Trước đó, Philippines đã phải phong tỏa vùng đô thị Manila trong hai tuần để ngăn chặn sự gia tăng đột biến mà chính quyền địa phương cho rằng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.
Indonesia đứng thứ 3 châu Á về dự trữ vaccine Covid-19
Trong một diễn biến liên quan, hôm 26/4, 3,85 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đã đến Indonesia thông qua cơ sở COVAX. Indonesia không sản xuất vaccine nhưng lại là quốc gia đứng thứ 3 khu vực châu Á về dự trữ vaccine Covid-19.
Sự xuất hiện của lô vaccine này nằm trong nỗ lực của chính phủ Indonesia thông qua cơ chế đa phương COVAX. Cùng với 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca đã chuyển trong đợt đầu vào tháng 3, Indonesia đã có trong tay 4.965.000 liều vaccine AstraZeneca.
Theo Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi, kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, chính phủ Indonesia đã nỗ lực để có được vaccine đáp ứng nhu cầu trong nước đồng thời đấu tranh để tất cả các quốc gia trên thế giới được tiếp vaccine bình đẳng. Indonesia đang tích cực thảo luận về các vấn đề vaccine trên thế giới và là một trong những đồng chủ tịch của Nhóm tham gia điều phối vaccine của COVAX.
Thời gian gần đây, việc cung ứng vaccine trên thế giới đang bị chậm lại do đại dịch tiếp tục bùng phát. Điều kiện này khiến chính phủ phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn dự trữ vaccine cho người dân Indonesia. Sự kiên trì cũng mang lại kết quả. Không phải là quốc gia sản xuất vaccine, song cho đến nay, Indonesia là quốc gia thứ ba có số lượng vắc xin lớn nhất trong khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến thời điểm hiện tại, thông qua cơ chế song phương và đa phương, Indonesia đã có trong tay 67.564.000 liều vaccine Covid-19. Chương trình tiêm chủng quốc gia của nước này diễn ra từ đầu năm, cho đến nay đã có gần 12 triệu người được tiêm vaccine Covid-19. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181 triệu dân cho đến hết năm để đạt miễn dịch cộng đồng.
Hương Trà
VOV