Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự buổi họp mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt…" ca từ trong ca khúc "Tin tưởng ca" về ước muốn, khát khao đất nước thống nhất, hòa bình của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt vang lên mở đầu cho buổi họp mặt kỷ niệm 46 năm Ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2021) do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 28-4.
Chiến tranh qua đi, đất nước trải qua gần 50 năm hòa bình, thống nhất giang sơn nhưng khát vọng hòa bình vẫn luôn trong tiềm thức của nhiều nhân chứng lịch sử - những người hơn ai hết nếm trải đủ vị đau khổ, đắng cay, bi thương của chiến tranh.
"Vì trẻ em Việt Nam cần tôi"
Anh hùng lao động, GS.TSKH, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A chia sẻ tại buổi họp mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phần chia sẻ của Anh hùng lao động, GS.TSKH, Thầy thuốc nhân dân Trần Đông A tại buổi họp mặt đem lại nhiều cảm xúc và nhận được nhiều tràng vỗ tay từ hội trường. Bác sĩ Trần Đông A là thiếu tá, bác sĩ trong bộ máy chính quyền trước năm 1975.
Hôm nay, sau 46 năm đất nước thống nhất, ông chia sẻ rất vinh dự được phục vụ đất nước sau ngày thống nhất và có đóng góp nhất định.
Xúc động nhớ lại hai ca mổ tách cặp đôi song sinh dính liền Việt - Đức năm 1988 và Trúc Nhi - Diệu Nhi năm 2020, bác sĩ Đông A chia sẻ: "Đó là vinh dự của tôi".
Ông đặc biệt nhắc về ca mổ tách cặp đôi Việt - Đức năm 1988, khi đó thế giới mới chỉ có 6 ca (2 ca sống cả hai bé, 2 ca chết cả hai và 2 ca một sống một chết). Ca mổ diễn ra trong giai đoạn khó khăn vì bị cấm vận, thuốc men thiếu thốn.
Trong kíp mổ chỉ có ông được đào tạo bài bản làm phẫu thuật viên chính, còn lại là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật người lớn. Nhưng ca mổ đã thành công, cả Việt - Đức đều sống, gây tiếng vang trong giới y khoa quốc tế.
Nói về thành quả đó, bác sĩ Trần Đông A nói thế giới đánh giá đó là bài học của cuộc sống về tài năng của kíp mổ, sự can đảm của Đức khi đã 8 tuổi vẫn xin được mổ dù biết nguy hiểm, có thể chết trên bàn mổ. Nhưng quan trọng hơn, đó là sự quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam đã yểm trợ tối đa để thực hiện một ca mổ chưa có tiền lệ trên thế giới.
Khi được hỏi quyết định khước từ sang Mỹ theo diện bảo lãnh cấp thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) để ở lại Việt Nam cống hiến cho sự phát triển của đất nước, bác sĩ Trần Đông An chia sẻ: "Đến giờ tôi phải công nhận việc từ chối sang Mỹ định cư là quyết định khó khăn nhất lúc bấy giờ.
Nhiều người đã nói tôi dại vì với tay nghề của mình, lại được sự bảo lãnh đặc biệt, tôi hoàn toàn có được cuộc sống nhiều người mơ ước ở Mỹ nhưng tôi quyết định ở lại đất nước. Với tôi, đó là quyết định lịch sử, đặc biệt quan trọng của cả cuộc đời".
Sau này khi nhiều người hỏi ông, ông vẫn trả lời: "Vì trẻ em Việt Nam cần tôi, bởi phẫu thuật nhi khoa là chuyên môn của tôi".
Trọng dụng, chiêu mộ trí thức
Mang ra tấm hình trí thức Sài Gòn biểu tình đòi hòa bình trước ngày 30-4 mang theo biểu ngữ "Bảo vệ danh dự dân tộc", ông Kiều Xuân Long - trưởng ban liên lạc Ban Trí vận Sài Gòn Gia Định - chia sẻ, không có sự lãnh đạo của Đảng sẽ không có công tác và sự nghiệp trí vận. Coi trọng nhân sĩ, trí thức là một truyền thống quý báu của Đảng. Cả thế giới ủng hộ Việt Nam cũng có phần lớn đóng góp của nhân sĩ, trí thức.
Nhìn lại hiện nay, ông Long chia sẻ sự sung sướng khi thấy Việt Nam hiện có những trí thức giỏi, trẻ. Nhiều sinh viên, người trẻ khát khao cống hiến, khởi nghiệp. Bởi vậy cần có chính sách tạo điều kiện để sử dụng, trọng dụng, chiêu mộ nhân sĩ, trí thức cho sự phát triển. "Đó là truyền thống quý báu, nói đến Sài Gòn - Gia Định (nay là TP.HCM) mà không nói đến nhân sĩ, trí thức là chưa đủ", ông Long nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Kiểm - chủ tịch Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Văn Kiểm - chủ tịch Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Việt Nam - người được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - xúc động chia sẻ ông là một trong những người có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Sài Gòn ngày 30-4.
Sau ngày thống nhất, khát vọng góp phần xây dựng đất nước phát triển của những người lính đã thôi thúc ông và nhiều đồng chí của ông bước chân vào làm kinh tế.
Dần sau đó, các doanh nhân cựu chiến binh đã liên kết thành lập thành mạng lưới Hội doanh nhân cựu chiến binh khắp 63 tỉnh, thành. Ngoài những hoạt động về kinh tế, những doanh nhân này đã quay lại "trả ơn đời" với nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện cho gia đình chính sách, cựu chiến binh…
Nói sâu hơn về hoạt động từ thiện, ông Kiểm nói mong muốn giáo dục con cái, thế hệ trẻ có tấm lòng tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, không chỉ Việt Nam mà còn các nước bạn Lào, Campuchia.
Và ông gửi gắm đến các bạn trẻ về tấm lòng thiện nguyện: "Các bạn trẻ có đầy đủ kiến thức, đầy đủ điều kiện sống hòa bình, tiếp xúc văn minh khoa học, có năng lực để thực hiện những công việc đền ơn đáp nghĩa cho xứng đáng sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ cho cuộc sống ấm no, hòa bình hôm nay".