Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học - Ảnh: THÀNH CHUNG
Tại buổi thông tin về kết quả cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng tiêu cực vừa qua, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho hay, đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới xem xét, quyết định.
Cán bộ vào Ban chỉ đạo phải không tham nhũng
Theo ông Học, với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban. Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban sẽ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói các cán bộ vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh này trước hết phải gương mẫu, trong sáng, không được tham nhũng", ông Học nhấn mạnh.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho hay, chủ trương lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng trụ cột "cốt lõi" địa phương vững mạnh thay vì chỉ trung ương.
Số cán bộ là Bí thư, nguyên Bí tỉnh ủy vi phạm nghiêm trọng bị xử lý trong thời gian qua chỉ là một bộ phận nhỏ, "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không phải tất cả.
"Qua việc xử lý nghiêm minh các Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch tỉnh vừa qua chính là sự cảnh tỉnh, đòi hỏi các cán bộ khi được giao trọng trách là người đứng đầu, lãnh đạo địa phương, nhất là sau này nếu đứng đầu Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, phải thực sự gương mẫu, trách nhiệm", ông Chức nói.
Do vậy, người trong Ban chỉ đạo thì thực sự cả bản thân và gia đình phải trong sạch, không tham ô, tham nhũng. Khi anh trong sáng, thẳng thắn, đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên trên hết mới có thể làm được. "Còn nếu cứ "ngậm miệng ăn tiền" thì dù Ban có đông cũng không ý nghĩa", ông Chức chỉ rõ.
Ông Nguyễn Viết Chức - Ảnh: QUANG VINH
Mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh nên tổ chức thế nào?
Ông Chức góp ý thêm với Ban chỉ đạo ở trung ương do Tổng Bí thư là Trưởng ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Quốc hội, MTTQ, Bộ Công an, tòa án, viện kiểm sát...
Do vậy, sau khi được thành lập, mô hình ở địa phương cũng nên như trung ương, trưởng ban và các thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương.
Ông Nguyễn Túc, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng mô hình Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh phù hợp với mô hình người đứng đầu cấp ủy sẽ đứng đầu công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Túc, để tránh việc một số Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy vi phạm thời gian qua gây lo ngại đến Bí thư tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ đạo ở địa phương thì cần nâng cao giám sát quyền lực, trong đó, ngoài Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ phải huy động "sức mạnh giám sát" của nhân dân.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh sau khi được thành lập phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Ban chỉ đạo trung ương. Bởi, việc này sẽ phát huy được sự thông suốt, tránh bị chi phối, chỉ đạo bởi người này, người kia và "trên nóng dưới lạnh" sẽ được dần khắc phục.
TTO - Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khi được lập sẽ giúp nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.
Xem thêm: mth.26885353192402202-auq-ueih-ohc-oas-mal-hnit-pac-gnuhn-maht-gnohc-oad-ihc-nab-hnih-om/nv.ertiout