Đêm ở Đà Nẵng có gì?
Nhiều năm gần đây, một số hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ ban đêm đang hình thành ở Đà Nẵng như: khu phố du lịch An Thượng, chợ đêm Sơn Trà, Helio, Sun World Danang Wonders… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm này mới khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát, chưa có dấu ấn khác biệt.
Đến Đà Nẵng khá nhiều, một du khách là anh Nguyễn Duy Tuấn cho hay: “Ban ngày Đà Nẵng có nhiều điểm để vui chơi, trải nghiệm. Như tắm biển, du ngoạn bán đảo Sơn Trà… Tuy nhiên, các dịch vụ giải trí về đêm khá đơn điệu ngoài mấy khu phố nhậu hoặc đi dạo ngắm các cây cầu”.
Một số đoạn đường ven biển Mỹ Khê đang thí điểm cho buôn bán về đêm |
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - cố vấn Công ty Liên hợp Vận tải và Du lịch VITRACO (Đà Nẵng) - nhu cầu giải trí, mua sắm và vui chơi ban đêm của du khách là có, nhiều thành phố du lịch lớn trên thế giới cũng đều chú trọng khai thác. Đà Nẵng cũng cần sớm phát triển các loại hình dịch vụ về đêm.
Thực tế, từ tháng 9/2020, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành đề án phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó sẽ thí điểm ngay từ năm 2021 và năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa các tổ hợp giải trí đêm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 mà đến nay đề án này vẫn đang ở bước khởi động.
Theo đề án này, Đà Nẵng sẽ phát triển một loạt các sản phẩm như: phố du lịch An Thượng; phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo mở rộng đến đường Như Nguyệt; tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành… Các show diễn, hay các dịch vụ bar/vũ trường, đặc biệt các dịch vụ dọc sông Hàn trong đó có cả loại hình tàu lưu trú 4 - 5 sao... sẽ tạo thành thương hiệu “Đêm Đà Nẵng”. Đà Nẵng cũng sẽ kêu gọi đầu tư các trung tâm thương mại, trung tâm hàng miễn thuế quy mô lớn, các chợ đêm mang bản sắc đặc trưng vùng miền…
Dịp lễ 30/4 - 1/5 này, tuyến phố du lịch An Thượng và các dịch vụ du lịch ban đêm tại bãi biển Mỹ An được đưa vào vận hành. Dịch vụ ăn uống lưu động, massage trị liệu, chiếu phim bãi biển… hoạt động trong khoảng thời gian từ 8g đến 24g. Những hoạt động này kết nối với các dịch vụ tại bãi biển của Holiday Beach, Dana Beach hình thành chuỗi các dịch vụ giải trí biển tạo nên tổ hợp phố du lịch Mỹ An - An Thượng sôi động cả ngày lẫn đêm.
Mảnh ghép cuối cùng của du lịch Đà Nẵng
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng - cho hay: “Trong điều kiện bình thường khách đến Đà Nẵng rất đông, trong năm 2019 có 8,7 triệu lượt khách đến. Đà Nẵng có núi sông, rừng biển, có cửa ngõ các di sản, có ẩm thực, con người, hạ tầng, dịch vụ… Nhưng các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm ở thành phố vẫn chưa xứng tầm. Vì vậy, nhu cầu phát triển kinh tế đêm là rất bức thiết, nó là mảnh ghép còn thiếu sẽ hoàn chỉnh bức tranh tổng thể sản phẩm du lịch của Đà Nẵng”.
“Đã có những nghiên cứu chuyên sâu về quy hoạch và đưa vào khai thác các dịch vụ về đêm. Các dịch vụ tất nhiên không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thành phố cần cân nhắc các dịch vụ tránh ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư địa phương”, ông Dũng đề xuất.
Ông Võ Văn Anh - Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng - cho rằng, dịch vụ du lịch đêm của Đà Nẵng khá manh mún. Hầu như du khách chỉ biết nhiều đến chợ đêm Sơn Trà. Các dịch vụ karaoke, bar, nhà hàng… rải rác ở các địa điểm chứ không tập trung. Nếu có nhiều tuyến phố tập trung các dịch vụ về đêm kết hợp quán ăn uống, dịch vụ hát hò, giải trí… thì tốt hơn.
“Tôi ví dụ, Đà Nẵng đang có sản phẩm du thuyền ngắm sông Hàn hoạt động rất tốt, vậy thì thành phố nên chăng nghiên cứu tập trung phát triển khu phố về đêm ở hai bên bờ sông đoạn này, dọc từ cầu sông Hàn xuống cầu Nguyễn Văn Trỗi; vừa có hoạt động ngắm du thuyền, vừa có các khu chợ đêm, các show diễn và hoạt động biểu diễn, đồng thời có cơ chế mở cho phép các gian hàng được miễn giảm thuế tập trung… thì sẽ rất sôi động”, ông Anh khuyến nghị.
Lê Đình Dũng
Xem thêm: lmth.2172641a-med-nab-hcil-ud-uv-hcid-ev-teyuhk-ohc-pal-nac-gnan-ad/nv.moc.enilnounuhp.www