Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã từng nói tiền ảo chỉ là đánh bạc và đừng nhầm lẫn nó với đầu tư, tuy nhiên chẳng ai quan tâm khi hàng ngày nghe được những thông tin về anh em, họ hàng hay ai đó trúng "mánh" khi mua Bitcoin và giàu to.
"Tiền số về cơ bản chẳng có giá trị gì và chúng chẳng tạo nên cái gì hết...Chúng chẳng sản xuất ra giá trị gì cả, tất cả những gì bạn làm là mua vào rồi hy vọng kẻ khờ nào đó sẽ đến sau và mua với giá cao hơn bạn đã trả. Thế rồi kẻ đến sau đó lại mong chờ kẻ khờ tiếp theo y như bạn vậy. Nếu xét về giá trị thực tại, tiền ảo là vô dụng", tỷ phú Warren Buffett nói.
Vậy nhưng chẳng ai thèm quan tâm, khi tỷ phú Elon Musk tung hô Bitcoin, nhiều người đã đổ tiền vào đây với niềm tin mình sẽ giàu như những người từng chơi tiền số. Thế rồi mới đây hãng Tesla của Musk công bố khoản lãi 101 triệu USD từ bán Bitcoin ngay trước khi đồng tiền này có phiên rớt giá mạnh.
Lời lãi là vậy nhưng chẳng mấy ai hỏi số tiền đến từ đâu, phải chăng từ vì những kẻ khờ nghe theo lời tỷ phú Elon Musk rót tiền vào thị trường rồi mất trắng. Câu chuyện cũng tương tự như những người giàu có nhờ Bitcoin, chẳng ai hỏi số tiền của họ thực chất từ đâu ra khi tiền số chẳng có tác dụng gì trong nền kinh tế, bởi ai cũng hiểu đây thực chất là trò cờ bạc và người thắng lấy tiền của kẻ khờ.
Vậy tại sao đã bị cảnh báo, đã có những minh chứng rằng Bitcoin vô dụng nhưng nhiều người vẫn đổ tiền vào đây, vẫn tung hô về "sự duy nhất", "khả năng giao dịch xuyên biên giới", "tốc độ thanh toán nhanh"...?
Câu trả lời rất đơn giản, nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến con người ta bị thôi thúc khi chứng kiến người khác giàu nhanh nhờ tiền số mà bỏ qua vô vàn những kẻ khờ mất tiền vào đây. Thế rồi khi đã chi tiền, họ phải tung hô, phải nhấn mạnh những ưu điểm của tiền số để chứng minh rằng mình đúng, để có thêm kẻ khờ vào thị trường bởi nếu không còn ai công nhận, Bitcoin chỉ là thứ vô dụng cho nền kinh tế.
Tham lam có là tội lỗi?
Trên thực tế nhà đầu tư Warren Buffett từng nói chẳng có gì sai khi một người muốn đầu cơ hay đánh bạc tài sản của mình vào một cơ hội làm giàu. Tham lam là động lực để phát triển nền kinh tế và thúc đẩy tiến trình đi lên của nhân loại. Thế nhưng cần rõ ràng giữa đầu tư với đánh bạc và tránh để trở thành kẻ khờ.
Một sự thật rõ ràng là hầu hết những người bỏ tiền vào tiền số đều có kiến thức nhất định về tài chính hay công nghệ. Ít ra thì họ cũng đã từng chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản hoặc tìm hiểu kỹ càng về tiền số.
Do đó, hiển nhiên là ai cũng hiểu tiền ảo có độ rủi ro cao hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác. Sự rủi ro này thường được che giấu bằng lợi nhuận cao, bằng sự bào chữa về các lợi ích của tiền ảo trong nền kinh tế, nhưng ai cũng hiểu rằng thứ giúp Bitcoin trụ vững chỉ là NIỀM TIN.
Nếu Elon Musk thừa nhận Bitcoin vô dụng, nếu chính phủ cấm lưu hành tiền số, nếu người tiêu dùng thờ ơ với thị trường này thì chẳng có gì giữ được giá trị cho chúng.
Với vàng, dù có bị thất sủng thì 75% sản lượng khai thác vẫn được dùng cho đồ trang sức và 5% cho sản xuất thiết bị điện tử. Với bất động sản thì nhà đầu tư vẫn có thể xây nhà, cho thuê hoặc trồng trọt. Với chứng khoán thì vẫn còn lợi tức hàng năm. Với Bitcoin thì bạn còn gì?
Tất nhiên những luận điệu về sự đầu tư dài hạn, rằng Bitcoin chỉ có hạn (21 triệu) và sẽ không mất giá, tương tự như lịch sử đã chứng minh bong bóng này chưa bao giờ thực sự vỡ. Theo lý thuyết nếu số lượng là có hạn thì Bitcoin sẽ chỉ giảm phát, tức là tăng giá liên tục để trở thành sản phẩm đầu cơ, nhưng thật không may Bitcoin lại chẳng phải đồng tiền số duy nhất.
Trên thực tế Bitcoin có tính duy nhất nhưng vấn đề là các nhóm lập trình khác cũng có thể tạo ra các đồng tiền ảo tương tự, thậm chí còn tốt hơn.
Hiện Trung Quốc đã phát hành thử nghiệm tiền số do chính phủ phát triển trong khi nhiều nước cũng dần ứng dụng công nghệ Blockchain vào nền kinh tế. Dần dần mọi người đã nghiên cứu Bitcoin và tìm cách khắc phục những điểm yếu của nó.
Hệ quả là nếu như trong vài năm nữa có hàng trăm đồng tiền ảo giống hoặc tốt hơn Bitcoin xuất hiện, thì đồng tiền này sẽ không còn là công cụ đầu cơ ưa thích nữa. Thật vậy, thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền số đã giảm từ 2/3 xuống chỉ còn ½ khi đồng Ether mới bành trướng đến 14%, cho thấy sức hút của Bitcoin đang bị xói mòn.
Với tình hình trên, liệu bạn có cho rằng trong tương lai xã hội sẽ chấp nhận một đồng tiền số biến động giá 5% mỗi ngày, 20% mỗi tháng làm công cụ giao dịch, tích trữ tài sản?
Từ ý tưởng thiên tài thành công cụ đánh bạc
Quay ngược dòng lịch sử, sách trắng của nhà sáng lập Bitcoin, Satoshi Nakamoto được đưa lên mạng năm 2008 cho thấy mục tiêu ban đầu của ý tưởng không phải là tạo ra một hệ thống tiền tệ mới thay thế các hệ thống tiền tệ truyền thống như nhiều người chơi tiền số vẫn hay ca tụng.
Thực tế là Satoshi chỉ muốn tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ và không cần đến các định chế tài chính can thiệp vào, hướng đến các giao dịch online có giá trị nhỏ. Việc chuyển tiền giữa các nước hay giữa các ngân hàng khá tốn kém bởi bên thứ 3 như ngân hàng, hãng tín dụng (Visa, Master Card, American Express…), công ty chuyển tiền (Western Union...) đều tính phí cao và mất nhiều thời gian.
Ý tưởng của Satoshi làm cho mức phí này giảm về mức tối thiểu hay thậm chí miễn phí với thời gian chuyển tiền nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, trên nguyên tắc nếu triển khai thành công thì nó là một sự đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.
Rõ ràng, ban đầu Satoshi không định tạo ra một loại tiền mới bởi ý tưởng này có thể vận hành với một loại tiền có sẵn như đồng USD. Tuy nhiên do hoàn cảnh, Satoshi đã phải xây dựng nên Bitcoin để rồi chúng trở thành công cụ đầu cơ đánh bạc như hiện nay
Thậm chí mục đích khởi nguyên của Satoshi là xóa bỏ bên thứ 3, tiết kiệm chi phí giao dịch tốn kém cũng đã bị vi phạm khi Bitcoin vẫn cần bên kiểm chứng người mua-bán để tránh lừa đảo. Điều này chẳng khác nào một cú tát cho ý tưởng ban đầu của Satoshi cũng như là một trong những nguyên nhân chính khiến Bitcoin chẳng thể thay thế được tiền truyền thống.
Huyền Băng-Tổng hợp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị