Ông Phạm Văn Tuân bên nhà đất của gia đình ở 245 Phạm Văn Đồng (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: DUY THANH
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài "Dân thắng kiện, chủ tịch tỉnh đề nghị giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm", nhiều bạn đọc đặt vấn đề bản án phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên ngày 25-12-2020 có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên, nhưng đến ngày 9-3-2021, các bên thua kiện là chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang vẫn chưa thi hành thì có đúng quy định pháp luật không? Việc án tuyên đã có hiệu lực pháp luật, thì chủ tịch UBND tỉnh có được đề nghị cơ quan chức năng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm không?
Về những thắc mắc này của bạn đọc, luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - phân tích:
Luật sư Nguyễn Hồng Hà - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: DUY THANH
Theo ông Hà, nguyên tắc Hiến định là "bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".
Do đó, các trường hợp bản án, quyết định của tòa án về các vụ án hành chính không được thực hiện nghiêm sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước và cũng là nguyên nhân khiến công dân bức xúc, phát sinh đơn thư kiến nghị như vụ "Dân thắng kiện, chủ tịch tỉnh đề nghị giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm".
Luật sư Hà cho biết theo Luật tố tụng hành chính, chủ tịch UBND tỉnh là người bị kiện có quyền đề nghị bằng văn bản với chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao là những người có thẩm quyền kháng nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm có hiệu lực nếu phát hiện kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Loại việc này rất cần sự giám sát của Quốc hội, HĐND, đặc biệt phản ánh khách quan của báo chí nhằm đưa nguyên tắc hiến định bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành, không phân biệt đối xử bất bình đẳng trong tố tụng và thi hành án hành chính” - Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Theo luật, việc hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật phải do người có thẩm quyền kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án mới có quyền yêu cầu hoãn thi hành để xem xét việc kháng nghị.
Thời hạn hoãn không quá 3 tháng hoặc người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
"Vì vậy, việc chủ tịch UBND tỉnh là đương sự có văn bản đề nghị xem xét kháng nghị là quyền, đương sự không thể lấy lý do đã có đơn đề nghị giám đốc để hoãn việc thi hành án. Về nghĩa vụ, chủ tịch UBND tỉnh là người bị kiện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ, nghiêm chỉnh thi hành bản án có hiệu lực" - luật sư Hà khẳng định.
Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, ông Phạm Văn Tuân ở phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, Khánh Hòa) kiện UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định thu hồi đất gia đình ông giao doanh nghiệp thực hiện dự án khách sạn 5 sao, các quyết định bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 không đúng quy định pháp luật.
Sau khi bị TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm tuyên bác đơn, ông Tuân kháng cáo đến cấp phúc thẩm.
Ngày 25-12-2020, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ "khiếu kiện quyết định hành chính về việc giải quyết khiếu nại, quyết định thu hồi, giao đất và bồi thường, hỗ trợ trong lĩnh vực đất đai", tuyên ông thắng kiện.
Sau khi án được tuyên, ông Tuân có đơn gởi các cơ quan chức năng yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, ngày 9-3-2021, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gởi chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy án phúc thẩm.
TTO - Một người dân thắng kiện gửi đơn cho Thủ tướng đề nghị chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện bản án hành chính phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, còn tỉnh đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm.