Bộ Y tế vừa có công văn 3518/BYT-KCB gửi bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).
Theo nội dung công văn, hiện nay, trên thị trường Việt Nam đang xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới, trong đó phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs), shisha,...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha (sau đây gọi chung là sản phẩm thuốc lá mới) rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotin, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho thấy tính đến ngày 18/2/2020, đã có 2.807 trường hợp tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử phải nhập viện tại 50 tiểu bang, 68 ca tử vong đã được xác nhận tại 29 tiểu bang. Sử dụng thuốc lá điện tử còn gây chấn thương do cháy nổ thiết bị để hút.
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ, với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài như: Rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá mới hiện là những sản phẩm là chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành, tuy nhiên qua một số điều tra cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng.
Năm 2019, kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%).
Theo Nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến lớp 12 là 8,35% và đặc biệt cao hơn ở độ tuổi học sinh lớp 10 đến lớp 12 là 12,6%.
Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.
Trước tình hình trên, để ngăn ngừa tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả các sản phẩm thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe, kinh tế, xã hội do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra trong cộng đồng, bộ Y tế đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp thực hiện các hoạt động dưới đây.
Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục phổ biến về tác hại của thuốc lá điếu và các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, đề nghị bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục.
Thứ hai, chỉ đạo các sở Giáo dục và đào tạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá mới tới sinh viên, học sinh các cấp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng cơ quan, đơn vị, trường học theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp để cung cấp các tài liệu, thông tin liên quan đến tác hại của việc sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng để phục vụ cho các hoạt động tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục.
H.M