Nội dung bài viết trích từ cuốn sách "Một đời quản trị" của Giáo sư Phan Văn Trường.
Chuyện về một doanh nghiệp FDI nhỏ tại Việt Nam
Trên trang web của mình, Golden Egg tự giới thiệu là một doanh nghiệp nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài 100% đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Công ty này hoạt động theo giấy phép đầu tư được cấp vào tháng 3 năm 2005 cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Theo giới thiệu công ty này sở hữu một quy trình sấy chân không nhiệt độ thấp độc quyền được phát triển bởi một trong những nhà đầu tư của công ty.
Golden Egg sản xuất bột từ chiết xuất thực vật khô cũng như từ trứng gà hoặc trứng vịt. Bột thực vật được phân phối đóng gói hoặc đóng gói chân không nhiều lớp. Doanh nghiệp này cũng sản xuất các sản phẩm chất lỏng tiệt trùng nhờ một thiết bị thanh trùng độc quyền. Nhà máy Golden Egg được thiết kế xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và theo quy trình kiểm soát chất lượng.
Ít ai biết công ty này do Jacques, một người bạn Pháp của giáo sư Phan Văn Trường thành lập. Trước khi khởi nghiệp, Jacques từng tổng giám đốc của một trong những công ty thuộc tập đoàn mà ông Trường làm chủ tịch ở Pháp. Sau khi rời tập đoàn và khởi nghiệp, Jacques vẫn chia sẻ đường đi nước bước kinh doanh với ông.
Theo lời kể của giáo sư Phan Văn Trường, Jacques đã quyết định lập nghiệp tại Việt Nam với số tiền mà tập đoàn tặng ông vào thời điểm ông từ chức, đó là 300 ngàn Euro (gần 8 tỷ đồng). Lúc đó Jacques đã xấp xỉ 50 tuổi.
Sau khi Jacques nghiên cứu kỹ thị trường và cầm chắc được một khách hàng tiềm năng, ông mới khởi cuộc. Doanh nhân này thuê mặt bằng tại ngoại ô với giá rẻ và mua máy móc, một số là máy đã sử dụng do các công ty giải thể bán lại. Vốn là người có kinh nghiệm dày dặn về quản lý nên có thể nói Jacques không có sự phung phí khi khởi nghiệp.
Và ngay từ ban đầu, Jacques đã thành công. Sản phẩm có chất lượng, giá tốt, thêm vào đó, công ty của ông là đơn vị duy nhất tại Việt Nam, không có sự cạnh tranh. Sản xuất ra bao nhiêu, đã có các khách hàng đặt mua sẵn bấy nhiêu.
Tuy nhiên, nhiều rủi ro tấn công vị doanh nhân người Pháp này tới tấp. Thứ nhất, chính khách hàng của Jacques giải thể, trong khi ông không làm sao kiếm được thêm khách hàng thứ hai trên thị trường, do sản phẩm Golden Egg quá đặc trưng và cũng vì vậy mà không bị cạnh tranh. Trong 2, 3 năm sau đó, công ty của Jacques chỉ bán được chút sản phẩm vừa đủ để tồn tại vất vưởng.
May mắn cho Jacques, trong suốt thời gian đó cả thầu phụ lẫn nhân viên quý mến ông nên không ai bỏ ông giữa đường. Đúng lúc Jacques sắp đóng cửa thì có một khách hàng thứ hai từ Đài Loan tới đặt vấn đề mua sản phẩm, thậm chí họ còn đề nghị ông đầu tư thêm vào máy móc để nhân đôi số hàng hóa đầu ra.
"Anh Phan biết không, vợ chồng tôi chỉ còn một ổ bánh mì và một trái trứng để chia nhau ăn tối Chủ Nhật, định sáng hôm sau giải thể công ty. Nhưng đúng sáng Thứ Hai, công ty Đài Loan tới ký hợp đồng dài hạn và còn ứng trước tiền để chúng tôi thoải mái trả lương thì cũng như mua ngay một số vật tư cần thiết", Jacques kể lại câu chuyện bi thảm của mình với giáo sư Phan Văn Trường. Chuyện này xảy ra đầu năm 2016, vài tháng trước khi vị giáo sư nổi tiếng viết cuốn sách Một đời quản trị.
Bài học khởi nghiệp của vị doanh nhân Pháp khởi nghiệp tại Việt Nam
Nhìn lại bài học để rút kinh nghiệm, doanh nhân người Pháp Jacques có những lời chia sẻ về khởi nghiệp sau được giáo sư Trường ghi lại trong cuốn sách về quản trị của mình:
- "Thứ nhất, đừng quá chú trọng về tính độc quyền của sản phẩm. Đó là ưu điểm, nhưng cũng là khuyết điểm do sản phẩm quá đặc thù".
- "Thứ hai, chớ bao giờ nghĩ là mình đủ vốn. Tôi nghiệm ra rằng khi khởi nghiệp, không bao giờ chỉ xuất vốn một lần. Lần đầu còn rẻ, những lần tăng vốn sau này tốn kém hơn nhiều, trên sức tưởng tượng. Người khởi nghiệp luôn luôn đánh giá sai, hơi lạc quan với những nhu cầu như quảng cáo, quà cáp, hành chính...
Đến khi doanh nghiệp bắt đầu thành hình cũng là lúc doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn hoặc mượn tiền. Số đông công ty khởi nghiệp chết ở đúng thời điểm này. Thế rồi đến khi sản phẩm ra đời và sắp giao hàng thì tình hình tài chính của công ty lại có vấn đề. Đó là lúc phải bơm thêm chút vốn để trang trải mọi chi tiêu. Trong cuộc phiêu lưu, tôi đã phải xuất ra ba lần số vốn mà lúc ban đầu tôi tưởng sẽ đủ. Gấp ba lần, anh Phan ạ".
- "Thứ ba, tôi không bao giờ thành công nếu không có sự trung thành của nhân viên và thầu phụ. Trong 9 tháng, tôi không có khả năng trả lương cho họ, vậy mà họ vẫn trung thành. Người Việt thật tuyệt vời. Nhưng cũng có lẽ họ thương tôi vì tôi thương họ. Giữa chúng tôi có một tình nghĩa đặc biệt. Tôi học được điều đó từ chính thời kỳ tôi làm cộng sự của anh, anh Phan ạ."
- "Thứ tư, không nên đặt hết sự tin tưởng vào ngân hàng. Ngân hàng chỉ cho mượn tiền khi mình đang giàu có, tức khi mình đã thành công, nhưng thử hỏi rằng mượn tiền ngân hàng còn lợi ích gì khi đã thành công! Họ sẽ bỏ rơi mình khi mình sa cơ lỡ vận. ‘Người bạn ngân hàng’ là nhân vật đã cho tôi nếm mùi cay đắng nhiều nhất. Không những thế, các bạn của tôi đều có nhận xét tương tự.
Nhiều người cho rằng họ hèn nhát. Nhưng kỳ thực, không thể trách ngân hàng được, vì ở địa vị của họ thì mình cũng làm thế. Vì đơn giản, các công ty khởi nghiệp luôn thiếu đủ thứ, nếu có triệu chứng gì cho thấy công ty này không đi xa hơn được nữa, ngân hàng chỉ còn hai lựa chọn: tiếp tục hỗ trợ công ty đang hụt hơi, đó là giả định lạc quan, hoặc bỏ rơi khách hàng vì nhận định công ty đang thoi thóp trước giờ lâm chung. Và đây mới là giả định thực tế".
- "Thứ năm, khi khởi nghiệp, nên bỏ công nghiên cứu kỹ lưỡng những góc cạnh pháp lý. Pháp lý đối với những phép tắc, pháp lý với các đối tác, nhất là đối tác cùng đầu tư. Khi đầu tư với một người bạn thân, mình không thể ngờ được rằng chính cuộc đầu tư đó sẽ gây vấn đề sau này và biến tình bạn thành mối thù sau khi kinh qua một giai đoạn dài sống với nhau trong nghi hoặc. Một bộ pháp lý tốt mới giúp cho một công cuộc phiêu lưu vui vẻ dài lâu".
Ở đây, tôi có một lưu ý cực kỳ quan trọng, bạn đọc nên chú ý. Khi hai người bạn thân cùng nhau khởi nghiệp thì việc họ "chia nhau 50%" là chuyện quá dĩ nhiên. Làm khác coi sao được! Vậy mà khi công việc bắt đầu thành hình thì thể thức 50/50 sẽ đưa hai người vào cõi chết, vì đơn giản, làm sao phân giải khi phải lấy một quyết định trong khi đang có mâu thuẫn? Ai sẽ là người "quyết"?
Nhưng chưa hết! Chuyện pháp lý còn tạo ra cái ải thứ hai phải vượt: đó là giấy tờ pháp lý rất sơ sài lúc ban đầu, thậm chí lơ mơ, bởi lẽ chuyện khởi nghiệp là giữa hai bạn thân tình. Chết người đấy, vì không ai nghĩ đến việc hợp thức hóa trên pháp lý công cuộc chung. Đến khi công ty thành công thì chuyện đã quá muộn: khó lòng phân giải khi hợp đồng quá mông lung trên một tài sản bắt đầu to lớn!
- "Và cuối cùng, bạn phải cố sống lạc quan. Những năm khởi nghiệp là một thời kỳ vô cùng tai hại đối với sức khỏe. Trong 5 năm đó, tôi đã ly dị hai người vợ. Đơn giản vì những phụ nữ từng yêu quý tôi, hỗ trợ cho tôi, chia sẻ hết với tôi, đến lúc nào đó cũng không chịu nổi áp lực của những rủi ro, khó khăn, thiếu thốn, bức xúc và tất cả sự hành hạ mà xã hội "tặng" chúng tôi. Những ai có ý định khởi nghiệp nên có sức khỏe tốt. Giống như một mẹ thỏ mới sinh đàn thỏ non giữa cánh đồng đầy hổ, báo và sói vậy. Sự trông nom doanh nghiệp sơ sinh phải cẩn mật, bởi nó sẽ làm cho người khởi xướng phải chịu ốm đau trong nhiều tháng".
- "Nghĩ cho cùng, tôi cho rằng mình đã thành công, 60 phần trăm do may mắn, 30 phần trăm do kinh nghiệm quản lý sẵn có sau một cuộc đời nghề nghiệp khá sôi nổi. Và chỉ 10% do khả năng + nghiên cứu + cơ hội + vốn. Những bạn trẻ muốn khởi nghiệp mà có tài, vốn, sản phẩm, đồng đội thì mới chỉ có được trong tay phần nhỏ của những điều kiện cần thiết để thành công! Anh Phan ạ, có lúc tôi khao khát mong có người chống lưng cho mình lúc cần thiết, để tránh cho tôi những rủi ro, và nới tay cho tôi để tôi không cần cúi đầu xin xỏ lúc thấy thiếu hụt".
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị