Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo rằng Philippines có thể phải đối mặt một đợt bùng phát COVID-19 nguy hiểm tương tự như đợt bùng phát đang nhấn chìm Ấn Độ hiện tại, theo báo South China Morning Post.
Diễn biến dịch ở Philippines cũng đang rất đáng ngại. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines thì nước này ghi nhận 7.404 ca nhiễm mới trong ngày 27-4, có giảm so với số kỷ lục 15.310 ca nhiễm ghi nhận ngày 2-4. Số ca nhiễm cả nước đã vượt qua mốc 1 triệu ca, trong đó gần 17.000 người chết.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện công ở TP Quezon, đảo Luzon (Philippines). Ảnh: REUTERS
Tiến sĩ Rodrigo Ong tại tổ chức nghiên cứu độc lập OCTA Research (chuyên đưa ra các dự báo về đà lan của virus) nói tình trạng Philippines lúc này đang giống thời điểm Ấn Độ ghi nhận 10.000 ca nhiễm/ngày khi nhà chức trách New Delhi quyết định dỡ bỏ hạn chế tụ tập đông người vì nghĩ đã kiểm soát được virus.
Tiến sĩ Ong mô tả hệ thống y tế Philippines vào thời điểm ngày 27-4 ở trong tình trạng “cân bằng mong manh” với hơn 80% giường bệnh cả nước đã có bệnh nhân nằm. Ông cảnh báo nếu Philippines nới lỏng thêm các hạn chế kiểm dịch thì sự “cân bằng mong manh” này có thể bị phá vỡ, hệ thống y tế sẽ bị quá tải hoàn toàn.
OCTA Research kêu gọi nhà chức trách Philippines duy trì các hạn chế phòng dịch như phong tỏa để chặn không để số ca nhiễm mới tăng cao thêm nữa, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện và nhân viên y tế.
Bệnh nhân phải nằm điều trị bên ngoài một bệnh viện công ở TP Quezon, đảo Luzon (Philippines), sau khi bệnh viện này thông báo quá tải vào ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Trao đổi với tờ This Week In Asia, Tiến sĩ Anthony Leachon – cựu cố vấn cho đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ và bị sa thải vì công khai chỉ trích cách chính phủ đối phó đại dịch – cho rằng các hạn chế hiện tại có thể không đủ để cắt đà tăng ca nhiễm, trong khi chuyện tiêm ngừa như “viên đạn bọc đường”.
“Thậm chí nếu chúng ta duy trì phong tỏa nghiêm ngặt, khủng hoảng cũng có thể tệ hơn nữa với các biến thể virus” – Tiến sĩ Leachon nói. Ý ông muốn nói đến hàng loạt biến thể COVID-19 xuất phát từ Anh, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, và các nơi khác.
Tổng thống Philippines – ông Rodrigo Duterte nói chính phủ đã mua đủ lượng vaccine để tiêm cho 70 triệu người – được cho là con số cần thiết để nước này có được miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên một lượng lớn sẽ chỉ về đến Philippines vào cuối năm nay là sớm nhất, theo Tiến sĩ Leachon.
Đến thời điểm này chỉ mới 1,7 triệu người Philippines được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, theo lời cựu Bộ trưởng Y tế nước này Manuel Dayrit nói với trang tin Rappler ngày 26-4.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 ở TP Quezon đầu tháng này. Ảnh: REUTERS
Ngoài vấn đề vaccine, Tiến sĩ Leachon cho rằng chính phủ không đàm bảo đủ công tác xét nghiệm, truy nguồn tiếp xúc, hay cách ly người nhiễm.
Ông Leachon chỉ trích Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III đã trì hoãn ra lệnh cấm người đến từ Ấn Độ nhập cảnh (Philippines mới ra thông báo cấm này vào tối 27-4).
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Tiến sĩ Edsel Maurice Salvana từng bày tỏ lo ngại về chuyện giám sát công dân Philippines từ nước ngoài trở về, trong cuộc họp với đội chống dịch của chính phủ ngày 21-4.
Trong khi đó nhiều quan chức chính phủ Philippines bảo vệ cách mình xử lý dịch, nhắc đến tình trạng tệ hơn ở nhiều nước khác.