Bất kể ngày hay đêm, lực lượng tuần tra biên giới Tây Nam bộ đang phải căng mình chống dịch Covid-19, gian lận thương mại. Trước việc tuần tra liên tục của lực lượng tại tuyến biên giới, các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi phương thức hoạt động. Theo cơ quan chức năng, mặt hàng chúng "đặt hàng" chủ yếu là thuốc lá và thuốc BVTV.
Phòng trọ chứa hàng lậu
Để qua mắt lực lượng tuần tra, các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ rồi tập kết tại một điểm gần biên giới để dễ tiêu thụ và dễ nhận hàng. Chúng hoạt động quy mô hơn trước khi cho người cảnh giới đến dân đai hàng phải hoạt động đúng quy trình đã thỏa thuận trước. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cuối tháng 3-2021, các loại PB, thuốc BVTV tăng giá chóng mặt thì biên giới lại "nóng" hàng nhập lậu. Trong khi nước bạn đang cao điểm phòng chống dịch nên "nguồn hàng" bọn chúng nhận chủ yếu thuốc lá và thuốc BVTV.
Khoảng 11 giờ 40 ngày 24-4, lực lượng liên ngành chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang nhận được tin báo từ quần chúng tại phòng số 15, nhà trọ T.T (khóm Hòa Bình, phường Vĩnh Mỹ, TP.Châu Đốc, An Giang) nghi vấn chứa hàng lậu nên nhanh chóng đến hiện trường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm chai, hàng nghìn gói... thuốc BVTV có xuất xứ nước ngoài; hàng gia dụng đã qua sử dụng như: tủ lạnh, bếp điện... Làm việc với tổ công tác, ông Nguyễn Thành Phương (SN 1951, trú xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang) thừa nhận là người thuê phòng trọ trên và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số hàng hóa.
Tại các trung tâm thị trấn, thị xã, các đối tượng thuê phòng trọ để chứa hàng lậu thì các điểm vùng ven, dân buôn lậu tìm nơi tập kết hàng vận chuyển qua biên giới. Chúng chờ thời điểm thích hợp cho xe chở số hàng cất giấu đến nơi tiêu thụ. Cuối tháng 2-2021, tổ tuần tra kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn huyện Châu Thành, An Giang đến khu vực thuộc tổ 12 (ấp Bình An 1, xã An Hòa), phát hiện trước hiên căn nhà cặp Quốc lộ 91 có nhiều thùng giấy và các bao tải được che đậy cẩn thận nên kiểm tra, tìm thấy 38 thùng giấy và 6 bao tải chứa 1.600 chai và 60 can thuốc bảo vệ thực vật nhãn mác ngước ngoài.
Quản lý không xuể?
Trên đường làm nhiệm vụ, Tổ công tác chống buôn lậu Công an huyện Châu Thành (An Giang) phát hiện người đàn ông điều khiển xe máy BS: 61H2-1074 chở 4 thùng giấy có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra, tìm thấy 160 chai thuốc bảo vệ thực vật ghi chữ ANCO 600 SL là hàng không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam (nghi là hàng giả, hàng cấm). Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, trú ấp Bình An I, xã An Hòa, huyện Châu Thành) thừa nhận vận chuyển thuê số thuốc bảo vệ thực vật trên cho người khác từ huyện Châu Phú xuống TP.Long Xuyên.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, so với các mặt hàng khác, PB, thuốc BVTV nhập lậu rất hút hàng bởi giá thấp hơn hàng thật. Một bộ phận người nông dân thích sử dụng hàng ngoại nhưng mù mờ về chất lượng. Lợi dụng nhược điểm này, các đối tượng tìm đến cơ sở kinh doanh thuốc BVTV để giới thiệu sản phẩm với hoa hồng hấp dẫn nhưng bị các cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.
Tổ công tác kiểm tra khu vực siêu thị miễn thuế thuộc khóm Xuân Hòa (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang), phát hiện Phan Hoàng Mỹ (SN 1991, ngụ xã Bình Long, huyện Châu Phú) và Nguyễn Minh Đạt (SN 1994, ngụ thị trấn An Phú, huyện An Phú) đang tháo bỏ nhãn hiệu của nhiều chai thuốc BVTV có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, nghi vấn có hành vi dán thay thế bằng nhãn hiệu giả có tiếng nước ngoài. Tang vật gồm 500 chai thuốc trừ sâu loại 500 ml/chai, trong đó có 53 chai đã bị thay thế nhãn hiệu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng còn thu giữ 10kg nhãn hiệu có tiếng nước ngoài, tổng trị giá hàng hóa khoảng 40 triệu đồng.
Sau khi PB, thuốc BVTV vận chuyển thành công, chúng hô biến hàng lậu thành sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Khoảng cuối năm 2020, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Trà Ôn kiểm tra xe tải BS: 64C- 054.10 do Thạch Hận (xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) điều khiển đã phát hiện vi phạm. Qua đó phát hiện ông Nguyễn Văn Hùng Anh (ngụ xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) cùng 3 người khác đang sang chiết 3 tấn hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) loại 50kg xuất xứ Trung Quốc sang bao phân bón KNO3 xuất xứ Israel với số lượng 120 bao (loại 25kg/bao).
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hùng Anh khai nhận: "Do đại lý phân bón muốn mua phân bón KNO3 nên tôi có đến công ty ở TPHCM mua 3 tấn hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) do Trung Quốc sản xuất và thuê xe vận chuyển từ TPHCM về xã Tích Thiện (Trà Ôn - Vĩnh Long). Tôi gọi người nhà đem 120 bao nhãn hiệu KNO3 ghi xuất xứ Israel sản xuất. Số bao này tôi mua của người quen cách đây 5 năm. Sau đó, tôi thuê người thực hiện sang chiết và đóng gói hóa chất Sulfate (Na2SO4) từ bao 50kg sang bao hiệu KNO3 loại 25kg/bao do Israel sản xuất để bán cho đại lý. Vừa sang chiết xong 3 tấn hóa chất thì bị đoàn kiểm tra phát hiện".
Đội Quản lý thị trường số 5 cho biết, 120 bao phân bón được đóng gói (loại 25kg/bao) trên nhãn ghi xuất xứ Israel này có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ.
Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn PB và hơn 100 nghìn tấn thuốc BVTV các loại. Hiện nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và PB được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng quá lớn: Gần 21.000 sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, không hiểu tác dụng cũng như phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng. Các cơ quan liên quan quản lý không xuể. Đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhiều người.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, cần chủ động theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên từng địa bàn. Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý phân bón, thuốc BVTV, cơ quan chức năng nên cân nhắc giải pháp "tinh gọn" danh mục các loại sản phẩm này nhưng đến nay vẫn không thay đổi. Các đối tượng tiếp tục kinh doanh và thu lợi nhuận trên nỗi thống khổ của nông dân.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh PB, thuốc BVTV giả, nhái là thực trạng đáng buồn đang tiếp tục tái diễn trong thời gian qua. Câu hỏi đặt ra rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu người dân trực tiếp phun, bón phân kém chất lượng cho cây trồng hay ăn các loại rau, củ, quả còn tồn dư chất độc có trong các loại thuốc giả? Nếu không đủ nhận thức, hiểu biết về các loại thuốc này, người dân sẽ dễ dàng mua và sử dụng hàng không đạt chuẩn, dẫn đến tiền mất tật mang, ảnh hưởng kinh tế, thậm chí đe dọa tính mạng con người.
Trước tình trạng PB, thuốc BVTV giả tràn lan, các cơ quan chức năng khuyến cáo, hoạt động sản xuất và buôn bán các mặt hàng PB, thuốc BVTV đang có biểu hiện vi phạm về nguồn gốc, chất lượng, người chịu thiệt hại lớn nhất là bà con nông dân. Trước diễn biến phức tạp của thị trường PB, thuốc BVTV, người dân cần nâng cao hiểu biết về các loại thuốc này là điều cấp thiết. Khi mua sản phẩm, người dân nên mua thuốc có thương hiệu, nhãn mác tiếng Việt được bán tại các cửa hàng, đại lý có uy tín; tránh tâm lý thích hàng ngoại nhưng mù mờ về chất lượng.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.212111_ob-man-yat-ioig-neib-o-gnon-1-iab/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc