Theo tờ South China Morning Post, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu trục xuất các nhà báo của nhau từ tháng 2 năm ngoái, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa xã và China Daily là các “cơ quan chức năng của chính phủ nước ngoài” do Bắc Kinh kiểm soát.
Động thái này đã buộc nhân viên của các cơ quan truyền thông trên phải đăng ký thông tin với chính phủ Mỹ giống như cách mà các nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán làm.
Mỹ - Trung ngày càng siết chặt các hãng truyền thông của nhau. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 28-4 đã bênh vực các biện pháp nhắm vào cơ quan truyền thông Trung Quốc của người tiền nhiệm Mike Pompeo, nói thêm rằng Bộ Ngoại giao “đang thúc đẩy sự minh bạch chứ không phải can thiệp vào các kênh truyền thông hay việc đưa tin của các tờ báo này, dù các báo này có viết bài phê phán chính phủ Mỹ như thế nào đi nữa”.
“Chúng tôi không cấm các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý hoạt động ở Mỹ, nhưng chúng tôi muốn đảm bảo rằng có sự minh bạch và mọi người biết rằng những gì họ đang đọc có sự chỉ đạo từ chính phủ Trung Quốc” - ông Blinken nói.
“Việc Bắc Kinh tuyên truyền thông tin sai lệch ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp và nền tảng truyền thông nhà nước mới là mối lo ngại thực sự" - ông cho biết thêm
Nhiều tờ báo bị Mỹ liệt vào danh sách cơ quan tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Bắc Kinh đã trục xuất nhà báo của 3 hãng thông tấn lớn: The New York Times, The Wall Street Journal và The Washington Post, đồng thời chỉ định các cơ quan truyền thông như Voice of America và tạp chí Time là “cơ quan chức năng của chính phủ nước ngoài” do Washington kiểm soát.
Đáp lại, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã siết chặt các quy định về thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc, giới hạn thị thực của họ trong 90 ngày với lựa chọn gia hạn. Thị thực của các nhà báo đến từ Hong Kong hoặc Ma Cao thì không bị ảnh hưởng.
Trước khi hai bên đưa ra các biện pháp ăn miếng trả miếng đối với các hãng truyền thông của nhau thì Trung Quốc đã có quy định hạn chế số lượng các hãng thông tấn nước ngoài và số lượng nhà báo làm việc ở nước này. Các tin tức từ báo chí phương Tây cũng bị hạn chế truy cập.