Ngày 28-4, Ấn Độ tiếp tục trải qua ngày thứ sáu liên tiếp có số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc 300.000 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 18 triệu với hơn 200.000 người tử vong. Lực lượng y tế nước này vẫn đang nỗ lực điều trị các bệnh nhân đang nằm viện nhưng không thể tiếp nhận thêm người mới do hàng loạt bệnh viện quá tải, thiếu giường bệnh và nguồn cung cấp ôxy.
Cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ
Trong bối cảnh Ấn Độ đang vật lộn trong một cuộc chiến đầy cam go như vậy, nhiều quốc gia và tổ chức thời gian gần đây đã liên tục viện trợ y tế khẩn cấp cho nước này để chia sẻ một phần gánh nặng. Gần đây nhất, tờ The Korea Herald đưa tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28-4 đã quyết định hỗ trợ nhân đạo vật tư phòng dịch cho Ấn Độ trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị song phương lâu năm. Hiện chưa rõ Seoul sẽ hỗ trợ bao nhiêu thiết bị y tế cho New Delhi nhưng nhiều khả năng cũng sẽ là các trang thiết bị thường dùng như máy thở, bộ xét nghiệm và máy tạo ôxy.
Trong khi đó, lô hàng đầu tiên gồm 100 máy thở và 95 máy tạo ôxy Anh cam kết viện trợ với Ấn Độ tuần trước đã được vận chuyển thành công tới thủ đô New Delhi trong ngày 27-4 và được đưa vào nghiệm thu ngay lập tức, theo hãng tin AFP. Các lô còn lại gồm 495 máy tạo ôxy và 140 máy thở các loại sẽ tiếp tục được gửi đi trong tuần này. Một số nước châu Âu khác là Pháp, Đức và Ireland mới đây cũng cho biết đã lên kế hoạch chuẩn bị đồ viện trợ gửi đi cho Ấn Độ trong tuần này.
Về phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát ngôn viên Tarik Jasarevic trong cuộc họp báo ngày 27-4 cho biết tổ chức này đang chuẩn bị viện trợ cho Ấn Độ 4.000 máy tạo ôxy giúp New Delhi vượt qua khủng hoảng. Ngoài ra, khoảng 2.600 chuyên gia của WHO trong một loạt chương trình chuyên môn khác nhau sẽ được tái triển khai nhằm giúp hệ thống y tế Ấn Độ đương đầu với đại dịch.
Lô hàng viện trợ y tế của Anh cho Ấn Độ đang được tháo dỡ tại một sân bay ở thủ đô New Delhi vào ngày 27-4. Ảnh: AFP
Tờ The Guardian cho hay trái ngược với tình cảnh thiếu thuốc men và vaccine hiện nay, Ấn Độ hiện lại là nước có ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đứng thứ ba trên toàn cầu về sản lượng và đứng thứ 10 về tổng giá trị. Tổng quy mô toàn ngành ước tính khoảng 43 tỉ USD trong giai đoạn 2019-2020 và mục tiêu đạt 55 tỉ USD vào năm 2022. |
Một ngày trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chia sẻ ông rất “đau lòng” trước tình hình ở Ấn Độ và cho biết sẽ làm mọi thứ, bao gồm gửi vật tư y tế và chuyên gia sang nước này để hỗ trợ.
Về phía Mỹ, Nhà Trắng mới đây đã thông báo sẽ chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine của hãng dược AstraZeneca (Anh) cho thế giới. 10 triệu liều đầu tiên sẽ được gửi đi trong vài tuần tới, 50 triệu liều vaccine còn lại vẫn đang được sản xuất và sẽ được gửi đi vào tháng 5 và tháng 6. Theo hãng tin Reuters, giới lãnh đạo Ấn Độ nhiều ngày qua đã tiến hành đàm phán với Mỹ với hy vọng được viện trợ một lượng lớn số liều vaccine mà Mỹ chuẩn bị chia sẻ. Trong khi đó, Reuters dẫn lời hai quan chức Ấn Độ giấu tên chia sẻ Thủ tướng Narendra Modi đã điện đàm với Tổng thống Joe Biden để thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng nâng viện trợ vaccine cho Ấn Độ lên khoảng 35% tổng số vaccine nói trên.
Ngoài viện trợ vaccine, ông Biden vài ngày trước đã nhiều lần tuyên bố trên trang Twitter chính thức rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ những vật tư và thuốc men cần thiết để hỗ trợ Ấn Độ chống dịch. Ông nhấn mạnh Ấn Độ trong đợt dịch đầu tiên đã hỗ trợ cho Mỹ rất nhiều và giờ là lúc Mỹ báo đáp lại.
Lối thoát nào cho Ấn Độ khỏi thảm kịch?
Theo đài CNN, giới chuyên gia nhận định để có cơ hội vượt lên khỏi đợt dịch lần này, chính quyền Ấn Độ phải nhanh chóng tăng cường đáng kể năng lực sản xuất vaccine và đẩy nhanh tốc độ triển khai tiêm chủng đại trà - mục đích chính là gấp rút tăng tỉ lệ kháng thể trong xã hội để hình thành miễn dịch cộng đồng.
Theo tờ The Guardian, nhiệm vụ cung cấp vaccine ở Ấn Độ chủ yếu thuộc về Viện Huyết thanh Ấn Độ. Cơ sở này cũng có hợp đồng cung cấp dây chuyền sản xuất cho phần lớn lượng vaccine AstraZeneca đang được sử dụng toàn cầu. Tuy nhiên, viện này hiện đang gặp khó khăn trong sản xuất đủ vaccine cho nhu cầu ngày càng tăng cao trong nước, do năng suất sản xuất chỉ đạt đủ 70 triệu liều mỗi tháng - trong khi dân số Ấn Độ lên tới hơn 1,3 tỉ người.
Tuần trước, chính phủ Ấn Độ phê duyệt khoản tài trợ 400 triệu USD cho cơ sở nhằm thúc đẩy sản lượng lên 100 triệu liều vào cuối tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu cải thiện. Tại những bang bị dịch nặng nhất như Rajasthan, Punjab, Jharkhand và Chhattisgarh, chính quyền địa phương cho biết họ thiếu hoặc hoàn toàn không có vaccine tiêm hằng ngày. Cả bốn bang này đều đã đặt hàng vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ từ đầu tháng 4 nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được câu trả lời là thời gian sớm nhất mà viện có thể bàn giao vaccine là từ ngày 16-5.
“Không thể hết dịch nếu không có vaccine, nhưng hiện tại chẳng có cách nào để tiêm chủng cả vì vaccine không được gửi xuống. Tình hình hiện tại ở chỗ chúng tôi rất nghiêm trọng. Người dân cứ liên tục hỏi chúng tôi là khi nào có vaccine nhưng chúng tôi không biết phải trả lời họ thế nào” - Giám đốc Y tế bang Punjab - ông Balbir Singh Sidhu chia sẻ.
COVID-19: Philippines có nguy cơ như Ấn Độ Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo rằng Philippines có thể phải đối mặt một đợt bùng phát COVID-19 nguy hiểm tương tự như đợt bùng phát đang nhấn chìm Ấn Độ hiện tại, theo tờ South China Morning Post. Cụ thể, tình hình dịch ở Philippines đang diễn biến rất đáng ngại. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines thì nước này ghi nhận 7.404 ca nhiễm mới trong ngày 27-4, có giảm so với con số kỷ lục 15.310 ca nhiễm ghi nhận ngày 2-4. Số ca nhiễm cả nước đã vượt qua mốc 1 triệu ca, trong đó gần 17.000 người chết. TS Rodrigo Ong thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập OCTA Research (chuyên đưa ra các dự báo về đà lan của virus) nhận định tình trạng Philippines lúc này đang giống thời điểm Ấn Độ ghi nhận 10.000 ca nhiễm/ngày khi nhà chức trách New Delhi quyết định dỡ bỏ hạn chế tụ tập đông người vì nghĩ đã kiểm soát được virus. Ông Ong mô tả hệ thống y tế Philippines vào thời điểm ngày 27-4 ở trong tình trạng “cân bằng mong manh” với hơn 80% giường bệnh cả nước đầy kín bệnh nhân. Ông cảnh báo nếu Philippines nới lỏng thêm các hạn chế kiểm dịch thì sự “cân bằng mong manh” này có thể bị phá vỡ, hệ thống y tế sẽ bị quá tải hoàn toàn. Do đó, chính quyền Manila được khuyến cáo duy trì các hạn chế phòng dịch như phong tỏa để chặn không để số ca nhiễm mới tăng cao thêm nữa, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện và nhân viên y tế. |