Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"... Đồng thời đón nhận trào lưu của thế hệ mới là trí tuệ, thông tin, dữ liệu số...".
Đây là khẳng định của các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm do Tuổi Trẻ tổ chức nhân kỷ niệm 30-4 và chào đón TP Thủ Đức đi vào hoạt động, bắt đầu bằng câu hỏi nhiều trăn trở: "Làm gì để TP Thủ Đức bứt phá?", với sự tham gia của các chuyên gia về pháp lý, công nghệ, giao thông đô thị và cả người dân Thủ Đức.
Có hết nhưng lại như "chưa có gì"
Là người đang làm việc tại TP Thủ Đức, TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM - bắt đầu tọa đàm bằng trăn trở: "TP Thủ Đức là cơ hội hay vấn đề?".
Ngược về lịch sử, theo ông Vũ, TP Thủ Đức hình thành trên khu vực có sẵn tiềm năng dựa trên quá trình hình thành khu đông của TP.HCM trong nhiều thập niên trước; có hạ tầng giao thông, dịch vụ đô thị hoàn chỉnh và có tiềm năng tốt.
TP Thủ Đức cũng là một phần kết quả của mô hình chính quyền đô thị được TP.HCM theo đuổi từ rất lâu, với một thành phố trung tâm và bốn thành phố vệ tinh.
Ông Vũ nhận định: "Hình thức đã sẵn từ bộ máy, đề án, định hướng, quy hoạch, hạ tầng giao thông, nhưng đặt vào kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo TP.HCM thì Thủ Đức vẫn như chưa có gì.
Kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM không phải xây dựng TP Thủ Đức tiếp nối một khu đô thị phát triển như lâu nay mà đưa lên một tầm mới là trung tâm số 1 về khởi nghiệp quốc gia, trung tâm trí tuệ nhân tạo của Đông Nam Á, kỳ vọng là trung tâm logistics… Đây là cả một thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực, là vấn đề hơn là cơ hội".
Dẫn chứng rõ hơn về điều kiện hiện tại của TP Thủ Đức, ông Lê Thanh Tùng (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) - người đã sinh sống từ thời còn huyện Thủ Đức cũ - chia sẻ: vấn nạn nhức nhối nhất của TP Thủ Đức cũng như nhiều quận, huyện ở TP.HCM là ngập nước và kẹt xe triền miên ngày này qua ngày khác.
"Tôi nghĩ TP Thủ Đức mới, trẻ sẽ giải quyết được câu chuyện kẹt xe để trở thành thành phố đáng sống. Mong đến một ngày người nào muốn thoát cảnh kẹt xe thì về Thủ Đức sinh sống", ông Tùng kỳ vọng.
TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải (Trường ĐH Việt Đức) - đánh giá: tỉ lệ đất giao thông và giao thông công cộng ở TP Thủ Đức rất thấp. Giao thông công cộng tại TP.HCM hiện nay mới chỉ có xe buýt với mật độ 0,67 km đường/km2.
Xe buýt tập trung ở một số trục đường chính, mật độ không đồng đều, trong khi tuyến metro số 1 hoàn thành quá chậm. Mật độ đường giao thông thấp, không có nhiều lối đường kết nối giữa Xa lộ Hà Nội và đường cao tốc; nhiều khu vực có đường hẹp, cầu yếu và thậm chí không có giao thông. Đó là những thách thức.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được xây dựng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thủ Đức không phải phép cộng gộp ba quận
Cả chuyên gia lẫn người dân đều nhìn nhận việc "thay da đổi thịt" biến TP Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới là thách thức lớn. Vậy hóa giải thách thức đó để thành cơ hội như thế nào?
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng TP Thủ Đức là cơ hội để TP.HCM đưa ra những giải pháp thông minh, sáng tạo nhất thúc đẩy phát triển khu vực.
Thủ Đức phải là thành phố cho những thử nghiệm mới, dựa trên phương thức mới, tạo ra chính quyền quản lý dựa trên tư duy kỹ thuật số, chuyển đổi số, xã hội số. Một nền công nghệ, dịch vụ đón nhận trào lưu của thế hệ mới là trí tuệ, thông tin, dữ liệu số.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: "Mô hình TP Thủ Đức tương tự phố Đông của Thượng Hải ở chỗ có một trung tâm tài chính. Nếu muốn TP.HCM trở thành trung tâm tài chính thì không chỉ xây dựng những tòa nhà văn phòng, ngân hàng mà cần cả những thể chế sáng tạo để thu hút các doanh nghiệp và người dân sẵn sàng giao dịch.
Mục tiêu này đòi hỏi TP.HCM phải là nơi thực hiện những giao dịch lớn, nơi thực hiện các thương vụ lớn, nơi khởi nguồn cho những quyết định đầu tư. Để được vậy, TP phải có những dịch vụ liên quan đến ngân hàng, đánh giá năng lực đối tác, thẩm định, nghiên cứu thị trường, các dịch vụ bảo hiểm, tài chính, hàng hải, luật sư, những dịch vụ thúc đẩy phi ngân hàng".
Ông Nghĩa gợi ý thêm chính quyền TP Thủ Đức phải xây dựng trên tư duy nhà nước kiến tạo sân chơi cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy và tạo ra sự phát triển.
Sứ mệnh của chính quyền từ vai quản lý, cung cấp dịch vụ công được chuyển thành vai điều phối, tương tác, dẫn dắt.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ nhiều lo ngại: "Những quy định hiện hành chưa cho thấy lời giải, những nghị quyết có liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức còn hết sức chung chung".
TS Vũ Anh Tuấn góp ý thêm tại TP Thủ Đức phải có cơ chế mở để chính quyền dám thử nghiệm, lãnh đạo thêm nhiệt huyết. Điểm chính là tạo ra một cơ chế mới để phát triển ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực từ công nghệ thông tin, tài chính, giao thông, kinh tế xã hội.
"TP Thủ Đức cần phải có sự độc lập tương đối với TP.HCM. Nếu nó vẫn được kèm cặp như một quận hay ba quận gộp lại của TP.HCM với nhiều lớp thẩm quyền, không có độ tự do thì không thể có thông minh, sáng tạo được", ông Tuấn phân tích.
Bàn tiếp vấn đề này, ông Nghĩa nhận định: muốn thực thi được cơ chế đặc thù, cơ chế mở, chính quyền TP.HCM nên trao quyền tự chủ cho TP Thủ Đức và có cơ chế đánh giá dựa trên năng lực thực thi. Chính quyền TP Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm giải trình với cấp trên, với hệ thống giám sát và người dân.
Việc đầu tư hạ tầng cần phải có tầm nhìn 20 - 30 năm. TP Thủ Đức nên mở đường giao thông lớn, thẳng qua những vùng đất chưa phát triển, dân cư thưa thớt để phát triển đô thị chứ không nên tập trung mở rộng những con đường hiện hữu vốn tự phát, hướng đi quanh co, lại tốn rất nhiều tiền bồi thường giải phóng mặt bằng do nhà dân đã xây kín".
Ông LÊ THANH TÙNG
Chính quyền phải truyền thông rất rõ ràng rằng TP Thủ Đức là của chúng ta. Thủ Đức có là cực tăng trưởng, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm trí tuệ nhân tạo… thì trên hết vẫn là để phục vụ cho người dân, là nơi chốn của người dân, nơi họ có thể sống và tìm kiếm tương lai, việc làm ổn định, nuôi dạy con cái, trao gửi sự nghiệp".
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Muốn đột phá phải dấn thân vào sứ mệnh mới. Chính quyền làm bệ đỡ, lắng nghe người dân và doanh nghiệp, sáng tạo, phát huy khả năng của họ. Người đứng đầu phải có một quyết tâm lớn, một đam mê lớn và dám dấn thân".
PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA
Trong phát triển đô thị, hạ tầng luôn đi trước một bước. Hạ tầng về cơ chế phải đi trước nữa. TP Thủ Đức phải có những người lãnh đạo mạnh mẽ, sáng tạo, dám đương đầu với thách thức, sẵn sàng vì cái chung, không ngại va chạm".
TS VŨ ANH TUẤN
Tạo ra thêm những "Phú Mỹ Hưng"
Với thực trạng ấy, nên bắt đầu từ đâu? TS Trương Minh Huy Vũ nhận định nền tảng về hạ tầng hiện nay so với kỳ vọng đang có khoảng cách khá lớn, do vậy phải bắt đầu từ một quy hoạch tốt cả về tổng thể và các phân khu ưu tiên.
Nhắc đến câu nói của người xưa "lộ thông tài thông", ông Vũ cho rằng: "Dù quy hoạch của TP Thủ Đức thừa kế của quy hoạch khu đông nhưng phải quy hoạch nguồn tiền, hoạch định rõ chỗ nào đầu tư công, tuyến nào xã hội hóa, khu vực nào áp dụng mở rộng biên chỉnh trang".
TS Vũ Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi kỳ vọng trong 30 - 50 năm tới, TP Thủ Đức sẽ có được những thành tựu lớn. Muốn vậy, bây giờ phải bắt tay vào thực hiện từng bước một, trong đó căn bản nhất là cơ chế chính sách. Kinh nghiệm ở Dubai cho thấy tất cả các chính sách mới đều sẽ được thử nghiệm. Thành công thì triển khai, thất bại thì không quy trách nhiệm".
Nói rõ hơn, ông Tuấn cho hay để giải quyết những vấn đề dân sinh tồn tại trong lòng TP Thủ Đức như kẹt xe, ngập nước cũng phải bắt đầu từ những công việc cụ thể và cần sự xông xáo, dấn thân.
Trong một đô thị thông minh, giao thông công cộng phải là xương sống và phương tiện chia sẻ là xe đạp, là đi bộ. TP Thủ Đức muốn tương tác cao phải đảm bảo di chuyển nhanh, an toàn, chi phí vừa phải, không gây ô nhiễm môi trường, đúng giờ.
Với mục tiêu năm 2050 - 2060 thị phần giao thông công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu di chuyển của người dân, chính quyền phải có những hành động cụ thể từ bây giờ: chiến lược tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng vào các hành lang, các nhà ga, tăng tuyến xe buýt nhanh, các khu đô thị lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, mở thêm tuyến đường…
Khi đó, kinh phí và đất đai đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ sẽ giảm nhiều, Nhà nước còn quỹ đất để duy trì nông nghiệp, vẫn có mảng xanh và mặt nước trong đô thị.
Bám sát quan điểm "tự chủ", TS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh một lần nữa: quy hoạch TP Thủ Đức phải được xây dựng trên cơ sở lắng nghe ý kiến "khách hàng". Chính quyền nên mời các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn đặt ra đầu bài cho quy hoạch.
Trên nền nhu cầu đó, chính quyền có chính sách bảo vệ quyền lợi để doanh nghiệp đầu tư lớn và gắn bó lâu dài. Vài ba chục năm nữa, họ sẽ tạo ra những "Phú Mỹ Hưng" mà Nhà nước không phải bỏ ra nhiều vốn. Khách hàng tiếp theo là người dân, qua đại diện là các đại biểu HĐND, đảm bảo ý kiến của dân được lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc và hợp tác.
* Ông Trần Quang Lâm (giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Có kế hoạch phát triển giao thông thông minh
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ban hành kế hoạch chung về phát triển hạ tầng TP Thủ Đức, trong đó có kế hoạch phát triển các hệ thống vận tải, giao thông thông minh, đường thủy, hệ thống bến bãi…
Đối với hạ tầng, với những dự án chưa có chủ trương đầu tư, sở đã có danh mục đề xuất theo thứ tự ưu tiên và xác định một số chiến lược gửi cho Sở Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, xem xét đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.
Trong đó sẽ tập trung vào đường vành đai 2, vành đai 3, các trục đường liên quận như đường Nguyễn Cư Trinh, Đỗ Xuân Hợp hay các tuyến đường kết nối hệ thống cảng biển.
Riêng những dự án đã có chủ trương, phê duyệt chủ đầu tư như cầu Tăng Long, đường Lương Định Của, đường vành đai 2 giai đoạn 3… hiện thành phố đã bố trí nguồn lực.
* Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Đẩy nhanh phân cấp, ủy quyền
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẵn sàng phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức. Do vậy TP Thủ Đức cần nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sự phân cấp, ủy quyền của UBND TP.HCM.
Việc phân cấp, ủy quyền phải làm sao tận dụng hết những cơ chế của luật, từ đó tạo động lực đột phá, chủ động cho lãnh đạo Thủ Đức trong việc đưa ra quyết sách, đổi mới cách thức quản lý phục vụ phát triển.
TTO - Ngày 25-4, UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức lễ đặt tên đường mới cho 20 tuyến đường, trong đó có 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Xem thêm: mth.77153625172401202-iom-meihgn-uht-gnuhn-auc-ion-al-es-cud-uht-pt/nv.ertiout