Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh giúp giá trị tài sản của các tỷ phú tăng cao - Ảnh: D.Đ.Minh |
Kinh tế tư nhân sẽ biến chuyển ngoạn mục
Sáu tỷ phú bao gồm ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup) sở hữu tài sản 7,3 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) 2,8 tỷ USD, ông Trần Đình Long (Thép Hòa Phát) 2,2 tỷ USD, ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group) 1,2 tỷ USD, ông Hồ Hùng Anh (Techcombank) cùng ông Trần Bá Dương và gia đình (THACO) có tài sản ngang nhau 1,6 tỷ USD. Hai tỷ phú Trần Đình Long và Nguyễn Đăng Quang từng có mặt trong danh sách này những năm trước, năm nay có mặt trở lại. Tài sản của các tỷ phú này tăng chủ yếu nhờ cổ phiếu tại các tập đoàn, công ty mà họ làm chủ tăng giá.
Tiến sĩ Phạm Thị Bích Ngọc - Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản trị, Trường đại học Hoa Sen - nhận định về sự kiện này: “Tuy chưa có doanh nghiệp (DN) góp mặt trong danh sách 100 DN dẫn đầu thế giới, nhưng việc Việt Nam có sáu tỷ phú thế giới thể hiện sự vững chãi của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 gây khó khăn như thế, doanh số và tài sản của các DN hàng đầu Việt Nam vẫn gia tăng, cho thấy môi trường kinh doanh trong nước vẫn sôi động, tăng trưởng”.
Các tỷ phú thế giới ngày càng giàu hơn Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, danh sách tỷ phú của Forbes năm nay tăng vọt lên 2.755 người, trong đó có 493 tỷ phú mới. 86% người trong danh sách đều giàu hơn năm trước. Jeff Bezos (Amazon) là người giàu nhất thế giới liên tiếp bốn năm với tài sản 177 tỷ USD. Elon Musk (Tesla) lên vị trí thứ hai với 151 tỷ USD. Tổng cộng tài sản của tất cả tỷ phú tăng từ 8.000 tỷ USD năm 2020 lên hơn 13.000 tỷ USD trong năm nay. Mỹ vẫn có nhiều tỷ phủ nhất, với 724 người, tiếp theo là Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông và Macao) với 698 người. |
Bà Ngọc cho rằng, quan sát kỹ sẽ thấy, các tỷ phú Việt đều làm chủ DN kinh doanh đa ngành hoặc sản xuất, làm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. “Điều này sẽ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mạnh hơn, kích thích tính sáng tạo trong các giao dịch và hệ thống hóa DN tư nhân. Cần nói thêm, đóng góp của khối tư nhân vô cùng ấn tượng và độ năng động, cạnh tranh của khối này đã tạo ra sức ép làm thay đổi cách thức kinh doanh của khối nhà nước” - tiến sĩ Ngọc cho hay.
Các tỷ phú cũng tác động đến hướng khởi nghiệp chú trọng động cơ kiếm tiền song song với tìm kiếm giá trị gia tăng cao ở mọi tầng lớp. Theo tiến sĩ Ngọc, hai hướng tác động trên có khả năng đưa đến sự khởi sắc lớn, thay đổi môi trường kinh doanh tư nhân khi COVID-19 được kiểm soát tốt.
Theo bà Ngọc, thành công của các tỷ phú tác động đến ý thức về tác phong công nghiệp của người lao động. Qua đại dịch, khoảng cách giữa người có năng lực chuyên môn cao với những người lao động qua đào tạo cơ bản ngày càng hiện rõ. Trong quý I/2021, có đến 9,1 triệu lao động Việt bị ảnh hưởng theo nhiều cách, cho thấy đang có khoảng cách khá xa giữa việc đào tạo ở nhà trường với thực tiễn.
Cần trân trọng tài năng cá nhân
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (Đại học Fulbright Việt Nam) đưa ra sáu vấn đề cần phân tích. Theo ông, việc có tên trong danh sách “tỷ phú đô la” cho thấy tài năng cá nhân của các tỷ phú này: “Không ai có thể phủ nhận tài năng kinh doanh thật sự của họ. Xã hội cần ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao những tài năng kinh doanh như thế. Bằng không, chúng ta sẽ làm thui chột động lực của xã hội” - ông Tuấn nêu.
Vấn đề thứ hai cần phân tích là, từ sự nổi lên của tỷ phú, nhìn rộng ra là tầng lớp “siêu giàu”, cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam có thể ươm mầm cho những tài năng kinh doanh. Thứ ba, sự kiện trên sẽ làm giảm đi tâm lý e ngại, không dám khoe giàu.
Ông Tuấn phân tích: “Gần đây, nhiều người nổi lên trong kinh doanh và dám lộ diện bất chấp sự nghi ngại của xã hội. Họ đã tự tin hơn để công khai thể hiện tài năng kinh doanh và sự thành công trên con đường kinh doanh. Từ đây cho thấy, các chính sách pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu tài sản dần được thúc đẩy và hoàn thiện. Điều này tạo cho người dân niềm tin rằng cơ nghiệp của họ sẽ được pháp luật hoặc một cơ chế chính thức bảo hộ. Quyền tài sản là yếu tố đầu tiên để xây dựng kinh tế thị trường. Môi trường kinh doanh đang dần lành mạnh và quyền tài sản được bảo vệ cho thấy Nhà nước đang trao cơ hội nhiều hơn cho thành phần kinh tế tư nhân”.
Vấn đề thứ tư, theo ông Tuấn, là sự dẫn dắt và lan tỏa của tầng lớp “siêu giàu”. Nghĩa là, sức mạnh của nền kinh tế phải tổng hợp từ các thành phần và một nền kinh tế mạnh luôn phải có các trụ cột kinh tế. Đằng sau những gương mặt “tỷ phú đô la” là các tập đoàn của họ. Thành công của những tập đoàn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, từ đó phát huy vai trò dẫn dắt và lan tỏa. “Samsung vào Việt Nam kéo theo cả hệ sinh thái của chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ Hàn Quốc đi theo. Một tỷ phú Việt phát triển công nghiệp lắp ráp ô tô sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành công nghiệp phụ trợ về cơ khí. Sự lớn mạnh của họ có thể dẫn dắt ngành cơ khí Việt Nam tham gia vào các mắt xích trong chuỗi cung ứng của mình. Các lĩnh vực, ngành nghề cũng có thể dẫn dắt và lan tỏa cho các thành phần khác trong nền kinh tế và tạo cho Việt Nam những đối tác tương xứng trong các quan hệ hợp tác quốc tế trên bàn đàm phán.
Thứ năm là, sự gia tăng tầng lớp “tỷ phú đô la” này truyền cảm hứng cho giới trẻ nỗ lực phấn đấu. Cuối cùng, sự nổi lên của các tỷ phú còn làm thay đổi nhu cầu và cấu trúc tiêu dùng của xã hội, đặt ra những đòi hỏi lớn hơn về môi trường, chất lượng sống, nhu cầu xã hội. Người giàu sẽ có những đòi hỏi lớn hơn về các dịch vụ xã hội, kể cả chất lượng phục vụ của chính quyền cũng phải thay đổi để đáp ứng tốt hơn. “Chính sự xuất hiện tầng lớp này tạo ra những áp lực thúc đẩy những cải cách năng lực xã hội để đáp ứng nhu cầu đó. Những cải cách này mang lại lợi ích chung giống như sự thơm lây, lan tỏa giá trị cho cả xã hội” - ông Tuấn nói.
Tiến sĩ Phạm Thị Bích Ngọc cho rằng: “Có được sự thành công nào cũng là cú hích và sự sàng lọc tốt cho triển vọng của kinh tế Việt Nam. Nhìn vào chỉ số chuỗi cung ứng toàn cầu thì DN chúng ta vẫn chủ yếu đánh và thắng ở thị trường trong nước thôi. Khi có những tỷ phú đô la mới, chúng ta hy vọng khi có thêm bàn tay định hướng của Nhà nước sẽ giúp cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh quốc tế hiệu quả hơn”.
Forbes tính tài sản của các tỷ phú như thế nào? Theo Forbes, có 50 nhà báo và nhà điều tra từ 20 quốc gia tham gia biên soạn bảng xếp hạng tỷ phú hằng năm của tạp chí. Trong suốt một năm theo dõi các ứng viên tiềm năng, họ làm việc với người quản lý, nhân viên, luật sư, cố vấn tài chính và cả đối thủ để biết nhiều thông tin nhất có thể. Các thông tin về những giao dịch, thương lượng, cả bức tranh mà tỷ phú mua hoặc mảnh đất đã bán... đều phải được thu thập, xem xét nhằm đưa ra mức định giá tài sản được liệt kê sát nhất. Tài sản của một tỷ phú là số tiền còn lại sau khi trừ hết các tài sản đã chuyển nhượng và trả hết các khoản nợ theo quy tắc kế toán cơ bản là “của cải hoặc vốn bằng tổng tài sản trừ đi các khoản nợ”. Tài sản của một cá nhân bao gồm cổ phần trong các công ty nhà nước và tư nhân, bất động sản, xe hơi, ngựa, du thuyền, tác phẩm nghệ thuật, tiền mặt và tiền trong ngân hàng, vàng và nợ. |
Quốc Ngọc
Xem thêm: lmth.5072341a-et-hnik-nen-ohc-cul-gnod-meht-oat-teiv-uhp-yt/nv.moc.enilnounuhp.www