Hướng tới những bài học giáo dục đạo lý, lấy nhân vật làm nền móng dân gian đã xây những tòa lâu đài ước mơ bằng ngôn ngữ, mà ai bước vào đó cũng được hưởng cái ấm áp của khát vọng muôn đời: Cái tốt, cái thiện sẽ sống mãi; cái ác sẽ bị tiêu diệt và nguyền rủa.
Đã là nền móng thì phải vững chãi, không thay đổi, nên nhân vật luôn “nhất phiến” hoặc tốt hoặc xấu. Nên đừng bắt chúng phải có “quá trình phát triển tính cách” như nhân vật hiện đại sau này(!?).
Một ông vua Trang Vương (“Phạm Tải – Ngọc Hoa”) tham lam đã có hàng trăm cung tần mỹ nữ mà vẫn thèm khát Ngọc Hoa, tìm mọi thủ đoạn để có nàng. Sau này khi bị Diêm Vương vạch tội đưa vào vạc dầu, Trang Vương “biện luận”: “Sắc tuy chẳng có phong ba/ Làm sao mà đuối người ta bây giờ”. Không phải ông ta “sắc sảo” (như có người nhận xét) đâu. Đấy là người nông dân tự ca ngợi họ: Tuy phận nghèo hèn nhưng chúng tôi cũng có những “tuyệt sắc” để vua quan các người thèm…!
Một cảnh trong phim hoạt hình “Thạch Sanh và Lý Thông”! |
Không chỉ một vua độc ác mà có nhiều vua ở nhiều nước. Chàng Phạm Công (“Phạm Công – Cúc Hoa”) tài năng đỗ trạng liền bị vua ép gả công chúa. Chàng không chịu, vua tức giận đày sang nước Hung Nô. Ở đây chàng cũng đỗ trạng và lại bị vua ép lấy công chúa. Phải chăng dân gian muốn nói trên đời này có nhiều kẻ ác lắm, ở đâu có vua là ở đấy có kẻ ác, chính vua là kẻ ác nhất.
Phạm Công từ chối làm phò mã vì chàng muốn thuỷ chung với vợ. Nhưng vua thì là hiện thân của một con quỷ: “Vội vàng thét mắng đùng đùng/ Truyền quân trị tội Phạm Công chớ chày/ Quân vâng hiệu lệnh chặt tay/ Khoét hai con mắt, rút mày, xé tai…”.
Thì ra có những kẻ ngồi trên ngai vàng nhưng lòng dạ lại là quỷ sứ. Nhưng có những người xuất thân hèn mọn vất vưởng phận ăn mày lại có một tâm hồn vàng ròng của lòng trung nghĩa, tín nghĩa. Đấy chẳng phải là quan niệm rạch ròi, khinh ghét cái ác, cái xấu và tự hào, yêu quý cái tốt, cái nghĩa, cái tình của những người bình dân đó sao?
Một nét thi pháp của nhân vật trong truyện Nôm là luôn hành động nhanh gọn, dứt khoát, luôn trong hoàn cảnh “vội vàng”. Với các nhân vật phản diện lại càng thế.
Vua Hung Nô trong “Phạm Công - Cúc Hoa” thì “Vua bèn nổi giận quát ngay” rồi “vội vàng thét mắng đùng đùng”. Nhân vật Lý Thông trong “Thạch Sanh” cũng luôn sống trong chức năng cơ giới, có tiếng cười tiếng nói nhưng là của ai đấy, không phải của nó: “Lý Thông cười nói tưng bừng/ Chuyện trò bả lả ra chừng vui tươi”.
Nhất là khi cúng, khi thề nhân vật càng rõ ra cái giả: “Lý Thông vào điện phàn nàn/ Quỳ quỳ bái bái vội vàng một khi…”. Mục đích “khấn” của Lý Thông rất quan trọng là nhờ thần linh tiên tổ giúp công chúa đang câm nói được, nếu thành công hắn sẽ được thưởng công trạng lớn. Thế mà hắn ta lại “phàn nàn”, hành động cũng thật thất lễ chẳng có gì cung kính thần linh cả: “Quỳ quỳ bái bái vội vàng một khi”… Đó là chủ ý của tác giả dân gian: chúng nó là đồ vật, bị vật hoá rồi, không phải người!
Nhân vật Tào thị trong “Phạm Công – Cúc Hoa” cũng thề nhưng mà lời thề ráo hoảnh chẳng có gì thành thật trong không gian tâm linh thiêng liêng cả: “Vái cùng hậu thổ hoàng thiên/ Ai ở chẳng hiền, thiên địa chứng tri/ Phu thê hoặc có điều gì/ Dưới thì Phật điện, trên kia Ngọc Hoàng”.
Rồi một nhân vật nữ trong “Tống Trân – Cúc Hoa” ngoại tình giết chồng nên: “Gái ấy quỳ xuống khóc chồng/ Khóc ra trăm tiếng như lòng thương ai/ Tiếng khóc như bông hoa nhài/ Chỉ thấy chiều dài, chẳng thấy chiều thương”. Tiếng khóc được vật chất hóa để hình dung rõ hơn tiếng khóc vô hồn, vô cảm, khô khốc!
Những ví dụ này chứng minh thêm truyện Nôm không quan tâm tới nội tâm nhân vật, việc miêu tả hành động chỉ nhằm góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của cốt truyện mà thôi!
Bìa cuốn truyện tranh Tống Trân – Cúc Hoa. |
Luôn khuôn trong một công thức, nhân vật truyện Nôm là chính nó, là đại diện cho một nét tính cách nào đó. Vì phục vụ cho mục đích kể, trình diễn nên dân gian không thể và cũng không cần quan tâm tới lôgic tính cách hay tâm lý như trong truyện Nôm bác học. Những hình tượng nhân vật xấu xa, độc ác là rất tiêu biểu cho tính đóng khung của cấu trúc truyện Nôm.
Một nhân vật xấu thì cái gì cũng xấu, như một tên Tào trung uý trong “Truyện Phương Hoa”: “Tính thì bạo ngược gian hung”, không có tình cảm, không cần tính toán, cân nhắc: “Họ Tào nghe nói nguồn cơn/ Sầm sầm nét mắt, nhơn nhơn tấc lòng”. Hay một “Lư Kỷ tướng công” trong “Nhị Độ Mai” được miêu tả theo nguyên tắc dồn tụ với một ngoại hình “bất hảo” theo quan niệm dân gian: “Lư công nghe nói ngang tàng/ Mắt sòng sọc khoé, mặt sường sượng gân”!
Một Trưởng giả trong “Tống Trân – Cúc Hoa” giàu có nhưng vô cảm, không tâm hồn, không tình thương, hầu như không có chút gì là trắc ẩn của con người bình thường. Thấy con gái mình thuộc diện “lá ngọc cành vàng” lại đi si mê đứa ăn mày ông ta liền nổi giận mà rằng: “Con nay mộ đứa ăn mày/ Thôi thôi cũng gả cho mày tiếc chi”.
Khi con gái (Cúc Hoa) lấy chồng nhà nghèo về xin cha mẹ giúp đỡ con rể đi thi (để làm quan), ông ta “cạn tàu ráo máng”: “Bạc vàng cũng mặc, võng điều cũng thây”. Nhưng khi con rể (Tống Trân) đỗ trạng thì lại xun xoe, nịnh bợ, có ý kể công: “Xưa kia cha chẳng trái tình/ Cho nên con được hiển vinh muôn phần”. Thật tráo trở hết chỗ nói, đến mức con gái (Cúc Hoa) đã nhận xét về người cha vô liêm sỉ này: “Cha sao chẳng sợ quỷ thần xét soi!”.
Nhằm đẩy câu chuyện đi nhanh nên tính cách nhân vật truyện Nôm luôn được tô đậm để hình tượng rõ nét hơn. Có thể rất nhiều các sự kiện, chi tiết xảy ra dồn dập nhưng nhân vật hầu như không thay đổi.
Trong truyện “Tống Trân – Cúc Hoa” nhân vật Trưởng giả còn làm nhiều điều ác như khi Tống Trân (con rể) đi xa hắn bèn gả con gái (Cúc Hoa) cho người khác với “lập luận”: “Dại gì chầu chực mười đông/ Tội gì nuôi lấy mẹ không cho người”. Hắn còn bắt mẹ Tống Trân (tức thông gia) vào ở trong chuồng trâu: “Mẹ chồng cũng bắt hãm vào chuồng trâu”… Trong các truyện Nôm “Thạch Sanh”, “Tấm Cám” quen thuộc các nhân vật ác trước sau đều độc ác đến cùng như thế.
Cảm hứng châm biếm của truyện “Phạm Công – Cúc Hoa” là vạch trần bụng dạ độc ác, trơ tráo, trắng trợn của nhân vật Tào thị. Cúc Hoa chết, Phạm Công lấy Tào thị làm vợ hai.
Chuyện “trăm năm tính cuộc vuông tròn” này không phải là không có sự chọn lựa kỹ càng, người dương thế chọn đã đành, thậm chí cả người âm cũng chọn (tức Cúc Hoa chọn. Mà Cúc Hoa chọn thì “chắc chắn” bởi nàng chọn để gửi gắm người sẽ nuôi hai con đẻ cho mình).
Đó là người: “Có người dòng dõi lễ thi/ Tên là Tào thị dung nghi dịu dàng/ Khen thay đáng giá ngàn vàng/ Gặp cơn gia biến nhỡ nhàng hồng nhan”. Nhưng khi chồng đi xa, Tào thị liền “dở chứng”: “Trạng nguyên trấn thủ phương xa/ Ông chưa ăn chả, bà đà ăn nem”.
Với con chồng, Tào thị tìm đủ mọi cách hành hạ, mà so sánh cái sự tàn nhẫn thì cũng không kém nhân vật mẹ Cám (cùng môtip mẹ ghẻ con chồng) trong truyện “Tấm Cám”. Nhưng chính Tào thị lại mỉa mai con chồng: “Hổ mang lại giống hổ mang/ Nó giống mẹ nó là nàng Cúc Hoa”. Bắt con chồng đi chăn ngỗng, chăn vịt nhưng khi chồng về thì dựng chuyện ngược lại: “Thiếp cho đi học phương xa/ Nó lại về nhà chăn ngỗng chăn trâu”.
Ngoại tình đã đến kỳ “khai hoa”, khi chồng hỏi thì là lý do nhớ chồng: “Khác nào như hạn mong rào/ Cho nên tóc liễu xanh xao võ vàng”. Khi chồng mát mẻ: “Hỏi: sao nàng đứng, một người hoá hai”, Tào thị trắng trợn: “Nàng rằng anh ở đường xa/ Bay hồn về nhà ân ái cùng em!”. Thì đúng là miệng lưỡi của quỷ…!!!
Trở lại vấn đề, đã chọn lựa kỹ càng thế sao vẫn gặp con người Tào thị ác độc như vậy? Ngoài phục vụ cho nhu cầu cốt truyện, có thể đây là sự cố tình mà dân gian đưa ra một bài học cho người đời: Việc chọn lựa chuyện trăm năm là vô cùng khó khăn, càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, cố tìm, cố dò cho đến “ngọn nguồn lạch sông” bao nhiêu cũng không thừa. Cũng có thể đó là một lý giải “duyên số”, “cái số” trong hôn nhân của người xưa “phải gặp” vậy!
Tào thị là nhân vật hiếm hoi không tuân theo nguyên tắc thống nhất ngoại hình và nội tâm, với xuất thân tử tế “dòng dõi lễ thi”, có sắc đẹp “hồng nhan”, được dư luận đánh giá cao “Khen thay đáng giá ngàn vàng” mà bụng dạ thì xấu xa chứng tỏ một sự “phức tạp” đã bắt đầu xuất hiện dần dần phá vỡ khuôn mẫu thể loại để chuyển sang hình thức kể chuyện mới hiện đại hơn.
Nguyễn Thanh TúXem thêm: /903836-moN-neyurt-auc-nab-oc-pahp-iht-teN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv