- Dấu ấn trong 100 ngày nắm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden
- "Kế hoạch việc làm Mỹ" của ông Joe Biden
100 ngày đầy tham vọng
Nhậm chức vào ngày 20-1, sau một cuộc bầu cử đầy sóng gió với nhiều chia rẽ, ông Joe Biden tập trung vào những vấn đề đối nội nhằm hàn gắn nước Mỹ. Nhưng, để thực hiện được kế hoạch đó, trước hết ông Joe Biden cần đối mặt với những thách thức của hiện tại: Vấn đề đại dịch và sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Với mục tiêu khống chế đại dịch trong 100 ngày, ông đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp chỉ trong vài ngày đầu tiên nhậm chức, nhằm áp dụng các biện pháp y tế khẩn cấp. Những quy định bắt buộc về đeo khẩu trang, khai báo y tế, phổ biến vaccine đã được thực hiện mạnh mẽ. Kết quả cho đến lúc này là khá tích cực khi có đến gần nửa dân số Mỹ đã được tiêm vaccine phòng, chống COVID-19. Đại dịch ở Mỹ phần nào được kiểm soát, cuộc sống bình thường đã dần trở lại.
Ngay trong 50 ngày đầu cầm quyền, ông Biden đã giành được thành quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng là yêu cầu lưỡng viện thông qua gói cứu trợ tài chính 1.900 tỷ USD cho chiến lược ứng phó đại dịch COVID-19 của mình.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc được đẩy lên mức rất căng thẳng. |
Gói cứu trợ này nhằm mục đích khắc phục hậu quả xã hội của dịch bệnh, đồng thời giúp nước Mỹ khôi phục tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả tức thì của gói cứu trợ đã đem đến niềm tin cho giới kinh doanh. Dù chưa có những số liệu chính xác về kinh tế Mỹ quý đầu năm nay nhưng các chuyên gia đều tin tưởng rằng nền kinh tế ấy đã phát triển nhanh hơn dự kiến và sẽ đạt mức ngang tầm trước đại dịch COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Cụ thể hơn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP của Mỹ năm nay sẽ đạt 6,4% và vẫn ở mức cao là 3,5% vào năm 2022. Đây đều là những đánh giá lạc quan, bởi trước đó, trong báo cáo đầu năm 2021, IMF chỉ đưa ra mức dự báo 5% cho năm nay. Rõ ràng, đó là một thành công lớn của ông Biden khi thuyết phục được các nghị sĩ của cả hai đảng ủng hộ gói cứu trợ kỷ lục này.
Trong một nỗ lực khác, ông Biden cũng đã đề xuất kế hoạch trị giá 2.300 tỷ USD để tái thiết mạng lưới cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Mỹ và để giải quyết tốt hơn bài toán biến đổi khí hậu. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói phát triển hạ tầng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường lao động cũng như cả nền kinh tế trong trung và dài hạn. Những bước đi táo bạo ấy giúp ông nhận được rất nhiều ngợi khen từ các chuyên gia kinh tế. Trong khi đó, những nhà phân tích chính trị cũng khẳng định những nỗ lực này của ông sẽ giúp khôi phục sức mạnh của nước Mỹ, vốn đã bị lung lay nghiêm trọng dưới thời ông Trump trước đó.
Với nỗ lực đảo ngược chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Biden liên tiếp tiến hành những cuộc gặp với các đối tác, đồng minh, nối lại những mối liên kết cũ từng rạn gãy với EU hay Nhật Bản, đồng thời gia cố những liên minh mới trong khuôn khổ "Bộ tứ kim cương". Sự ủng hộ của các đồng minh đang tạo thêm sức mạnh mới. Nước Mỹ đã không còn cô đơn trong những “cuộc chiến” của mình.
Ông Biden rất chủ động trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về nhiều vấn đề, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Trung Quốc và Nga đều xác nhận tham gia cuộc "Thượng đỉnh khí hậu" do ông chủ trì vào ngày 22-4, tức chỉ 1 tuần trước lễ kỷ niệm 100 ngày nhậm chức của ông. Cùng với đó, nước Mỹ đã tham gia hoạt động trở lại trong khuôn khổ Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhóm G7.
Việc quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan của ông dù bị giới quân sự Mỹ phản đối nhưng lại nhận được sự ủng hộ lớn trong dư luận Mỹ. Chính những quyết định chính trị khôn ngoan và quyết đoán này mà ông đang được đánh giá là có một khởi đầu tương đối ấn tượng trong 100 ngày đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ của mình. Trong khoảng thời gian đó, số sắc lệnh được ông ký ra là nhiều nhất trong lịch sử. Một quãng thời gian thực sự bận rộn với vị tổng thống thứ 46 của quốc gia này.
Có thể trong 100 ngày ngắn ngủi, những chính sách kể trên chưa phát huy được hết giá trị nhưng nó đã cho thấy nỗ lực rất lớn của vị tân tổng thống để tạo dấu ấn trong cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề nằm trong cương lĩnh tranh cử của ông, vì thế nó không quá bất ngờ mà mới chỉ thể hiện được rằng nhà lãnh đạo của nước Mỹ tôn trọng những cam kết với các cử tri.
Những thách thức
Dĩ nhiên, đại dịch COVID-19 và sức khỏe nền kinh tế vẫn là những vấn đề trọng tâm trong chính sách của ông Biden trong cả nhiệm kỳ này. Việc có đưa được nước Mỹ thoát ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng hay không cần thời gian dài mới trả lời được. Những gói cứu trợ khổng lồ cũng sẽ đem đến gánh nặng ngân sách không hề nhỏ và câu hỏi dĩ nhiên là: tiền sẽ từ đâu ra? Đằng sau những gói cứu trợ đó hoàn toàn có thể là những khoản thuế mới được gia tăng trong thời gian tới.
Số sắc lệnh ban hành trong 3 tháng qua của ông Joe Biden đã lập kỷ lục đối với một vị Tổng thống Mỹ. |
Trong khi đó, những vấn đề nhập cư, bất bình đẳng sẽ sớm lộ diện khi đại dịch dần tan đi. Khi mà cuộc sống quay trở lại bình thường, những nhóm chống đối chính quyền của ông Biden sẽ lại có cơ hội hoạt động trở lại. Đó mới là những thách thức đối nội lớn nhất với vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Nhưng, có lẽ điều đang khiến ông Biden đau đầu nhất lúc này lại là những diễn biến mới trên bàn cờ chính trị thế giới. Chỉ trong vài tháng qua, những động thái từ những "đối thủ" đang khiến cho nước Mỹ phải căng mình ra trên nhiều mặt trận. Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời "nắn gân" chính quyền Đài Loan, một đồng minh quan trọng của Mỹ. Nước Nga thì không ngừng gia tăng lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine tạo sức ép cho cả châu Âu. Cuộc đụng độ nảy lửa về ngôn từ giữa quan chức ngoại giao Nga và Trung Quốc với Mỹ trong thời gian gần đây cho thấy họ không hề có ý định nhường bước trước tham vọng của ông Biden.
Trong khi đó Triều Tiên bất ngờ phóng 2 tên lửa dẫn đường hôm 25-3, còn Iran thì "nhẹ nhàng" nâng mức làm giàu urani lên 60% như để nhắc nước Mỹ rằng đừng quên sự hiện diện của họ. Cùng với đó là cuộc đảo chính ở Myanmar, nơi chính quyền vốn được Mỹ ủng hộ bị lật đổ, để rồi bạo loạn diễn ra mà những lệnh trừng phạt tỏ ra không có tác dụng.
Sự bất ổn của thế giới trong vòng 3 tháng qua được nhìn nhận rơi vào đúng giai đoạn chuyển giao không chỉ của nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Nói cách khác, thế giới đã trở nên "nguy hiểm" hơn sau 3 tháng ông Biden lên nắm quyền. Sẽ phải ứng biến với những nguy hiểm này ra sao và phải làm gì để tiếp tục giữ vững vị thế số 1 của nước Mỹ bất chấp những biến động ngoài mong muốn của mình?
Đó cũng chính là những thử thách lớn đối với vị tổng thống nhiều tham vọng trong hơn 1.000 ngày làm việc tiếp theo!Tử Uyên
Xem thêm: /628836-nediB-eoJ-gno-auc-yagn-001/tav-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna