Nhiều người chăn nuôi đang gặp áp lực lớn với giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục thời gian qua - Ảnh: N.TRÍ
Trong thông báo gửi đến khách hàng, Công ty MNS Feed cho biết đã cho tăng 300-500 đồng/kg thức ăn chăn nuôi (cám) kể từ 1-5, áp dụng cho khu vực miền Nam. Tương tự, Công ty De Heus cho biết đã cho tăng 300-400 đồng/kg đối với hầu hết loại cám kể từ đầu tháng 5, áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Hàng loạt doanh nghiệp như Emivest Feedmill (Tiền Giang), Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Greenfeed Việt Nam (chi nhánh Vĩnh Long), Công ty CJ Vina Agri... cũng thông báo tăng 300-400 đồng/kg cho hầu hết sản phẩm cám kể từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Theo nhiều người nuôi, đây đã là lần tăng giá cám thứ 13 đến 14 của hầu hết công ty kể từ cuối năm 2020 đến nay, trong đó lần gần nhất là đầu tháng 4-2022. Với mức tăng 300-500 đồng/kg cho mỗi lần tăng, giá của hầu hết sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện đã tăng trên 6.000 đồng/kg (tăng trên 150.000 đồng/bao 25kg) so với thời điểm cuối năm 2020.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết với giá cám được điều chỉnh tăng, giá thành chăn nuôi heo thịt hiện tăng lên 56.000-60.000 đồng/kg, trường hợp phải đi mua con giống thì chi phí sẽ cao hơn, chưa kể rủi ro dịch bệnh.
Cụ thể, để nuôi heo thịt đạt trên dưới 100kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), giống 1,6 triệu đồng/con... Trong khi đó, giá heo hơi ở mức thấp kéo dài với hiện chỉ 54.000-57.000 đồng/kg.
Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) ở mức cao, hiện phổ biến 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh.
Theo ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.
"Thường xuyên bị thua lỗ nên ngày càng nhiều người nuôi nhỏ lẻ đã ngưng tái đàn. Do đó, hiện nguồn cung gà công nghiệp đến từ cơ sở nhỏ lẻ chỉ chiếm khoảng 10-15%, còn lại chủ yếu từ các doanh nghiệp lớn", ông Quyết nhận định.
TTO - Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng mạnh trong hơn một năm qua khiến nhiều ngành chăn nuôi thua lỗ nặng nề, người nông dân phải chấp nhận giảm đàn cắt lỗ.
Xem thêm: mth.33502940210502202-ol-hnag-hnim-gnog-ioun-iougn-ueihn-gnat-ial-ioun-nahc-na-cuht-aig/nv.ertiout