Một người bệnh bị nhiễm độc kim loại khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc - Ảnh: BVCR
Các bác sĩ cho biết những bệnh nhân này đa số nghe lời "truyền miệng", "rỉ tai" từ người quen, bạn bè, tin rằng công dụng thuốc tốt cho sức khỏe nên đã mua thuốc đông y chưa rõ nguồn gốc về uống. Có những loại thuốc bệnh nhân kể được mua ngay tại chợ.
Mất hàng trăm triệu đồng điều trị
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết thời gian gần đây, đơn vị đã tiếp nhận nhiều ca nhiễm độc kim loại nặng do uống thuốc đông y kéo dài.
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan, nhưng sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên.
TS.BS Hoàng Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - cho biết bệnh viện này đã tiếp nhận những bệnh nhân bị nhiễm độc do uống thuốc nam.
Bệnh nhân thường đến bệnh viện với biểu hiện nhiễm độc của đường tiêu hóa, suy thận cấp, toan đông máu... Thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị cho những trường hợp này giống như một ca bệnh bị ngộ độc cấp để thải những độc tố ra bên ngoài cơ thể.
Tuy nhiên, với những trường hợp uống những loại thuốc từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác thì việc "súc rửa dạ dày" không còn tác dụng, mà khi đó các bác sĩ sẽ chỉ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.
Điển hình trường hợp nữ bệnh nhân N.T.H. (27 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Dù đã được thăm khám và bác sĩ cho thuốc điều trị bệnh viêm cột sống dính khớp tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2019 nhưng tình trạng sức khỏe của chị H. chuyển biến xấu dần.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy - phụ trách phòng khám chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết lý do khiến tình trạng sức khỏe chị H. chuyển biến xấu vì bỗng dưng chị nghe lời khuyên của hàng xóm rằng "bị bệnh viêm cột sống dính khớp nên uống thuốc nam sẽ tốt hơn thuốc tây", chị H. đã chuyển sang uống thuốc nam.
Sau bốn tháng dùng thuốc nam, bên cạnh bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện, chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt...
Diễn tiến bệnh càng lúc càng nặng, chị H. đến khám tầm soát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được các bác sĩ cho biết chị bị loét đường ruột rất nặng và bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam.
Bác sĩ yêu cầu chị H. ngưng uống thuốc nam để cắt đứt nguồn độc. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc kim loại nặng đã làm mất protein qua đường ruột. Vì vậy, bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt hai năm, với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.
Trộn nhiều độc chất "độc, lạ"
Theo TS.BS Hoàng Văn Quang, tùy theo trong thuốc đông y đó có độc chất gì mà khi đến bệnh viện người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Trong những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc này có thể được trộn rất nhiều chất "độc, lạ" mà bệnh nhân có thể không biết.
Tùy theo triệu chứng, tình trạng, lời kể của người bệnh, bác sĩ có thể "đoán" xem loại thuốc đó có khả năng trộn những độc chất gì, những trường hợp còn lại sẽ phải xét nghiệm mới biết thuốc đó được "trộn" những độc chất nào... từ đó sẽ có cách điều trị cho bệnh nhân.
Không ít bệnh nhân mắc bệnh khớp kể rằng khi mới uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc này, họ thấy trong người dễ chịu, triệu chứng bệnh giảm đi rõ rệt mà không biết thuốc này đã trộn corticoid, uống lâu dài sẽ không tốt cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó có những loại thuốc đông y còn trộn những kim loại nặng như chì, đồng, kẽm, asen... Khi uống những loại thuốc này sẽ gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể như tim, thận, mắt...
Những trường hợp nhiễm độc này cần thời gian điều trị lâu dài, tốn kém, thậm chí chất độc ở trong cơ quan đó lâu còn gây ra những biến chứng ở cơ quan đó.
Theo ThS Doãn Uyên Vy, trong 20 năm nay, đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận một số thuốc đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.
Trong các sách đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm...
Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân. Do thuốc đông y thường được tự pha chế thủ công, hoặc dù được đóng gói hiện đại thì liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc.
Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 - 30 lần so với liều trong sách thuốc đông y hướng dẫn. Do đó, người bệnh sử dụng những loại thuốc đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại.
Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.
Mắc bệnh mãn tính nên đi khám, đừng tự uống thuốc qua truyền miệng
Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh mắc bệnh mãn tính nên đi khám, uống thuốc theo toa của bác sĩ, không nên nghe những lời "rỉ tai, truyền miệng" uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể có những độc chất trộn trong đó để "tiền mất, tật mang".
Khi dùng bất cứ loại thuốc nào lâu dài để điều trị bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn, đồng thời phòng tránh tình trạng nhiễm độc thuốc gây ra.
TTO - Trong 20 năm nay đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận thuốc Đông y có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.
Xem thêm: mth.61321702220502202-iat-ir-gneim-neyurt-y-gnod-couht-iv-gnan-cod-meihn/nv.ertiout