vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗi khổ 'không thể lên tiếng' của người bị quấy rối tình dục

2022-05-01 03:19

Tháng 7/2021, Giang, 26 tuổi, nhân viên một đơn vị chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại Hà Nội thấy cơ thể mệt mỏi, xuống phòng khám nội bộ của cơ quan siêu âm tổng quát. Cuối buổi khám, Đức, 34 tuổi, người khám cho cô, nói để lại số điện thoại để tiện trao đổi.

Tối muộn cùng ngày, Giang nhận tin nhắn đầu tiên từ Đức, động viên đừng lo lắng, mọi chỉ số xét nghiệm đều bình thường. "Đồng nghiệp bao năm, hôm nay anh mới được chăm sóc cho em". Giang hơi chột dạ vì tin nhắn này.

Những tối tiếp theo, Đức lấy cớ hỏi han sức khỏe để nói về tình cảm, khen hình thể cô đẹp, đáng yêu. Giang không thoải mái, nhắc nên dừng lại nhưng đêm sau, Đức lại nhắn tin, thậm chí gợi ý việc quan hệ tình dục.

Cảm thấy bị xúc phạm, Giang chặn số, chụp lại các tin nhắn này và báo với cấp trên về việc bị quấy rối. Cô gần như khóc khi kể lại nhưng sếp nữ không nghĩ việc này là "quấy rối" mà chỉ "trêu đùa bình thường".

Gần nửa năm sau khi báo cáo vụ việc với cấp trên, Giang thấy Đức vẫn làm cùng cơ quan, vẫn lặp lại những lời tương tự. "Giờ em muốn cái gì? Chuyện mà vỡ lở sẽ ảnh hưởng tâm lý chung của mọi người và uy tín của đơn vị", sếp gắt gỏng khi Giang nhắc lại việc xử lý Đức.

Đồng nghiệp của Giang thời gian đầu tỏ ra đồng cảm, bênh vực, nhưng sau nửa năm, có người lại cho rằng cô đang "làm mình làm mẩy". Giang dần thấy bị cô lập. Trong khi chờ đợi sự thay đổi, Giang chọn xin nghỉ việc.

Trong một tình huống tương tự, cuộc khảo sát trên VnExpress cho thấy, 13% độc giả với 133 phiếu cho rằng những tin nhắn, lời nói trêu đùa về tình dục, không phải là hành vi quấy rối tình dục. "Tuy đồng tình với nạn nhân nhưng bạn phải nhìn vào thực tế. Chuyện này là bình thường ở công sở", một độc giả bình luận.

Kết quả khảo sát trên VnExpress từ 0h ngày 27/4 đến 17h ngày 28/4.

Kết quả khảo sát trên VnExpress từ 0h ngày 27/4 đến 17h ngày 28/4.

Kết quả Điều tra về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho thấy 11,4% phụ nữ từng bị một hoặc nhiều hình thức quấy rối tình dục trong đời.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), cho rằng quấy rối tình dục khá phổ biến nhưng việc nghiên cứu và đưa ra thống kê chính xác là "rất khó". Một phần vì nạn nhân không nhận thức được bị quấy rối. Nhưng lý do lớn hơn là "có quá nhiều điều ngăn nạn nhân lên tiếng".

Theo bà, với những hành vi quấy rối ở mức độ "nhẹ nhàng", nạn nhân có thể sẽ kể với bạn bè đồng nghiệp, tâm sự người thân. Nhưng hành vi lạm dụng càng nghiêm trọng, nạn nhân lại càng có xu hướng "đào sâu chôn chặt, chịu đựng một mình".

Trong cùng cuộc khảo sát trên VnExpress, 14% độc giả sẽ lựa chọn im lặng khi được hỏi sẽ làm gì nếu bị quấy rối trong cơ quan. Một số độc giả cũng để lại lời khuyên cho nạn nhân: "Bạn nên xem lại tính cách của mình"; "Làm tiếp thì làm, không thì nghỉ, kiện kiểu gì được mà kiện"; "Chưa mất gì là được rồi".

Kết quả khảo sát trên VnExpress từ 0h ngày 27/4 đến 17h ngày 28/4.

Kết quả khảo sát trên VnExpress từ 0h ngày 27/4 đến 17h ngày 28/4.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng những quan điểm ít cảm thông, xu hướng đổ lỗi khiến nạn nhân lo sợ. Khi câu chuyện lọt ra ngoài, nhiều người thường sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao chỉ con bé đấy bị quấy rối?".

"Trong luồng dư luận ác ý này, nạn nhân thường thấy bị cô lập, ảnh hưởng cuộc sống và danh dự; thông cảm ít mà nghi kỵ, đổ lỗi lại quá nặng nề. Đó là điều đáng sợ nhất", bà Hồng nói.

Luật sư Vũ Tiến Vinh từng hỗ trợ tư pháp nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục, nhìn nhận đa số họ đều lo sợ, tâm lý không ổn định. Khi tìm đến luật sư tư vấn, họ nêu quyết tâm lên tiếng, đưa vụ việc ra ánh sáng. Song về đến nhà, họ lại hoang mang, thay đổi, không muốn tiếp tục.

"Nạn nhân sẽ phân vân, việc tố giác có làm cho thủ phạm bị xử lý hay không, có giải quyết được vấn đề gì không, mà mình lại nhận thêm phiền toái", luật sư nói.

Rào cản thứ hai ngăn nạn nhân lên tiếng, theo hai chuyên gia trên, là cơ chế xử lý. Luật sư Vinh cho rằng hành vi quấy rối đôi khi xảy ra trong thời gian ngắn, ở vị trí khuất, ngoài nạn nhân và kẻ quấy rối, không có người khác làm chứng. Đây cũng chính là lý do việc điều tra, xử lý gặp khó khăn và làm các nạn nhân nản lòng.

Nhưng theo tiến sĩ Hồng, ngay cả khi nạn nhân có các bằng chứng và vượt qua được nỗi sợ hãi đầu tiên về "dư luận xã hội", các quy trình sau đó cũng rất dễ khiến họ bỏ cuộc.

Bà Hồng dẫn chứng đa số các nước phát triển đều có cơ chế một cửa cho các nạn nhân, tức chỉ cần gọi một nơi duy nhất là đồn cảnh sát, để tố cáo và giải trình sự việc ấy một lần. Sau đó, nạn nhân sẽ được tư vấn và chăm sóc dịch vụ y tế, tâm lý, bảo vệ...

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng "xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân" là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều nạn nhân quấy rối tình dục im lặng. Ảnh: Thanh Lam

Trong khi đó ở Việt Nam, trên lý thuyết, có rất nhiều ban ngành đoàn thể cơ quan, chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý vấn đề này: tổ trưởng dân phố, Hội trưởng hội phụ nữ, công an phường chủ tịch phường, công đoàn công ty, lãnh đạo cơ quan, tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em...

"Quá nhiều người được phân trách nhiệm như thế, có nghĩa là chả có ai. Hãy tưởng tượng nạn nhân phải đem cùng một câu chuyện đau buồn, dằn vặt họ, đi trình bày bao nhiêu lần, với bao nhiêu người", Viện trưởng ISDS nêu quan điểm.

"Chế tài chưa đủ mạnh, khiến nạn nhân thấy mình không được bảo vệ. Những vụ án quấy rối bị xét xử thường phải đợi đến khi đã cấu thành hành vi dâm ô, hiếp dâm, bạo hành", bà nói.

Luật sư Vinh phân tích, đến nay ở cấp độ văn bản luật, mới chỉ có Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên lại khá sơ sài, đơn giản khi nêu: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Trước đó, Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam, ban hành năm 2015 định nghĩa hành vi quấy rối tình dục là hành vi "có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới, nam giới". Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, xúc phạm người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Theo bộ quy tắc này, quấy rối tình dục có thể bằng nhận xét không đứng đắn, ngụ ý tình dục/phô bày tài liệu khiêu dâm... hoặc bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

Còn Bộ luật Hình sự quy định, chỉ hành vi tình dục như dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm mới là tội phạm hình sự. Ngoài phạm vi này, việc quấy rối chỉ có thể bị xử phạt hành chính. Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng sẽ bị phạt 5-8 triệu đồng.

Ảnh: Rancho Milagro Recovery

Ảnh: Rancho Milagro Recovery

Theo nghiên cứu của UN Women, một yếu tố lớn khiến các nạn nhân không thể lên tiếng là nỗi sợ hãi không được tin tưởng. nhiều thủ phạm có vẻ ngoài đáng kính, có uy tín xã hội, và dư luận dễ bác bỏ những lời buộc tội mà không cần xem xét kỹ.

Sự không tin tưởng hay xảy ra khi nạn nhân là trẻ em. Khi thổ lộ với cha mẹ, trẻ hay bị quy chụp là bịa đặt nói dối, trong khi thực tế, trẻ thường không nói dối về những tổn thương.

Đôi khi nạn nhân bị lạm dụng chịu im lặng vì thủ phạm là người có quyền lực, địa vị, có sức ảnh hưởng. Nên nếu tố cáo, ngoài khả năng bị cho là kẻ bịa đặt, nạn nhân còn rất sợ bị thủ phạm đe doạ, trả thù...

Song về góc độ pháp lý, luật sư Vinh khuyên nạn nhân từ bỏ ngay tư tưởng, suy nghĩ thỏa thiệp với thủ phạm bởi đây là "sai lầm". Việc thỏa hiệp thường mất khá nhiều thời gian nên đến khi thỏa hiệp không được thì các chứng cứ, dấu vết có thể đã không còn. Thứ hai, sau khi thỏa hiệp không thành thì thủ phạm có thể quay lại thách thức nạn nhân bởi không có chứng cứ gì để chống lại. Cuối cùng, nếu thỏa hiệp, nạn nhân đã vô tình để thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có thể tiếp tục quấy rối người khác.

Tiến sĩ Hồng cho rằng, nạn nhân cần nhanh chóng lên tiếng, dù thủ phạm có thể không bị xử lý theo cách mong muốn. Điều này sẽ tạo hiệu ứng xã hội, ủng hộ tinh thần những nạn nhân đơn độc khác.

* Tên nạn nhân đã thay đổi.

Hải Thư

Xem thêm: lmth.7517544-cud-hnit-ior-yauq-ib-iougn-auc-gneit-nel-eht-gnohk-ohk-ion/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗi khổ 'không thể lên tiếng' của người bị quấy rối tình dục”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools