Thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: SCMP/GETTY IMAGES
Báo South China Morning Post ngày 27-4 đưa tin Trung Quốc đã tổ chức cho truyền thông nước ngoài tới Tân Cương để giải tỏa những nghi ngờ về các chính sách của Bắc Kinh tại đây.
Thời gian qua truyền thông phương Tây đã nhiều lần cáo buộc tình trạng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ đã xảy ra ở khu vực này.
Có khoảng 10 cơ quan truyền thông nước ngoài, trong đó có Hãng tin AP (Mỹ) và Đài TV Tokyo (Nhật Bản), được mời tới Tân Cương. Chuyến đi được tổ chức tuần trước nhưng phải tới ngày 27-4 báo South China Morning Post mới đưa tin.
Theo Hãng tin AP, ông Từ Quý Tương (Xu Gui Xiang), phó lãnh đạo cơ quan tuyên truyền đảng ủy Tân Cương, đã gặp nhóm truyền thông quốc tế ở thành phố Turpan, Tân Cương.
Theo AP, ông Từ nói việc Quốc hội Anh thông qua tuyên bố cáo buộc đã xảy ra "diệt chủng" và "tội ác chống lại loài người" với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương là "hoàn toàn không có căn cứ".
Ông Từ nói thêm "sự ổn định vốn không dễ dàng có được" đã mang tới sự thịnh vượng cho Tân Cương.
Đài TV Tokyo là cơ quan truyền thông duy nhất của Nhật Bản tham gia chuyến đi trên. Phóng viên của họ đã tới một công ty dệt có khoảng 5.000 nhân viên và một khu vực trồng bông.
Công ty dệt nói không có tình trạng "lao động cưỡng bức" và lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng tới việc buôn bán giữa họ với các công ty Mỹ và Nhật Bản.
"Cả chính phủ và nông dân Trung Quốc đều nhấn mạnh về sự tiến bộ của công nghệ tự động hóa và khẳng định không hề có tình trạng lao động cưỡng bức" - báo cáo của Đài TV Tokyo nêu.
Việc Trung Quốc mời truyền thông nước ngoài tới Tân Cương lần này diễn ra trong bối cảnh phương Tây và Trung Quốc gia tăng căng thẳng, gồm các đòn trừng phạt trả đũa qua lại giữa hai bên liên quan vấn đề Tân Cương.
Hồi tháng 1-2019, một nhóm truyền thông nước ngoài, trong đó có Hãng tin Reuters (Anh) và Hãng tin Tass (Nga), cũng đã được mời tới Tân Cương.
Theo báo South China Morning Post, các nhóm nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương.
Truyền thông phương Tây gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị, nhưng phía Trung Quốc nói đây chỉ là những trung tâm đào tạo nghề. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc của phương Tây, nói họ đang thực hiện các biện pháp để chống khủng bố và đào tạo nghề.
TTO - Nhiều công ty đa quốc gia làm ăn ở Trung Quốc đang đứng giữa hai lựa chọn vì vấn đề Tân Cương: hoặc giữ thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, hoặc giữ thị trường Trung Quốc. Ngày càng khó để họ làm hài lòng cả phương Tây và Bắc Kinh.
Xem thêm: mth.9530909082401202-taht-us-neik-gnuhc-gnouc-nat-iot-et-couq-neiv-gnohp-aud-couq-gnurt/nv.ertiout