Ông Hoàng bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước giờ tuyên án, chủ tọa thông báo ông Hoàng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe không tốt.
Cùng tội danh với cựu bộ trưởng, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị phạt 9 năm tù. Mức án với hai ông đều cao hơn khung hình phạt đề nghị của VKS (7-8 năm).
8 bị cáo còn lại là cựu cán bộ, lãnh đạo TP HCM, gồm: Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP HCM, xét xử vắng mặt) bị phạt 6 năm 6 tháng tù, Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) 4 năm 6 tháng, Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) 5 năm, Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND thành phố) 4 năm, Lê Quang Minh (cựu trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư) 3 năm 6 tháng, Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM) 3 năm, Trương Văn Út (cựu phó phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 3 năm, Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Cùng với hình phạt tại một số vụ án đã xét xử trước, HĐXX tuyên ông Tín phải chấp hành tổng cộng 13 năm 6 tháng tù, ông Kiệt 11 năm 6 tháng, ông Thanh 8 năm, ông Chương 6 năm và ông Út 8 năm.
Trong một giờ tuyên án, HĐXX nhận định hành vi của 10 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Họ đều có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực công tác, có kinh nghiệm quả lý ngành công thương nhưng đã thực hiện hành vi trái pháp luật trong thời gian dài, cố ý vi phạm quy định về tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo hầu hết chưa có tiền án tiền sự, có thành tích trong công tác. Cựu bộ trưởng Hoàng được ghi nhận thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích tốt trong công tác, đang bị ung thư tiền liệt tuyến,...
Toà tuyên giao thửa đất 6.080 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TP HCM xử lý theo quy định pháp luật.
HĐXX kiến nghị cơ quan công an điều tra sai phạm của cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải. Tòa cho rằng ông Hải đã ký công văn gửi UBND TP HCM đề nghị gia hạn nộp tiền sử dụng đất, chỉ đạo Sabeco tìm nhà đầu tư mới... Hành vi của ông Hải có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Phán quyết với ông Hoàng và 9 người trong vụ sai phạm chuyển nhượng "đất vàng" ở Sabeco được TAND Hà Nội đưa ra sau bốn ngày xét xử và ba ngày nghị án về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo bản án, từ năm 2008 đến khi nhà nước thoái vốn vào năm 2017, vốn nhà nước tại Sabeco chiếm 89,59% nên đây được coi là "doanh nghiệp nhà nước". Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu nhà nước với phần vốn góp tại Sabeco.
Sabeco quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM, rộng 6.080 m2 được dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, nộp tiền thuê đất hàng năm. Sabeco sau đó liên danh thành lập công ty bất động sản Sabeco Land để thực hiện dự án song đổ vỡ vì không đủ năng lực tài chính.
Năm 2012, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các công ty Nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, ông Hoàng cùng hai lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sabeco đầu tư dự án bất động sản, không phải ngành kinh doanh chính.
Nhà chức trách cho rằng dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sabeco sau đó dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl; dùng pháp nhân này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại.
Được phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín ký duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất là hơn 997 tỷ đồng, Sabeco Pearl đứng ra nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và xin bổ sung chức năng căn hộ ở. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là 1.000 tỷ đồng trong khi giá thị trường 3.800 tỷ đồng.
Khi nhà chức trách chưa bổ sung chức năng sử dụng đất, nhóm các nhà đầu tư của Sabeco Pearl cùng lúc kiến nghị ông Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl và đề nghị được mua lại toàn bộ 26% phần vốn góp của Sabeco.
Ngày 29/3/2016, ông Hoàng chủ trì cuộc họp bàn về thoái vốn ở Sabeco. Sau đó được sự đồng ý của Bộ Công Thương, Sabeco bán toàn bộ cổ phần với giá 13.347 đồng một cổ phần, thu được hơn 196 tỷ đồng. Tuy nhiên giá thực tế thời đó là 31.611 đồng một cổ phần, tương đương hơn 465 tỷ đồng.
Sabeco hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng sang cho tư nhân trái pháp luật; gây thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng.
Suốt bốn ngày xét xử, ông Hoàng chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu. Ông cho hay Bộ Công Thương đã có quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban lãnh đạo và cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (đang bỏ trốn) là người quản lý trực tiếp Sabeco.
Đến năm 2013, ông mới lần đầu tiên nắm được thông tin về dự án. Bởi vậy khi Sabeco tìm nhà đầu tư thứ hai để tiếp tục triển khai dự án, ông đã bút phê "phải báo cáo lãnh đạo bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư". Ông làm vậy với mục đích đảm bảo việc chọn được nhà đầu tư đủ năng lực làm dự án chứ không ép buộc cấp dưới phải làm theo.
Về việc chủ trì cuộc họp ở Sabeco 10 ngày trước nghỉ hưu, ông Hoàng giải thích cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề trong đó có chủ trương xây dựng trụ sở mới chứ không phải chỉ bàn về thoái vốn như cáo trạng quy kết. Về quyết định giá cổ phần để thoái vốn, ông không chỉ đạo mà do Sabeco đề xuất và thứ trưởng phụ trách phê duyệt theo thẩm quyền.
Tại phiên tòa, ngoài cựu phó chủ tịch TP HCM xin xét xử vắng mặt, 7 cựu cán bộ còn lại của UBND TP HCM đều thừa nhận hành vi song mong HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội. Họ cho rằng thời điểm đó chỉ làm đúng phần việc của mình và bị cấp trên ép xuống nên làm theo. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, các bị can mới nhận ra việc làm của mình là sai phạm.
Xem thêm: lmth.0720724-ut-man-11-tahp-ib-gnaoh-yuh-uv-gnourt-ob-uuc/ten.sserpxenv