Ấn Độ đang nằm trong "tâm bão" của đợt bùng phát Covid-19 với sức tấn công và hủy diệt kinh hoàng hơn bất kỳ những gì người ta từng thấy trước đây, trong hơn 1 năm dịch bệnh hoành hành. Dù đã không còn quá lạ với con virus chết người ấy nữa nhưng dường như hệ thống y tế của Ấn Độ đã không có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước để rồi bị "nhấn chìm" trong cơn sóng dữ tợn. Nó đã "nuốt chửng" con thuyền y tế Ấn Độ và nuốt luôn cả hàng vạn tính mạng của người dân.
Oxy - thứ có sẵn trong không khí giờ đây trở thành thứ "xa xỉ" đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vào được bệnh viện, xin được một chiếc giường để nằm nhưng không mang oxy vào thì cũng xác định khó có cơ hội sống sót!
Mang oxy tới, hoặc đưa cha cô về đi!
5 giờ sáng ngày 24/4, điện thoại di động của Aparna Bansal đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia là giọng của một y tá từ bệnh viện New Delhi, nơi người cha 76 tuổi của cô đang được điều trị Covid-19: "Cô có thể đến đây bây giờ được không?". Người phụ nữ nói giọng thản nhiên mà khiến trái tim Aparna như vỡ vụn thành trăm mảnh: "Khi cô đến nhớ mang theo oxy hoặc đưa bố của cô đi!".
Ảnh minh họa
Chồng của Aparna đã phải xếp hàng lúc 4 giờ sáng mỗi ngày tại một cửa hàng cung cấp oxy ở phía Đông Delhi để mua hai bình oxy đưa đến cho cha mẹ cô đang điều trị ở 2 viện khác nhau. Cả 2 cơ sở này đều không có đủ nguồn cung cấp cho số lượng bệnh nhân đổ về từng giờ.
Aparna chua xót kể: “Tôi bắt đầu có cảm giác hồi hộp mỗi khi nhận được cuộc gọi từ 2 bệnh viện. Cảm giác như tôi đã bỏ bố mẹ mình đi vào cõi chết vậy. Họ liên tục yêu cầu chúng tôi mang theo bình dưỡng khí. Chúng tôi thậm chí không chắc liệu oxy mà chúng tôi mang đến có được sử dụng cho cha mẹ của chúng tôi hay lại bị mang đi một nơi khác. Chúng tôi không thể chuyển chúng đi bất cứ đâu và chúng tôi cũng không thể ở đó mà canh chừng”.
Ấn Độ đã báo cáo hơn 2.000 trường hợp tử vong mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Nó dự kiến sẽ còn tăng cao trong những tuần tới.
Shahid Jameel, một nhà virus học và giám đốc của Trường Khoa học Sinh học Trivedi tại Đại học Ashoka ở New Delhi, cho biết: “Chúng tôi đã có một bức tranh màu hồng rằng đại dịch này đã kết thúc đối với chúng tôi". Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, số lượng người nhiễm bệnh còn "trong tầm kiểm soát". Còn lần này, con gái của bác sĩ Jameel và con rể của ông đã nhiễm bệnh.
“Nó cho bạn biết cường độ của mọi thứ", ông Shahid nói.
Bức tranh về đại dịch ở Ấn Độ đã hoàn toàn khác cách đây 3 tháng, khi nhiều người tin rằng nước này đã đánh bật được Covid-19. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 9 năm 2020, số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu giảm trong đầu năm 2021, tổng cộng dưới 15.000 ca mỗi ngày trong nhiều tuần.
“Các dự đoán đã được đưa ra rằng Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trên thế giới", Thủ tướng Narendra Modi cho biết trong một bài phát biểu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tháng 1 đầu năm nay. “Giờ đây, Ấn Độ nằm trong số những quốc gia đã thành công trong việc cứu sống các công dân của mình”.
Vài tuần sau, Đảng Bharatiya Janata của ông khẳng định trong một nghị quyết rằng Ấn Độ đã “đánh bại Covid-19”, hoan nghênh ông Modi vì “khả năng lãnh đạo nhạy bén, cam kết và có tầm nhìn xa”.
Cuộc sống trở lại bình thường. Đám cưới và tiệc tùng lại tiếp tục. Khẩu trang bị lãng quên, các quy định giãn cách cũng chẳng còn quan trọng. Một mùa bầu cử cấp tiểu bang mới đã mở ra các cuộc mít-tinh lớn và các cuộc diễu hành trên đường phố. Một lễ hội tôn giáo lớn được gọi là Kumbh Mela đã được phép diễn ra, đưa hàng triệu người hành hương theo đạo Hindu đến bờ sông Hằng và gửi đi một thông điệp rằng không có lý do gì để lo lắng về Covid-19.
Đến giữa tháng 3, các ca nhiễm Covid-19 bắt đầu lên cao sau đó tăng tốc với tốc độ ngoạn mục, trở thành một đường thẳng đứng chứ không phải là một đường cong dốc lên. Chính phủ đã phản ứng chậm chạp, ngay cả khi quy mô khủng khiếp của làn sóng thứ 2 trở nên rõ ràng.
Tại Nigam Bodh Ghat ở thủ đô New Delhi, một trong những khu hỏa táng lâu đời nhất và lớn nhất của thành phố bên bờ sông Yamuna, các quan chức phụ trách lò hỏa táng và các công nhân giúp thiêu xác cho biết họ đang phải làm việc cật lực.
Pawan Kumar, một chủ cửa hàng bên ngoài lò hỏa táng, người bán đồ tang lễ cần có trong lễ hỏa táng của người Hindu, cho biết: “Có hơn 300 thi thể đang chờ đợi, họ nằm khắp nơi trong khuôn viên nhà hỏa táng và thậm chí trên các con đường bên ngoài. Những người thân đang rơi nước mắt, kêu gào trong tuyệt vọng để xin 1 chỗ ở các địa điểm hỏa táng khác và có khi họ phải mang thi thể ra những nơi rộng rãi, thoáng đãng như bờ sông để thiêu xác người thân. Chính cảnh tượng đó khiến chúng tôi phát điên lên".
Cuối tuần qua, các bệnh viện đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter về thực trạng kho dự trữ oxy của họ. Trong một bài đăng, một bệnh viện lớn cho biết nguồn cung cấp oxy chỉ còn lại 2 giờ, đồng thời gắn thẻ các quan chức chính phủ cấp cao, bao gồm cả thủ tướng, để được giúp đỡ.
Khi các gia đình đến bệnh viện, thường là có hơn một thành viên đã nhiễm bệnh. Lần này, “sự lây nhiễm đang lan rộng như cháy rừng", Tiến sĩ Chatterjee nói. "Lần này chúng tôi thấy tất cả toàn bộ gia đình".
Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết
Cha của Aparna, ông Ravinder Sehgal, nhận kết quả nhiễm Covid-19 khi Ấn Độ có hơn 260.000 ca nhiễm mới trong 1 ngày. Mẹ của cô, bà Manju Sehgal (67 tuổi), bắt đầu xuất hiện các triệu chứng 2 ngày sau đó và kết quả xét nghiệm cũng dương tính với chủng virus chết người này.
Trong 4 ngày, Aparna (34 tuổi) đã gọi hơn 200 cuộc gọi và đến 20 bệnh viện lớn nhỏ khác nhau, từ bệnh viện công đến tư. Mỗi lần như vậy, cô đều được thông báo còn nhiều người đang xếp hàng chờ nhập viện.
May mắn mỉm cười với Aparna khi một người bạn có mối quan hệ đã xin giúp cô được một chỗ nằm cho cha trong bệnh viện tư nhân, điều đó có nghĩa là Aparna phải lựa chọn xem ai trong cha mẹ cô sẽ được chăm sóc y tế. Aparna quyết định để mẹ nhập viện trước vào sáng ngày 22/4 và để cha ở nhà. Cha cô đã bị gãy chân do bị ngã vài tuần trước và gia đình muốn dành cho ông sự quan tâm cá nhân nhiều nhất có thể, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cô phải đưa thức ăn và thuốc men qua cửa sổ trong phòng nơi ông nằm cách ly.
Không lâu sau khi mẹ Aparna nhập viện, nồng độ oxy của cha cô đã giảm xuống 80, thấp hơn nhiều so với mức bình thường là 95-100. Ông rơi vào hôn mê. Gia đình vội vã đưa ông đến bệnh viện Ram Manohar Lohia gần nhà và được thông báo rằng không có giường.
Đến khoảng 11 giờ đêm, sau khi xem qua các kết quả kiểm tra bao gồm chụp CT, chụp X-quang và xét nghiệm máu, ông được nhập viện tại khoa 17 của bệnh viện.
Tôi không muốn cha mẹ phải chết như vậy
Vào sáng 24/4, quá nhiều xe cấp cứu chờ đợi đã tạo thành một vụ kẹt xe ngay bên ngoài bệnh viện. Một bảng hiệu kỹ thuật số ở phía trước bệnh viện thông báo: Không có giường cho bệnh nhân Covid-19, không có bình oxy và không có giường chăm sóc đặc biệt ICU.
Hàng chục người nằm rải rác trong khuôn viên bệnh viện ở phía trước khu điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, họ đang chật vật để thở. Hàng chục người chờ đợi tin tức của người thân bên trong đã cắm trại bên ngoài bệnh viện, ngồi vạ vật trên ghế đá và cả dưới đất. Một người phụ nữ cùng đứa con nhỏ nằm ngủ trên tấm nhựa trắng dùng một chiếc hộp carton gấp lại làm gối.
Vào lúc 2 giờ chiều, một xác chết được che trong một tấm chăn màu xám nhạt được đưa vào sảnh. 1 giờ sau, 1 thi thể khác được bọc trong một lớp nhựa trắng lại xuất hiện. Các thi thể sau đó được đưa ra xe cấp cứu chờ sẵn.
Bên trong khu phức hợp bệnh viện vào tối 24/4, Aparna ngồi trên một chiếc ghế đá, tay cầm chiếc túi lớn bằng da với một số quần áo, chăn, xà phòng và bàn chải đánh răng. Tối hôm trước, bố cô đã gọi điện nói rằng ông bị lạnh và không có chăn.
Một nhân viên của bệnh viện bước ra khỏi phòng và nói với Aparna rằng tình trạng của cha cô rất nguy kịch sau khi lượng oxy của ông giảm xuống 73. Cô hỏi liệu cô nên liên hệ với bác sĩ nào và người này nói rằng anh ta sẽ gọi cho cô sau để cung cấp thông tin chi tiết.
Sang đến ngày 25/4, tình trạng của cha cô trở nên tồi tệ hơn. Aparna cố gắng để chuyển ông đến phòng chăm sóc đặc biệt ICU.
“Cha gọi điện cho tôi liên tục và bảo tôi đến gặp ông”, cô nói. “Tôi chỉ biết trấn an cha rằng 'Cha đừng sợ. Chúng con luôn ở bên cạnh cha'. Giờ tôi chỉ có một ước muốn là sự đau khổ này chấm dứt ngay lập tức. Tôi không muốn cha mẹ tôi chết như thế”.
Nguồn: WSJ
GIA AN
TRÍ THỨC TRẺ