Hình mẫu về chống dịch cộng đồng
Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công lớn của châu Á trong việc chống lại vi-rút SARS-CoV-2, với các biện pháp quyết liệt để truy vết ca nhiễm và ngăn chặn bùng phát. Tính đến ngày 27/4, Việt Nam chỉ có 35 trường hợp tử vong và hơn 2.850 ca nhiễm COVID-19.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ thuộc Hiệp hội Y khoa Anh Quốc vào cuối tháng Ba, tiến sĩ Robyn Klingler-Vidra từ Đại học King’s College London (Anh) nhận định, thành công của Việt Nam trong chống dịch, đầu tiên là nhờ chính phủ đã sớm hành động, thực hiện kiểm tra nhiệt độ rộng rãi, xét nghiệm, cách ly, truy vết và cung cấp thông tin minh bạch qua truyền thông công cộng. Vào tháng 1/2020, Việt Nam đã đóng cửa tất cả các trường học và cách ly ngôi làng nơi các ca bệnh đầu tiên được xác nhận.
Người dân Việt Nam tuân thủ quy định rửa tay phòng dịch tại nơi công cộng - Ảnh: Tam Nguyên |
Chính phủ Việt Nam coi việc chống COVID-19 là một cuộc chiến, sử dụng nguồn lực quân đội cho các khu cách ly tập trung, truyền các thông điệp chống dịch qua các phương tiện truyền thông hiện đại, chẳng hạn như sử dụng tin nhắn điện thoại để thông báo chi tiết về các trường hợp nhiễm bệnh cho người dân hằng ngày. Qua nghiên cứu đăng tải trên trang OurWorld in Data vào tháng 6/2020, Todd Pollack, trợ lý giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard (Mỹ) và các cộng sự, cho rằng, khả năng chống dịch hiệu quả của Việt Nam nhờ kinh nghiệm trước đây đối với các đợt bùng phát vi-rút khác, chẳng hạn SARS hay cúm gia cầm. Kết quả mà Việt Nam đạt được đã khiến quốc tế chú ý, thán phục.
Những câu chuyện ấm lòng trong đại dịch cũng xuất hiện từ cấp cơ sở. Các doanh nhân Việt Nam đã ứng phó rất tốt trước những thách thức kinh tế - xã hội trong thời gian giãn cách. Tiến sĩ Klingler-Vidra ca ngợi những người tiên phong đằng sau sáng kiến “máy ATM gạo”, cung cấp tới 3kg gạo miễn phí/lần cho những người không có việc làm, và phong trào “bánh mì hồng”, trong đó mọi người mua thanh long hỗ trợ những nông dân không thể xuất khẩu và biến nó thành các sản phẩm như bánh mì, bánh ướt…
Một ví dụ đầy cảm hứng khác là sáng kiến “mỗi ngày một quả trứng” để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất. Những phản ứng sáng tạo này đã giúp giảm thiểu lây nhiễm và giảm bớt tác động kinh tế - xã hội của đại dịch. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về Việt Nam vào tháng 7/2020, phản ứng COVID-19 của Việt Nam phù hợp với xu hướng đổi mới toàn diện “của dân, do dân và vì dân”.
Đặc biệt, về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Việt Nam đã sớm hành động để xây dựng năng lực xét nghiệm, dựa trên sự kết hợp giữa xét nghiệm kháng thể và vi-rút. Điều này giúp xác định ca nhiễm xảy ra ở đâu, từ đó ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và phân phối các nguồn lực một cách hiệu quả. Việc phát triển kịp thời các bộ xét nghiệm, với tỷ lệ chính xác cao và giá cả phải chăng, mang lại những bài học đặc biệt quan trọng về cách các nền kinh tế mới nổi có thể thúc đẩy đổi mới tập trung cho y tế, thay vì chỉ dựa vào tiến bộ khoa học từ nước ngoài.
Nền kinh tế cạnh tranh cao
Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì khả năng phục hồi giữa đại dịch, tăng trưởng 2,9% vào năm 2020 - một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới - và dự kiến sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, nhờ các giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả của chính phủ.
Giải thích thêm, IMF cho rằng Việt Nam bước vào đại dịch với nền tảng kinh tế tương đối ổn định và vùng đệm chính sách vững chắc, mặc dù vẫn còn một số thách thức. Trong bài báo trên tạp chí Forbes ngày 31/3, tác giả William Pesek nhận định, Việt Nam là viên ngọc hiếm trong số các quốc gia mới nổi. Cụ thể, đó là một quốc gia lèo lái nền kinh tế hiệu quả giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hạn chế tử vong do COVID-19 ở mức tối thiểu và dẫn đầu trong số các nền kinh tế đã đẩy lùi thảm họa đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê quốc gia, tăng trưởng quý I năm 2021 của Việt Nam đạt 4,48%, tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn trong khu vực. Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết: “Việc kiểm soát thành công đại dịch đã giúp Việt Nam chiếm được thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu và nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong năm 2020”.
Tại WHA Group - một công ty hậu cần của Thái Lan chuyên xây dựng nhà máy công nghiệp - Chủ tịch Jareeporn Jarukornsakul tiết lộ, các nhà đầu tư muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Thái Lan đã không thể thực hiện được do tình hình lây nhiễm phức tạp nên nhiều người trong số họ đã chọn đầu tư vào Việt Nam, nơi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Fitch Ratings - tập đoàn xếp hạng tín nhiệm hàng đầu tại New York - đã điều chỉnh Triển vọng phát triển Việt Nam từ “ổn định” sang “tích cực”. Công ty dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào khoảng 7% trong năm 2021 và 2022. Theo Fitch, phần lớn dòng vốn FDI năm 2020 đổ vào lĩnh vực sản xuất, đạt 15,4 tỷ USD (khoảng 4% GDP). Con số này sẽ tiếp tục duy trì và thậm chí tăng lên khi Việt Nam hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu, cũng như việc tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Mặt khác, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ vào tháng Tư đã góp phần giúp các nhà đầu tư an tâm về triển vọng phát triển của quốc gia hình chữ S.
Tấn Vĩ (tổng hợp)